'Chợ thuốc' đang 'giết' cả ngành dược và người bệnh

07/02/2018 - 10:45

PNO - Hầu hết các chuyên gia đều thống nhất quan điểm không nên tồn tại những điểm mua bán thuốc tập trung như các chợ sỉ ở TP.HCM, Hà Nội. Bởi nó hoàn toàn phản chuyên môn và mô hình quản lý về dược.

'Cho thuoc' dang 'giet' ca nganh duoc va nguoi benh
Một trong nhiều dãy cửa hàng lớn của Công ty cổ phần Dược phẩm Quận 10 tại “chợ thuốc” - đơn vị liên tục bị phát hiện kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc thời gian gần đây - Ảnh: Quốc Ngọc

Trước tiên, phải thừa nhận việc tồn tại các “chợ thuốc” - như cái trung tâm của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Mười (Q.10, TP.HCM, gọi tắt CT Mười) - rõ ràng phục vụ cho nhu cầu “tiện lợi” nào đó trong kinh doanh, phân phối dược phẩm.

Vấn đề ở đây là, ngay cả tại nơi mua bán thuốc tập trung như thế, việc thực hành cho đúng quy định về dược lại hoàn toàn bị phớt lờ, trước sự bất lực của cơ quan quản lý. Hơn nữa, như thực tế mà chúng tôi đã nêu trong các bài trước, kèm với ý kiến dưới đây của ngành chức năng và chuyên gia, cho thấy rõ “chợ thuốc” tồn tại nhiều kiểu “núp bóng” để thu lợi, bất chấp tính mạng con người.

Thảm trạng “đau đầu” của ngành y tế

Dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM - cho biết, chợ sỉ thuốc tây là “tàn dư” từ thời bao cấp, do điều kiện khó khăn lúc bấy giờ, nên hình thành nơi để mua bán thuốc. Luật không đề cập mô hình “chợ sỉ” hay trung tâm bán buôn dược phẩm. Hiện tại “chợ thuốc” là những công ty có pháp nhân độc lập, thuê mướn mặt bằng của CT Mười và triển khai mua bán tập trung, để người mua dễ dàng tiếp cận với nhiều chủng loại hàng, nhiều nhà phân phối.

Có một nhu cầu xã hội như thế, nhưng theo ông Dũng, đối với thuốc là hàng hóa đặc biệt, việc tồn tại những nơi mua bán tập trung như chợ thuốc gây nhiều quan ngại. “Nếu quản lý không tốt thì lo ngại nhất là vấn đề chuyên môn. Địa điểm mua bán tập trung tạo cơ hội để thuốc không rõ nguồn gốc, nghĩa là thuốc giả, thuốc lên đời, thuốc nhái được lưu thông với số lượng lớn và đi khắp nơi”, ông nói. Ông nhìn nhận, từ “chợ thuốc”, khả năng thuốc không rõ nguồn gốc tỏa đi từng ngõ ngách, đến tay người dân, là nỗi “đau đầu” lâu nay của ngành y tế.

“Thuốc không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ trong quá trình lưu thông, dù cho đó là thuốc thật, nhưng vẫn xem là thuốc lậu phải tiêu hủy. Như vậy, thuốc phi mậu dịch (xách tay), thuốc viện trợ, thuốc qua đường biên giới, thuốc trình dược viên tận dụng lượng hàng mẫu đem ra bán… đều là bất hợp pháp”.

Dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM

Từ thực tế công tác, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, bên cạnh tình trạng bán buôn không đúng đối tượng, mua sỉ, lẻ bát nháo, bất chấp quy định về pháp nhân được phép kinh doanh thuốc hoặc chả cần quan tâm thuốc phải bán theo toa, “chợ thuốc” còn là nơi lý tưởng để đối phó với cơ quan chức năng, khiến cho quản lý rất khó khăn.

Cụ thể, khi bị kiểm tra, các đơn vị thường dùng “chiêu” sử dụng một hóa đơn đầu vào hoặc đầu ra cho mặt hàng thuốc với số lô sản xuất. Thực ra, số lô có thể đại diện cả triệu đơn vị thuốc. Nên cứ bán hết đợt hàng này, họ lại lấy đợt khác miễn sao đủ số lượng ghi trên hóa đơn.

Theo thanh tra, “chợ thuốc” cũng là nơi thoải mái để các cơ sở thú y mua hàng hết hạn sử dụng. Đây là việc mua bán trái quy định. Và hàng không nguồn gốc, hay hàng gian, hàng giả cực kỳ tinh vi. Thậm chí, chính công ty bị giả sản phẩm còn không thể nhận biết cái nào giả, cái nào thật.

Không thể kiểm soát đường đi của thuốc

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia lĩnh vực dược cho rằng, các “chợ thuốc” đang hiện diện cho thấy những bất hợp lý cả về mặt khoa học lẫn mô hình quản lý.

Ngoài tạo cơ hội cho thuốc không nguồn gốc, thuốc giả lưu thông ra thị trường, “chợ thuốc” như hiện nay còn là nguyên nhân hàng đầu khiến cho giá thuốc hỗn loạn. Bên cạnh đó, thuốc kém chất lượng - do nguyên liệu kém, sản xuất lỗi hoặc thuốc sản xuất lô nhỏ - cũng có thể “biến hóa” ở “chợ thuốc”.

“Ai làm dược cũng biết, trong một triệu viên thuốc, tỷ lệ gặp lỗi trong khâu sản xuất có thể lên đến hai ba chục ngàn viên. Chưa kể, nếu sản phẩm gặp vấn đề trong quá trình sản xuất, bắt buộc phải thu hồi. Nhưng một khi đã vào “chợ thuốc” thì thôi rồi, không có cách nào thu hồi sản phẩm được nữa vì làm sao kiểm soát được đường đi của thuốc với cách kinh doanh bất chấp quy định tại đây”, vị này lắc đầu.

Theo ông, thuốc từ nhà máy chỉ cần vào kho, sau đó thông qua nhân viên bán hàng hoặc công ty dược địa phương để phân phối cho các nhà thuốc và đến tay người tiêu dùng. Tất cả kiểm soát được bằng hóa đơn, chứng từ. Như thế, hoàn toàn không cần vai trò của chợ sỉ thuốc tây như giai đoạn trước đây khi chưa có các công ty dược. “Những bất cập tạo ra từ “chợ thuốc” đang “giết chết” ngành dược và một nửa những bất cập đó cũng đang giết người dùng”, ông khẳng định.

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, người chịu trách nhiệm về nghiệp vụ dược của thành phố thẳng thắn nêu quan điểm, TP.HCM nên hướng tới việc không nên mua bán thuốc tập trung như vậy. “Trên thế giới không có nơi nào mua bán thuốc tập trung như mình. Thói quen của người mua hàng cần phải thay đổi vì thuốc là vấn đề phải xem lại. Nếu như tập trung như vậy quản lý rất khó, trừ khi xây dựng được mô hình như một đầu vào, một đầu ra như dự kiến trước đây”, dược sĩ Dũng nói.

Theo ông Dũng, với mô hình một đầu vào, một đầu ra, đơn vị chủ quản chợ thuốc như CT Mười không đơn thuần chỉ là tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cho thuê mướn mặt bằng kinh doanh mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động kinh doanh, kể cả vấn đề hàng gian, hàng giả, lúc đó mới ổn.

Ở nước ngoài, theo ông, hệ thống phân phối rất hiện đại. Ngoài lúc nào cũng có bộ phận marketing mạnh, thông tin về sản phẩm như giá cả và phương thức phân phối đều được đưa lên trang web của doanh nghiệp dược. Việc bán buôn thông qua thương mại điện tử. Công ty có thể phân phối tận nơi.

“Chợ thuốc” không nên tồn tại nữa, theo những người am tường về dược. Bởi cái “lợi” mà nó mang lại chỉ là siêu lợi nhuận cho những kẻ làm ăn bất lương. Còn lại là những tai hại lớn đang chờ đợi, mà không lẽ, phải đến khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, chúng ta mới “sáng mắt” vào cuộc? 

Sai phạm tại Bệnh viện Mắt TP.HCM: Khẩn trương xử lý các cá nhân và vấn đề “giấu biệt” 1.000 tỷ đồng

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong về kết quả kiểm điểm ông Trần Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Theo đó, Sở Y tế thành phố được giao nhiệm vụ khẩn trương thành lập hội đồng xử lý kỷ luật. Sở căn cứ mức độ sai phạm, khuyết điểm của ông Tuấn và các cá nhân có liên quan quyết định hình thức xử lý kỷ luật.

Ngoài ra, ông Phong giao Thanh tra thành phố nhanh chóng có kết luận thanh tra giai đoạn 2 đối với Bệnh viện Mắt để báo cáo UBND thành phố theo đúng quy định của Luật Thanh tra.

Như Báo Phụ Nữ đã phản ánh trong các bài viết trước đây, như “Giấu biệt” 1.000 tỷ, Bệnh viện Mắt TP.HCM lộng quyền và xem thường pháp luật (đăng ngày 1/9/2017) và Bệnh viện Mắt TP.HCM: Thu chi tiền tỷ trên “xác” một đơn vị đã bị giải thể (đăng ngày 27/9/2017)… về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng tài chính xảy ra tại Bệnh viện Mắt, giai đoạn ông Tuấn làm giám đốc.

Thanh tra giai đoạn 2 chính là thanh tra riêng việc thu chi hơn 1.000 tỷ đồng tại khoa Khám và điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao chưa được kiểm tra, kiểm toán, không được đưa vào hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính hằng năm của bệnh viện. Trước đó, khi công bố kết luận thanh tra toàn diện bệnh viện, Thanh tra thành phố đã kiến nghị tiếp tục lập đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi riêng tại khoa này từ tháng 1/2014 cho đến nay.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI