PNO - Người dân quận Hà Đông, Hà Nội vô cùng bức xúc khi nhiều công viên, vườn hoa bị bỏ hoang hay bị sử dụng sai mục đích. Chẳng hạn, từ nhiều năm nay, Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông bị biến thành khu kinh doanh, buôn bán.
Anh Nguyễn Huy Khánh (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) cho biết, anh cùng gia đình chuyển đến chung cư Xa La từ năm 2018 nhưng đến nay, hạ tầng xung quanh vẫn chưa được hoàn thiện, không có công viên nào để vào tập thể dục. Chỉ tay về phía Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông, anh Khánh ngán ngẩm: “Đường vào không có. Bên trong công viên là nơi bán bia, họp chợ, đánh golf, không có chỗ để dân vào đi bộ, tập thể dục”.
Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông có tổng diện tích được phê duyệt là 98ha, hiện đã giải phóng mặt bằng được 52,8ha. Theo Công văn số 3461 do UBND TP.Hà Nội ban hành ngày 22/5/2015, “chỉ được xây dựng các công trình tạm thời bằng các vật liệu tạm, khấu hao nhanh; không xây dựng công trình kiên cố, công trình cấp 4, công trình một tầng; đảm bảo quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường”.
Một góc Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông bị biến thành khu kinh doanh, buôn bán
Tuy nhiên, hiện nay, trong khu vực công viên đã có nhiều công trình kiên cố mọc lên. Ông Đinh Công Đạt - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông - cho biết, có 12 doanh nghiệp được thuê đất trong dự án Công viên Thể thao Cây xanh Hà Đông với diện tích hơn 30ha với mức giá 5.000 đồng/m2/năm. Mỗi năm, trung tâm thu về khoảng 1,5 tỷ đồng.
Liên quan đến việc sử dụng sai mục đích các công viên ở TP.Hà Nội, giáo sư - tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, khu dân cư phải luôn có hai loại đất bắt buộc dành cho giao thông và vui chơi. Những công viên ở khu dân cư dù để không cũng không thể bị coi là lãng phí nên không được mang ra kinh doanh hay phục vụ công việc khác. Ông nói: “Khi được thiết kế để làm công viên thì chức năng và nhiệm vụ của khu đất đó đã được tính toán kỹ rồi. Tất cả đều có giá trị riêng của nó, không thể viện cớ lãng phí rồi mang ra kinh doanh sai mục đích được”.
Theo ông, công viên có chức năng là điều hòa không khí, giữ nước và làm nơi vui chơi, giải trí cho cư dân. Công viên cần kinh phí để duy trì, bảo dưỡng nhưng những hoạt động kinh doanh cũng phải phục vụ nhu cầu của người dân như trông giữ xe, kinh doanh đồ ăn uống cho người dân đến chơi. Các hoạt động kinh doanh không được xâm phạm quá nhiều đến diện tích đất công viên.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.