Đánh giá về kết quả của mô hình bác sĩ gia đình thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2013 – 2016, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định: “Phòng khám bác sĩ gia đình hiện nay chỉ có chức năng như một phòng khám nội tổng hợp, chủ yếu khám tiểu đường, cao huyết áp. Các hoạt động sơ cấp cứu chưa được phát huy. Số lượng bệnh nhân đến khám bác sĩ ở trạm y tế còn quá ít”.
Trên thực tế, mọi thứ có vẻ ảm đạm hơn nhận định này.
Bác sĩ, bệnh nhân... đều nản
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng quận Tân Bình, đã vẽ lên một bức tranh tối màu về mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế. Đó là nơi mà bác sĩ và bệnh nhân cùng nhau nản.
Khi nói về hiệu quả của mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế, bác sĩ Trang nhấn mạnh: “Từ năm 2015 trở lại đây, mô hình này hoạt động không hiệu quả. Bác sĩ đã thiếu, lại còn họp hành nhiều. Bệnh nhân đến khám, 1 – 2 lần không gặp bác sĩ thì họ cũng bỏ luôn”.
|
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận Tân Bình |
Bệnh nhân nản còn vì khám theo mô hình bác sĩ gia đình phải trả phí 30.000 đồng, còn khám bình thường chỉ 10.000 đồng. Trong khi bác sĩ khám chẳng khác nhau nên người bệnh ùn ùn lên bệnh viện quận khám và lấy thuốc cho nhanh.
Ngay cả nhân viên y tế ở trạm y tế cũng không muốn người dân khám theo mô hình bác sĩ gia đình bởi thiếu người mà lại quá nhiều việc. Bác sĩ nản vì mô hình bác sĩ gia đình chưa được quản lý bằng phần mềm nên phải kê đơn đến 3 lần: bằng phần mềm riêng cho bác sĩ gia đình, kê đơn bằng viết tay và thêm 1 phần kê đơn nữa để thanh quyết toán với bảo hiểm y tế.
|
Dù bác sĩ đã cố chộp lấy những bệnh nhân ít ỏi thì phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế vẫn không thể thu hút được bệnh nhân |
Thậm chí, bảo hiểm y tế giới thiệu một phần mềm để chuyển dữ liệu lên cổng điện tử nhưng cũng bị "bệnh…treo". Với mỗi bệnh nhân, bác sĩ nhấn một lệnh in thì máy tính chạy vòng vòng không bao giờ dừng. Vậy là y bác sĩ thề luôn từ nay về sau không khám thanh toán bảo hiểm y tế nữa. Thà là khám miễn phí hoặc khám lấy phí 10 nghìn đồng cho bà con nhanh hơn.
|
Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được thí điểm tại các trạm y tế TP.HCM từ 2013 và đến nay thì chứng tỏ là kém hiệu quả rất nhiều |
Bệnh nhân không đến nên có chuyện bác sĩ chuyên ngành y học gia đình trở nên “thất nghiệp” nến nỗi bác sĩ Thanh Trang ví von là: “bác sĩ phải ôm máy siêu âm mà ngủ gật”.
Máy móc đủ cả, chỉ thiếu người bệnh
Bác sĩ Lê Văn Thể, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận 1 kể: ban đầu người dân thấy mô hình bác sĩ gia đình thì mừng lắm nhưng sau đó thì không tìm đến nữa. “Do cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế cho người đến khám bác sĩ gia đình thì quá chậm. Siêu âm thì không được thanh toán bảo hiểm y tế. Còn thuốc men thì bệnh viện quận huyện không đưa thuốc đắt tiền về mà chỉ cho thuốc rẻ tiền về trạm y tế. Bệnh nhân mãn tính đến trạm y tế chỉ 1 – 2 lần rồi đi bệnh viện khám”.
Bệnh nhân khám bác sĩ gia đình cũng không có gì khác biệt so với bệnh nhân thường. Dù có lập hồ sơ quản lý sức khỏe nhưng việc chuyển viện là không thực hiện được nên bệnh nhân đến khám ở trạm y tế xong thì lên bệnh viện quận/huyện lại đứng xếp hàng chờ đợi như những người khác.
|
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân tại một trạm y tế của quận 10, TP.HCM |
Bác sĩ Lê Văn Thể cũng cho biết quận 1 có 6 phòng khám bác sĩ gia đình ở 6 trạm y tế đều có đầy đủ trang thiết bị. Mỗi phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế phường được trang bị 9 loại trang thiết bị gồm: 1 máy siêu âm, 1 máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động, 1 máy xét nghiệm huyết học tự động, 1 máy điện tâm đồ, 1 máy tổng phân tích nước tiểu, 1 kính hiển vi, 1 máy ly tâm, 1 máy Doppler tim thai, 1 máy hấp vô trùng cùng gần 40 y cụ khác.
Bác sĩ thì có chứng chỉ y học gia đình, biết siêu âm; có thêm 1 kỹ thuật viên xét nghiệm. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ đến làm xét nghiệm rồi cầm kết quả xét nghiệm lên bệnh viện khám…cho nhanh. Các bệnh nhân đến phòng khám bác sĩ gia đình chủ yếu là khám các bệnh cảm cúm, nhức đầu hoặc theo dõi bệnh mạn tính.
Có một sự hiểu lầm... không hề nhẹ
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: một số địa phương như TP.HCM và Thừa Thiên Huế đang có một sự hiểu lầm về mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế. Theo đó, TP.HCM đang triển khai thêm một phòng khám riêng biệt về bác sĩ gia đình bên cạnh một phòng khám thông thường của trạm y tế.
|
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn: TP.HCM đã "hiểu lầm" về mô hình bác sĩ gia đình |
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định Bộ Y tế không yêu cầu thành lập một hệ thống phòng khám bác sĩ gia đình bên trong trạm y tế. Hoạt động của các trạm y tế hiện nay là rất giống với mô hình bác sĩ gia đình rồi, tỷ lệ giống nhau đến 70 – 80%. Vì thế, mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế là tích hợp chứ không phải là thành lập mới một phòng khám nữa.
|
Sau sự "hiểu lầm" này thì TP.HCM không biết phải xoay sở ra sao với những phòng khám bác sĩ gia đình đã triển khai tại trạm y tế |
Với nhận định này của Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, Sở Y tế TP.HCM sẽ phải gặp rối vì hiện nay đa phần các trạm y tế đều thành lập riêng các phòng khám bác sĩ gia đình.
Bức tranh về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình chưa dừng lại ở đó. Bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp, chỉ rõ: “Mô hình bác sĩ gia đình ở các trạm y tế là không hiệu quả. Ngoài ra, TP.HCM đang có sự lẫn lộn giữa bác sĩ gia đình và bác sĩ nội tổng quát”.
Các y bác sĩ tại TP.HCM đã “tự thú” về một mô hình bác sĩ gia đình đầy ắp những khiếm khuyết, khập khiễng và lộ rõ sự kém hiệu quả. Vấn đề còn là nên thay đổi như thế nào.
Hiếu Nguyễn