Cho thấy lợi ích để dân tham gia bảo hiểm y tế

25/10/2024 - 06:33

PNO - Tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trình bày tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Quy định chi tiết loại bệnh được thông tuyến

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo luật là sửa đổi quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, một số trường hợp mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển thẳng lên bệnh viện có chuyên môn cao để giảm thủ tục, giảm chi phí cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ. Quỹ BHYT cũng thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú theo tỉ lệ phần trăm mức hưởng của các đối tượng có các bệnh này.

Liên quan tới nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho hay, thủ tục thông tuyến, chuyển tuyến nhanh nhất, thuận lợi nhất cho người bệnh là mong muốn của nhiều cử tri.

Tuy nhiên, nếu thông toàn tuyến, cho người dân tự chuyển viện sẽ dẫn tới tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, trong khi cơ sở y tế tuyến dưới không có bệnh nhân, không thể phát triển. Bên cạnh đó, việc thanh toán BHYT đã phân bổ nguồn kinh phí ngay từ đầu năm nên rất khó điều chỉnh.

Bệnh nhân đợi lấy thuốc bảo hiểm y tế tại quầy thuốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) - ẢNH: PHẠM AN
Bệnh nhân đợi lấy thuốc bảo hiểm y tế tại quầy thuốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) - ẢNH: PHẠM AN

Bà Việt Nga đồng tình với quy định trong dự thảo luật bởi cho rằng, thủ tục như hiện nay làm mất nhiều thời gian của bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm cần chuyển tuyến gấp, đồng thời ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị. Bà kiến nghị, ban soạn thảo luật cần quy định chi tiết danh sách bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được thông tuyến để tạo thuận lợi nhất cho bệnh nhân.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, thời gian qua, có lúc, có nơi xảy ra tình trạng người dân phải mua thuốc ngoài và tự chi trả do cơ sở khám, chữa bệnh thiếu thuốc BHYT. Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, dự luật bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lưu ý, cần có danh mục loại thuốc và vật tư y tế được BHYT thanh toán khi người dân đi mua bên ngoài. Sẽ có trường hợp người dân không mua được đúng loại thuốc trong danh mục mà phải thay thế bằng hoạt chất tương đương nên không được thanh toán.

Do đó, danh mục cũng cần cụ thể hóa điều này. Bên cạnh đó, thủ tục thanh quyết toán hiện nay quá phức tạp, cần được đơn giản hóa. Bà nói: “Tâm lý của người đi viện là mong được trở về nhà càng sớm càng tốt. Do đó, họ chấp nhận bỏ qua các thủ tục trên, ngoại trừ các loại thuốc vượt quá khả năng chi trả”.

Thủ tục chi trả bảo hiểm y tế còn rườm rà

Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần và chi trả BHYT. Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, việc bổ sung các đối tượng này sẽ góp phần làm tăng tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân. Tuy nhiên, không dễ để đạt được mục tiêu đạt 95% vào năm 2030.

Bà phân tích: “Tỉ lệ bao phủ BHYT hiện tại so với mục tiêu đến năm 2030 là khoảng cách khó thực hiện nếu không có các biện pháp quyết liệt, bởi đối tượng tham gia BHYT thì đã tham gia rồi, nhưng số còn lại rất khó tham gia, nhất là BHYT tự nguyện”. Theo bà, phần đông người chưa tham gia BHYT là do không có nhu cầu.

Thêm vào đó, có tình trạng mở rộng được đối tượng mới thì người cũ lại không tham gia. Muốn đạt mục tiêu, ngoài việc bổ sung đối tượng tham gia bằng ngân sách, các chính sách về BHYT phải được cải thiện để thu hút người dân.

Bà nói: “Nhiều cử tri nói họ không mặn mà với BHYT là vì khi họ cần dùng đến thẻ BHYT thì mức độ chi trả ở các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu rất thấp”.

Theo bà Việt Nga, ngành y tế cần giải quyết ngay tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, không để người dân băn khoăn rằng mua bên ngoài thì có được BHYT thanh toán hay không. Tình trạng này là một trong những nguyên nhân khiến người dân thiếu niềm tin với thẻ BHYT. Đồng thời, ngành y cần tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, mức đóng BHYT hiện nay thấp và các thủ tục phức tạp trong quá trình thanh toán, chuyển tuyến gây khó khăn cho người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là mối lo vỡ quỹ BHYT. Kết quả, người dân có cảm giác bất tiện.

Bà Phong Lan cho rằng, phải xem xét lại các thủ tục này để tránh việc biến nền y tế thành một hệ thống giá rẻ, từ đó ảnh hưởng đến cả nền công nghiệp dược và chất lượng chăm sóc y tế.

Bà cũng đặt nghi vấn về mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng thẻ BHYT ở các bệnh viện. Chất lượng dịch vụ y tế và các thủ tục phức tạp khiến nhiều người không cảm thấy thoải mái, thiếu niềm tin vào hệ thống BHYT. Do đó, cần tính toán cơ chế tài chính để người dân được khám, chữa bệnh với chất lượng dịch vụ tốt nhất khi sử dụng BHYT.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) đề nghị: “Không nên coi việc khám, chữa bệnh theo tuyến BHYT là biện pháp chống quá tải cho hệ thống y tế mà phải tổ chức lại hệ thống y tế sao cho người dân có thể đến nơi khám, chữa bệnh nhanh nhất, đầy đủ nhất, có thầy giỏi, thuốc tốt, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng BHYT”.

Một số chính sách mới trong dự thảo luật

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định một số chính sách mới cho người tham gia BHYT như: quỹ BHYT thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; bổ sung quy định chi trả vận chuyển người bệnh, một số phạm vi quyền lợi về điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi tham gia BHYT.

Trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về cơ sở y tế cấp thấp hơn được sử dụng thuốc như cấp cao hơn và điều chỉnh tỉ lệ hưởng BHYT trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở. Theo dự thảo luật, chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Dự thảo luật cũng điều chỉnh giảm tỉ lệ chi phí quản lý quỹ BHYT từ 5% xuống còn 4% để tăng mức chi trực tiếp cho việc khám bệnh, chữa bệnh từ 90% lên 91% ngay từ đầu năm, tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí.

Luật về bảo hiểm y tế cần nhất quán với Luật Khám bệnh, Chữa bệnh

Mặc dù Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (năm 2023) đã thay đổi việc phân cấp hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh từ “phân tuyến” (4 tuyến), thành “phân cấp” (3 cấp) nhưng những nội dung thay đổi trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vẫn giữ “bệnh viện huyện”, “bệnh viện tỉnh”, “bệnh viện trung ương”.

Chúng ta đã nhất trí cho thông tuyến toàn quốc, bệnh nhân có thể đi khám ban đầu ở bất kỳ bệnh viện nào thuộc cấp ban đầu, cấp cơ bản, nhưng dự thảo luật vẫn quy định phải đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu. Thể hiện như vậy là vẫn giữ lối mòn. Tôi đề nghị, dự thảo không tiếp tục nêu “bệnh viện huyện”, “bệnh viện tỉnh”, “bệnh viện trung ương” nữa.

Thông tuyến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu, cấp cơ bản nghĩa là, bệnh nhân có thẻ BHYT khám bệnh, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở nào thuộc phân cấp ban đầu, cấp cơ bản thì được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo tỉ lệ phần trăm mức hưởng của thẻ, kể cả nội, ngoại trú.

Bệnh nhân khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp tại các cơ sở cấp chuyên sâu mà không thông qua chuyển viện từ cấp cơ bản, cấp ban đầu thì sẽ được hưởng một tỉ lệ phần trăm so với mức hưởng đầy đủ quyền lợi. Tuy nhiên, tỉ lệ phần trăm này tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của nguồn quỹ. Tôi đề xuất tỉ lệ này từ 30 - 50%.

Về “giấy chuyển khám chữa bệnh” khi người bệnh chuyển từ cơ sở khám chữa bệnh này đến cơ sở khám chữa bệnh khác, theo tôi, có thể áp dụng giấy chuyển khám chữa bệnh điện tử qua liên thông điện tử giữa các bệnh viện bởi đây là yêu cầu gần như bắt buộc về chuyên môn, có lợi cho bệnh nhân.

Khi thông tin từ bệnh viện cũ chuyển sang, bệnh viện sau không phải lặp lại những gì đã làm để tránh mất thời gian, tốn kém chi phí không đáng có. Thông tin can thiệp của bệnh viện trước làm tăng khả năng chính xác của việc khám, chữa bệnh ở bệnh viện sau. Việc này cũng giúp công tác quản lý nhà nước về y tế, về BHYT tốt hơn.

Ông NGUYỄN TRI THỨC - Đại biểu Quốc hội (đoàn TPHCM), Thứ trưởng Bộ Y tế

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI