Chợ Tết của tôi

02/02/2019 - 06:00

PNO - Năm nào tôi cũng mong chờ đến ngày 27, 28 tháng Chạp, được quây quần cùng bố mẹ ăn bữa cơm ngày cuối năm rồi xúng xính thay đồ mới đi chợ Tết, vui như trẻ con được quà.

Nhà bố mẹ tôi nằm trong khu Chợ Lớn của người Hoa ở Sài Gòn. Từ bé cho đến trước khi trưởng thành và dọn ra riêng, năm nào, Tết đến, tôi cũng cùng bố mẹ đi chợ Tết. Giờ tôi ở cách nhà bố mẹ gần mười cây số nhưng mỗi năm Tết đến, khoảng 27, 28 tháng Chạp, tôi lại đèo con về nhà ngoại để đi chợ Tết cùng ông bà.

Ở khu nhà của bố mẹ tôi trên đường Hậu Giang, Q. 6, chợ Tết rất đơn giản. Dọc theo hai bên vỉa hè là các sạp hàng được dựng lên dã chiến bằng cọc tre và vải bạt, bày bán dưa hấu, hoa mai, bánh mứt, giày dép, các dây treo trang trí lấp lánh sắc đỏ và vàng… Nhiều nhất vẫn là dưa hấu. Các sạp dưa hấu sẽ được lót thêm rơm và chất đầy trên đống rơm là những quả dưa tròn mẩy.

Cho Tet cua toi
Các sạp dưa hấu sẽ được lót thêm rơm và chất đầy trên đống rơm là những quả dưa tròn mẩy. 

Ngày tôi còn nhỏ, dưa hấu chỉ có dưa tròn, vỏ xanh bóng, quả rất to, dán thêm miếng giấy đỏ là thấy Tết về rực rỡ. Giờ đây, người ta bán cả dưa dài vỏ xanh, dưa vàng, bưởi… và khắc lên đó hình rồng, hình phượng, chữ Tài, chữ Lộc… Gia đình tôi vẫn thích truyền thống cũ, thích dán miếng giấy đỏ. Đi chợ Tết năm nào tôi cũng rinh về hai cặp dưa tròn vỏ xanh, một cho nhà bố mẹ, một cho nhà tôi. Bố tôi hay bảo sao không về nhà mua dưa cho gần, chạy lên đây mua chi rồi lại phải chở về. Tôi chỉ cười xòa nhưng trong lòng thầm nghĩ sao mà giống được. Ừ, thì cũng là dưa thôi nhưng dưa mua ở đây thì mới có không khí Tết.

Chợ Tết nhà tôi, vì ở khu người Hoa, nên còn bán một loại bánh mà các chợ Tết khác ở Sài Gòn hiếm thấy, gọi là bánh Tổ. Bánh Tổ hình trụ tròn, cao khoảng năm phân, màu trắng ngà, in chữ Hoa màu đỏ trên mặt bánh. Nhà tôi cúng bánh Tổ trong Tết, đến qua Tết sẽ mang phơi nắng cho khô rồi cắt thành từng lát mỏng, nhúng vào trứng gà đánh tan và chiên trên chảo dầu. Miếng bánh chiên xong vàng ruộm, vừa dẻo vừa dai, ăn đến đâu ngọt thanh đến đó, ăn mãi không ngán.

Cho Tet cua toi
Con đường bình thường vốn đã sầm uất nay lại càng nhộn nhịp hơn, nhiều màu sắc và âm thanh hơn. 

Cả nhà tôi, gồm bố mẹ, tôi, con gái tôi và em trai, sẽ thả bộ dọc theo con đường Hậu Giang chừng 500 mét, la cà hết sạp hàng này đến sạp hàng kia, mua thứ này một chút, mua thứ kia một chút… Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, vừa ngắm mọi người xúng xính đi sắm Tết trong không khí mùa xuân rộn rã. Con đường bình thường vốn đã sầm uất nay lại càng nhộn nhịp hơn, nhiều màu sắc và âm thanh hơn, làm tôi cứ mong nó dài mãi, dài mãi, để đi và ngắm cho thỏa thích.

Đi mỏi chân rồi, chúng tôi sẽ dừng lại mua thứ gì đó để ăn, thường là xôi. Đó là một hàng xôi vỉa hè với một mẹt xôi mặn, một mẹt xôi nếp than và một mẹt các loại xôi ngọt khác như xôi vò, xôi đậu phộng… Mẹt xôi lúc nào cũng nghi ngút khói, thơm lừng cả một góc đường, đi từ xa đã nghe mùi thơm. Tôi vốn ham ăn nên lúc nào cũng phải mua hai gói, một gói xôi mặn, một gói xôi nếp than, rồi cứ thế vừa đi vừa hít hà.

Cho Tet cua toi
Đi mỏi chân rồi, chúng tôi sẽ dừng lại ở một hàng xôi vỉa hè nghi ngút khói và thơm lừng. 

Đường chợ Tết ở nhà tôi không dài nên mỗi buổi đi chợ Tết chỉ chừng hơn tiếng đồng hồ là đã về đến nhà. Chợ Tết giờ cũng vắng hơn xưa, ít sạp hàng hơn, các khu chợ Tết mới gần đó mọc lên cũng nhiều nhưng tôi vẫn chỉ thích đi chợ Tết nơi này. Năm nào tôi cũng mong chờ đến ngày 27, 28 tháng Chạp, được quây quần cùng bố mẹ ăn bữa cơm ngày cuối năm rồi xúng xính thay đồ mới đi chợ Tết, vui như trẻ con được quà.

Bởi vì khu chợ Tết ấy, nó không chỉ đầy ắp không khí mùa xuân đặc trưng của nơi tôi lớn lên, mà còn đong đầy cả những ký ức tuổi thơ ngọt ngào của tôi và gia đình. Cứ về đến nơi ấy, tôi thấy mình về đến nhà. Cứ đi chợ Tết ấy, tôi thấy cả mùa xuân. Vì Tết là nhà mà, phải không?

Cao Bảo Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI