Ở chợ quê, những mặt người, những dáng ngồi qua tháng năm gắn chặt vào mẹt hàng. Đâu chỉ áo cơm, mà bằng cái tình quê thật thà ràng buộc, bằng niềm tin ai cũng như mình, họ đã tựa vào chợ mà sống, mà thành người, nên sự nghiệp.
Nước bắn vô chỗ tôi và bà Tám ngồi. Không hất nón lá lên, bà ngước cái nhìn đã đục mờ, quệt nước trầu đang tứa ra, lầm bầm: “Đứa mô chạy xe bậy kinh, đi phải ngó chứ”. Bên kia, chị Nhàn bán rau hắng giọng: “Con ông Ba Đua đó”. Mấy bà nữa lèm bèm lên tiếng: “Mưa. Mưa miết”. “Ừ, năm ni chi lạ”, giọng bà Tám đều đều theo bàn tay lẩy bẩy têm trầu. Bước vô cổng chợ, tôi đã thấy bà ngồi đó, kế bên là bà Đào bán thuốc lá, thứ thuốc mà lâu rồi tôi không thấy, từng xấp oi nồng, lá to.
Ngồi một lát, tôi đếm đến có bốn bà cùng tuổi với bà, cái tuổi 80 lưng như đã chạm đất, tới mua, mỗi lần ba lá. “Ba lá là hút đừ, cả ngày”, một bà lên tiếng. Một ngàn đồng/lá. Tôi nhớ nội tôi chuyên… trị thứ đó, ông quấn một lá làm một điếu, to như ngón tay cái, sáng ra không ăn, uống một bát nước chè đặc, kéo hết một điếu rồi đi làm đến trưa, thế mà ông thọ 86 tuổi.
“Con xích vô chút đi, mưa dai như trâu đái”. Nước long tong từ mái tôn xuống, không lớn, cuộn với gió từ sông thổi vào hun hút, đủ khiến tôi kéo áo ấm kín cổ. Nãy qua cầu Câu Lâu, gần 7 giờ sáng, mà sương còn kín mặt sông, phả hơi dài phủ mờ đất Gò Nổi phía trên kia, ở mé trên cầu Đen, là chợ Hà Mật của Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam.
Tôi đi nhiều nơi ở Quảng Nam, xã nào cũng đua làm chợ nông thôn mới, nhà vòm cao ráo, hình như chỉ còn chợ này xập xệ trụ đỡ bê tông như cái cẳng chân và mạnh ai nấy che tôn. “Có khác nhiều, nhưng rồi cũng rứa”, bà Tám kể như dỗ cháu ngủ đêm bằng chuyện ngày xưa. “Hồi nớ, chợ ni ở đây, lâu rồi, hồi ông bà kia, sau giải phóng, lại đưa ra gần sông, rồi đưa vô lại. Bác bán đây lâu, thấy cũng rứa”. “Rứa là răng?”. “Thì cũng cá, rau, trầu, thịt, kẻ mua người bán cũng ở xã ni, rồi xã Điện Trung, Điện Quang, Duy An, Nam Phước của Duy Xuyên lên”.
Chợ nằm ở cửa ngõ Gò Nổi, khách khá đông, 5 giờ sáng đến 10 giờ trưa là tan. Toàn đồ ở đây trồng rồi đem bán. Vùng Gò Nổi là địa danh đặc biệt của Quảng Nam, nơi đây là doi nổi lên giữa sông Thu Bồn, phù sa quanh năm. Hà Mật, theo mấy ông già, thì có hai nghĩa là trù phú, đậm đà, cũng có nghĩa thứ hai là khu đất này xưa kia là vùng mía ngọt.
Chợ bán đồ trong vùng, không thiếu thứ gì. Tôi ngó ở cổng chợ, dưới chân trụ, có in hoa văn bốn đồng tiền cổ có chữ Hán.“Thì bà con lúc làm lại cho thợ đắp lên, để nhớ hồi ông bà”. Chợ quê, nếu cho tôi định nghĩa, tôi sẽ gọi một từ gọn lỏn: Nhớ! Chợ quê gợi ký ức của một thời đã mất, ở đó có mẹ, có chị, có em, có ta lon ton, miếng bánh lỡ có rớt đất thì cũng cầm lên thổi phù phù, bởi đó là thức quà thần tiên thuở đói nghèo, là nết đất dáng người phong vật mỹ tục gói trong đó.
“Bác cực kinh lắm”, bà không thở dài, mà cứ rủ rỉ chầm chậm: “Có chồng năm 20 tuổi là bắt đầu mang gánh đi buôn, từ đây 5 giờ sáng đi bộ lên tuốt chợ Trà Kiệu trên núi 10 giờ mới tới, mua gánh tráng sắn, gạo gánh về đây bán, bánh tráng sắn thì dư mình ăn, gạo thì bán để mua đồ ăn, rồi mấy năm sau, bác đi Sài Gòn buôn, đi xe một chân”. “Bác đừng giỡn?”.
“Giỡn chi, xe đò chật cứng, chỉ đủ đứng một chân, mỏi rục, mệt quá bác xin nằm chen dưới sàn. Vô Sài Gòn mua vải lẻ, vải khúc mang về bán, còn ngoài mình thì chở chổi đót, chổi chà, nón lá vô. Cứ miết rứa mà nuôi bầy con năm đứa, chừ mi bắt bác nhớ lại, sợ quá”. “Ổng mô?”. “Thì làm ruộng, ổng chết năm nớ 72 tuổi, ổng bị tai biến hồi 50 tuổi, nằm một chỗ, nằm tới lúc chết luôn, mình tau bu cái chợ ni để chừ con lớn hết rồi, có gia đình riêng, bay đi hết, còn mình tau ngồi đây”.
Tay bà đã run, như bần bật thêm khi con dao nhíp đang cắt và têm trầu không ngừng. Của nả của bà là ba cái mẹt to hơn cái đĩa lớn chút, mỗi mẹt đựng trầu, cau, và xác cau - thứ mà mấy bà ở quê thay bàn chải đánh răng. Răng bà đen nhức. Tôi nhớ thơ Hoàng Cầm: “Những cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu tỏa nắng” (Bên kia sông Đuống). “Tau bán trầu chừng 10 năm ni, rồi ăn trầu luôn, răng mới đen rứa đó”.
Bà Tám xen chuyện: “Con bác ở Sài Gòn hết, nuôi hắn lớn rồi hắn đi, chừ mình bác ngồi đây”. Bà cười hề hề. Cái cười của mặc nhiên nếm trải cơ cực, sinh ra ở chợ, lớn lên và chết ở chợ, cả đời gắn với chợ.
Người ta ghé vào mua hàng: “Răng cau khô vậy bác?”. “Mi hỏi chi lạ, mùa ni có cau mô mà không khô”, bà cự một chị hơi lớn tuổi. Ba miếng trầu, ba miếng cau, ba cái xác, tất cả năm ngàn. “Có tăng giá không bác?”, tôi tiếp tục câu chuyện. “Miết rứa chứ tăng chi, ai mua. Bác bán ngày lời chừng 20 ngàn, mình tau đủ ăn”. Bên kia bà Đào gật đầu. “Có ai mắc nợ không?”, tôi hỏi tiếp. “Có chứ, nhưng rồi họ trả, quen hết mà, ở quê chứ thành phố mô mà có tiền miết, đòi chi cho mệt”, bà lại cười.
Một anh chở nghệ đen đến bán, bà nói: “Để tau coi thử có đen không?”. Nghệ bột giá 20 ngàn đồng/lon. Anh bán đon đả: “Ui, đen thui”. “Đen chi!”. “Ri mà không đen ạ?”. “Thôi tau mua giúp mi cho rồi”. “Dạ, cảm ơn bác”. “Lần sau nhớ đừng mang cái thứ như ri tới nữa, tau ăn không hết mô”. Bà lầu bầu, còn anh kia cười hì hì. “Cái thằng tội, chạy miết, nuôi bầy con…”, bà lại rủ rỉ...
Bà giống ngoại quá. Nhớ ngoại tôi kể, hồi còn giặc, bà gánh từ nhà lên chợ Đàn ở Quế Sơn, đi bộ 30km, mua nón, đường, làm chi có tiền, cứ tin nhau mà bán, rồi hôm sau lên trả, cứ thế gối đầu. Rồi tôi nữa, năm đó má tôi bệnh nặng, nhà cách chợ chừng hai cây số, tôi được sai đi mua đồ, nhớ mấy bà bán rau cá hỏi: “Mi con ai?”, tôi khai, thế là à lên, hỏi răng rồi, rồi rồi, cầm về đi, lo chi, coi chừng mi làm rớt là úp om luôn đó… Cứ thế, nợ dồn cả tháng trời, chẳng ai đòi.
Lớn lên, bao lần vào chợ, siêu thị, sao cái mùi sạch sẽ chốn đó khiến tôi không dung nạp nổi. Những người đàn bà ở quê, tay chân lấm đất, thức bán trên tay họ cũng lẫn đất, rác, lẫn cả giọt mồ hôi nhà nông cơ khổ, cách mua bán cũng sệt quê: “Bán thì vội bán, mua thì vội mua - Thói quê tất tả bốn mùa - Gánh rau bán đứng, trái dưa bán ngồi” (thơ Nguyễn Siêu Phàm), nhưng ấm tình đến lịm cả tim, bởi cái nhìn thân thiện và cách bán mua đậm chữ tín.
Tin nhau thì bán, tin cho nợ, cho vay, tất nhiên thời buổi nào cũng có kẻ chụp giựt, nhưng hạng người đó chỉ mua được một lần, chứ láng cháng là bị chụp cổ liền, mà có “tờ báo” nào lan tin nhanh bằng chợ quê, bởi họ hàng quen biết, đầu trên ngõ dưới hú một tiếng là chỉ còn việc nhảy sông mà trốn.
Họ sống ở chợ, cả đời buôn bán, chỉ buôn gánh bán bưng, thế thôi, nhưng sức sống bền bỉ nuôi họ gắn như đóng đinh vào đó, chỗ ngồi mòn vẹt như chân họ trải nắng mưa, đâu chỉ vì áo cơm, mà còn có lòng tin, buôn thật, bán thật. Điều đó níu kẻ bán người mua, giữ góc chợ băng qua bao thế hệ, để một lần tìm về, khi tất cả đi hết rồi, thì còn lại một cái gì đó, rồi tôi cũng nhận ra, cái đó chính là "mùi chợ".
Cái mùi tanh tao, oi nồng, nhơm nhớp nhưng tươi non, không bẩn thỉu, rộn rã mà không ầm ĩ, cũng trả giá mà như thân thiện nài nỉ, không trí trá lưu manh. Nhìn bà Tám, bà Đào rồi chị Bản bán thịt nói chuyện mắc nợ, nhớ ở Đà Nẵng, khu chợ Cồn, tầm 2 giờ sáng trở đi, là hàng rau, tôm, cá bắt đầu nhộn nhịp khi người các vùng từ Quảng Nam, Huế chở hàng đến.
Tối om, người ta tìm bạn, đưa tiền, đổi hàng qua giọng nói và ánh đèn pin lấp loáng. Tôi đã một lần lân la chốn đó, hỏi mấy bà mấy ông, là có sợ lộn, quỵt không, họ lắc đầu, chẳng ai làm cái trò đó giờ này, chỉ có những người bán buôn thật sự mới đội sương khuya gió sớm đi làm ăn, bán riết, mua riết thành quen, cho nợ, mai lấy, bữa kia lấy, bữa nào không nghe giọng, hẳn ai đó có chuyện chi không đi được.
Mà đâu chỉ có chốn phố xá, vùng chợ ven sông lao xao, những chợ di động vùng cao, là những chuyến xe máy chở rau thịt cá mắm từ đồng bằng lên, vài ngày một lần, họ đổi bán cho bà con dân tộc thiểu số vốn không có tiền, cứ thế mà nợ, đến mùa rẫy, lấy tiêu, quế, rau, mật ong, thịt rừng, trừ nợ, cứ thế mà bán mua.
Tôi đứng ở cổng, hỏi chị Vân bán bánh mì. Chị bán đã 10 năm: “Nợ chứ anh, cho gối đầu, nay bán mai trả, lò của nhà em, quen hết mà, nhờ xe bánh mì mà vợ chồng em nuôi bốn đứa con. Đó anh Lý kìa”.
Tôi đi tìm người đàn ông duy nhất bán buôn ở chợ. Anh Nguyễn Hữu Lý phụ vợ là chị Nguyễn Thị Tám bán mì quảng, cháo vịt. Quán nằm tít tuốt trong xa, chỉ một cái bàn đá ghép gạch men. “Cực lắm em, vợ chồng dậy 2 giờ sáng, làm nhưn mì, rau, làm vịt, nấu cháo, bán tới 10 giờ nghỉ, ngày lời mấy chục ngàn nuôi con. Thôi em ơi, lấy chi lời to, tô mì 7 ngàn đồng, cháo 5 ngàn đồng, bán cao hơn không ai ăn”.
Khách vào ăn xôn xao, tôi nghe anh hỏi hai đứa trẻ con ai rồi e hèm: “Ba mi lâu ni đi mô không thấy?”. “Quán ăn mà nằm trong góc, ai thèm biết, nhưng rồi quen, ở quê vậy là nhờ em à, mua chín bán mười, lấy công làm lời, không tào lao được, mất khách, bà con lại chửi cho”. “Ở đây có hàng Trung Quốc, rau phun thuốc trừ sâu, tăng trưởng không?”.
“Có, nhưng chết liền, qua mắt chi được, dân nhà nông nhìn rau là biết có thuốc hay không, nên đừng có ngu mà tham rồi đói móp họng, cứ thiệt thà mà bán đi”. Chị Vân bánh mì nói rồi cười như hả hê, rằng mấy đứa em ở Sài Gòn ra chơi, nói ăn rau ở đây ngon chi lạ, không bị… Tào Tháo rượt.
“Con anh lớn chưa?”, tôi hỏi. Thay lời chồng, chị Tám đáp liền: “Đứa đầu là đại học năm thứ 2 rồi em, nhờ gánh mì, cháo ni mà nuôi nó”. Giọng chị thản nhiên mà chứa chan khi ngó ra xa xăm nơi cổng chợ. Ở đó, mỗi ngày hai lần anh và chị bước đến và ra về. Bao đứa trẻ đã lớn lên từ gánh hàng mòn vẹt đầu gánh của mẹ, rồi trưởng thành ra đi.
Bao cô gái thành mẹ, thành bà, bao gã trai làng thành ông này ông kia, góc chợ kia đã nuôi họ lớn khôn, và trong họ, hẳn có chút “kẻ chợ” mà vững tin đi vào đời. Bà, mẹ, chị của họ có khi một chữ bẻ đôi không biết, không hề và không cần biết cái gọi là “khởi nghiệp”, là dự án này nọ, chỉ biết chợ là nơi trao miếng ăn, trí lanh khôn, là rèn giũa sự bền bỉ, cũng là nơi tạo dựng và nuôi dưỡng sự tử tế đi suốt cuộc đời, bởi làm gì, ở đâu, thì lòng tin vẫn là trên hết, họ không nói nhưng họ làm, vẫn mua vẫn bán, bằng cái tình quê tha thiết, ràng buộc, ấm cúng để trụ được với gian nan. Hãy thử đi, dừng xe lại, bước vào chợ quê, chỉ cần ngắm thôi, như thứ bùa mê được thả, cũng đủ mụ mị no lòng…
Trung Việt