Hàng hóa, xe cộ chắn hết lối đi
Mới đây, đại diện nhóm 50 tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TPHCM) đã gửi đơn đến Báo Phụ nữ TPHCM, phản ánh về nguy cơ cháy, nổ ở chợ này. Theo đơn, việc xây dựng chợ không đúng bản vẽ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ cháy, nổ.
|
Chay_1: Cầu thang trong chợ An Đông bị chất hàng bít gần hết nên rất khó thoát hiểm nếu xảy ra cháy - Ảnh: Thanh Hoa |
Cụ thể, theo thiết kế, 2 bên hông các tầng lầu đều có hành lang thoát hiểm nhưng thực tế, mọi hành lang đều bị lắp kính và biến thành nơi chứa hàng hóa của một số tiểu thương. Theo bản vẽ, toàn bộ tầng hầm là bãi giữ xe của chợ nhưng thực tế, tầng hầm đã bị phân lô để cho thuê sạp. Thêm vào đó, hệ thống máy lạnh được lắp đặt từ năm 2018 đến nay bị rò rỉ nước trong thời gian dài, rất dễ chập điện.
Theo ghi nhận của chúng tôi, 4 mặt chợ An Đông bị bãi xe vây kín, xe chiếm gần hết lối ra vào. Các cầu thang trong chợ cũng bị tiểu thương chiếm dụng phần lớn diện tích để chất hàng hóa. Nếu xảy ra cháy, việc thoát hiểm cũng như chữa cháy đều rất khó khăn.
Còn ở chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM), ngay cổng số 4, có để bảng “cấm đậu xe” nhưng 5-6 chiếc xe máy vẫn đậu chiếm hết lối ra vào. Phía trước chợ và các cung đường bao quanh chợ, có nhiều bãi giữ xe tự phát với lượng xe rất lớn. Trong khu lồng chợ, lối đi rộng hơn 1,5m nhưng bị các chủ sạp cơi nới, đặt tủ hoặc chất hàng hóa khiến nó chỉ còn 7-8 tấc. Thậm chí, nơi đặt bình chữa cháy cũng bị tiểu thương chất hàng hóa. Kim Biên là chợ kinh doanh hóa chất nên việc chiếm dụng lối đi, lối thoát hiểm, nơi đặt thiết bị chữa cháy như vậy thật nguy hiểm.
Những ngày này, trong khu kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm khô ở chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) hầu như không còn lối đi do nhân viên đẩy hàng ra vô liên tục; khách đứng hơi lâu một chút, liền bị yêu cầu tránh ra. Một chủ sạp phân trần, do diện tích mỗi sạp chỉ vài mét vuông nên chủ sạp đành bày hàng ra lối đi. Có tiểu thương cũng bỏ tiền thuê thêm kho, sạp bên ngoài để chứa hàng nhưng do kinh doanh ế ẩm nên đành trả mặt bằng, đưa hàng về trữ ở chợ.
|
Cuối năm, lượng hàng về chợ nhiều, trong đó có các mặt hàng dễ bắt lửa nên nguy cơ cháy, nổ gia tăng - Ảnh: Phan Ngọc (chụp ở chợ Vinh, tỉnh Nghệ An) |
Các lối thoát hiểm của chợ Bình Tây dẫn ra 3 cung đường bao quanh chợ là Trần Bình, Phan Văn Khỏe và Lê Tấn Kế, nhưng các đường này đã bị chiếm dụng để buôn bán, làm chỗ đậu xe. Đáng nói, một cổng phụ của chợ Bình Tây nằm trên đường Phan Văn Khỏe còn bị bãi giữ xe tự phát án ngữ, chỉ chừa lối ra vào rộng chưa tới nửa mét. Sáng 15/1, chúng tôi rất vất vả khi đi bộ trên 3 cung đường này bởi lượng người, xe dừng mua, giao nhận hàng quá đông, hàng hóa tràn xuống lòng đường. Nếu xảy ra cháy, xe chuyên dụng sẽ rất khó vào chợ để chữa cháy.
Mối nguy chập điện luôn hiện hữu
Chợ Vinh (tỉnh Nghệ An) có hơn 1.400 hộ kinh doanh trong chợ và hàng ngàn hộ dân kinh doanh quanh chợ. Cận tết Nguyên đán, lượng hàng hóa đổ về chợ nhiều gấp đôi ngày thường. Tiểu thương chất quần áo, đồ điện, hàng mã gần kín hết lối đi từ mặt sàn lên trần nhà. Ở phía đông và tây của chợ, nhiều tiểu thương còn căng bạt để che mưa nắng, làm tăng nguy cơ cháy lan khi xảy ra cháy.
|
Lực lượng chức năng diễn tập phòng cháy chữa cháy tại điểm sơ chế thực phẩm của Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền - Ảnh: S.V. |
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó ban quản lý chợ Vinh - cho biết, bên cạnh việc hàng tết đổ về nhiều, chợ Vinh còn xuống cấp nặng, diện tích các gian hàng quá nhỏ, không đảm bảo theo quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo ông Hải, phần lớn vụ cháy chợ là do sự cố chập điện nên ban quản lý chợ Vinh quyết định cắt điện mọi khu vực trong chợ vào ban đêm để phòng chập điện.
TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 42 chợ, trong đó có 37 chợ kiên cố và bán kiên cố, 5 chợ tạm (tự phát) với giá trị hàng hóa hàng chục tỉ đồng. Cận tết Nguyên đán, hầu hết tiểu thương dự trữ nhiều hàng hóa, trong đó có nhiều mặt hàng dễ bắt lửa như thuốc lá, hàng mã, dầu tràm, vải, áo quần… Các sạp tăng thời gian hoạt động nên cũng gia tăng nguy cơ chập điện, dẫn đến cháy chợ.
Bà Hoàng Thị Như Thanh - Trưởng ban quản lý chợ Đông Ba (TP Huế) - nhận định, chập điện là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ cháy chợ trong thời gian qua. Để ngăn ngừa các sự cố về điện trong tháng giáp tết, ban quản lý chợ bố trí hơn 20 nhân viên, chia làm 3 khu vực ứng trực 24/24 ngày đêm, đồng thời kiểm tra và cắt hệ thống điện theo từng khu vực. Hiện chợ có 234 bình và 32 họng nước chữa cháy; 60 sạp chứa mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao được chủ sạp tự trang bị quả cầu chữa cháy. Ban quản lý chợ vận động mỗi sạp tự sắm 1 bình chữa cháy và tự kiểm tra hệ thống điện trước khi đóng cửa ra về.
Ông Trần Song - Phó chủ tịch UBND TP Huế - cho hay, UBND thành phố đã có kế hoạch tổ chức thực tập phương án chữa cháy để nâng cao ý thức và kinh nghiệm cho các tiểu thương và thành viên ban quản lý các chợ. Theo ông, công an đã xác định, vụ cháy chợ Khe Tre (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) rạng sáng 3/12/2023 gây thiệt hại ước tính 40 tỉ đồng là chập điện. Do vậy, phòng ngừa sự cố điện là một biện pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa cháy, nổ chợ.
Nỗi lo cháy chợ trong chung cư Các vụ cháy chợ thường gây thiệt hại lớn về tài sản, còn các vụ cháy chung cư thường gây thiệt hại lớn về người. Do đó, khi chợ nằm trong chung cư, nếu xảy ra cháy, thiệt hại về người lẫn tài sản là điều khó tránh. Chợ chung cư Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) là mô hình chợ nằm trong chung cư. Cụ thể, chợ này nằm ở tầng 1 của cụm 3, tòa CT10, bán đủ các mặt hàng gồm thịt cá tươi sống, rau củ quả, đồ gia dụng, bánh kẹo, đồ giải khát, đồ nhựa... Chợ có các dụng cụ PCCC nhưng nằm ở chỗ khuất. Trong khi đó, lối đi trong chợ chỉ rộng khoảng 1 - 2m. Chị Trần Thị Duyên - ở tổ dân phố 10, chung cư Đại Thanh - nhận xét, chợ có đủ mọi mặt hàng, tiện lợi cho cư dân nhưng lối đi nhỏ hẹp, có nhiều đoạn bị tiểu thương bày hàng chiếm lối. Chị mong ban quản trị chung cư giám sát chặt hoạt động chợ, đặc biệt là về an toàn PCCC bởi nếu xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm cho tính mạng cư dân. Bảo Khang |
Phản hồi của ban quản lý chợ An Đông Với phản ánh của nhóm tiểu thương về nguy cơ cháy, nổ, ông Đinh Hồ Duy Ngọc - Trưởng ban quản lý chợ An Đông - cho biết, năm 1991, khi thành lập chợ, do nhu cầu kinh doanh của tiểu thương cao hơn số sạp đang có, trên cơ sở nguyện vọng của tiểu thương (có cả những hộ gia đình thuộc diện chính sách), lãnh đạo UBND quận đã phối hợp với một công ty xây dựng thêm một số dãy sạp ở khu vực hành lang và tầng hầm của chợ. Việc gắn máy lạnh (vào những năm 2014-2015) là đáp ứng nguyện vọng của các tiểu thương, đã được cơ quan PCCC phê duyệt phương án. Hiện chỉ có vỉa hè, lòng đường xung quanh chợ là có đủ diện tích để làm chỗ giữ xe cho tiểu thương, khách hàng. Chợ không có quỹ đất để làm bãi giữ xe thay thế. |
Tăng cường phòng cháy chữa cháy ở chợ dịp cận tết Ông Phan Thành Thoại - Trưởng ban quản lý chợ Cồn (TP Đà Nẵng) - cho biết, đã yêu cầu tất cả hộ kinh doanh trong chợ phải kiểm tra mọi thiết bị điện trong sạp; khi cần sửa chữa, thay thế thì phải thông qua các công ty chuyên ngành. Mỗi buổi tối, bảo vệ chợ sẽ tổng kiểm tra việc tắt điện của các hộ kinh doanh sau khi ra về, ai không thực hiện sẽ lập biên bản, xử phạt. Ban quản lý chợ cũng đã cho thay toàn bộ đèn chiếu sáng bằng đèn LED để giảm phát nhiệt, tăng cường tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ, nghiêm cấm xông trầm, đốt nhang, đốt vàng mã trong chợ, nghiêm cấm hàng rong lấn chiếm lối thoát hiểm. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Phó giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng (thuộc Sở Công Thương TP Đà Nẵng) - công ty quản lý 4 chợ lớn (loại 1) gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường với tổng cộng gần 4.500 hộ kinh doanh. Mỗi chợ đều được trang bị 2 máy bơm chạy bằng xăng và 1 máy bơm chạy bằng điện để chữa cháy. Công ty cũng trang bị 1 xe chữa cháy, sẵn sàng dập lửa khi xảy ra cháy. Riêng ở chợ Cồn, trong 10 ngày giáp tết Nguyên đán, ngoài xe chữa cháy tự có, công ty còn hợp đồng với Phòng Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng để bố trí thêm 1 xe và 10 người trực. Ông Phạm Thanh Tùng - Trưởng ban quản lý chợ Vĩnh Long (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) - thông tin, bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền và tập huấn về PCCC cho tiểu thương, dịp cận tết, ban quản lý chợ bố trí 1 tổ PCCC, trực 24/24 giờ; ngắt điện đối với sạp dừng kinh doanh, giám sát chợ qua hệ thống camera để đảm bảo an toàn PCCC trong chợ. |
Nhóm phóng viên