PNO - PN - “Mẹ ơi, sao ba không về nhà?”, câu hỏi đó là khi con trai lên ba tuổi. Trả lời cho câu hỏi của con khá đơn giản, như là: “Ờ... ba đi công tác xa con à”.
edf40wrjww2tblPage:Content
“Mẹ ơi, sao ba không về nhà?”, câu hỏi đó là khi con trai lên ba tuổi. Trả lời cho câu hỏi của con khá đơn giản, như là: “Ờ... ba đi công tác xa con à”.
Khi con hỏi: “Sao ba đi công tác lâu quá vậy mẹ?”, tôi biết mình không thể sử dụng câu trả lời đơn giản đó được nữa. Nhưng tuổi lên bốn thì vẫn còn dễ dàng, tôi lảng tránh câu trả lời bằng cách như sực nhớ ra mình đang chuẩn bị nấu gì đó rất đặc biệt, mà với một đứa nhóc háu ăn thì còn gì đáng quan tâm hơn món ăn đặc biệt rất ngon lành. Hoặc tôi hỏi lại con một câu liên quan tới phiếu Bé ngoan, với một đứa nhóc thích đếm phiếu ngoan để được thưởng kem thì còn gì đáng quan tâm hơn. Hoặc tôi bày ra một trò chơi thật ồn ào đủ để át đi...
Khi con trai lên lớp hai thì có câu hỏi khác, câu hỏi đòi được trả lời. Đó là một buổi chiều vào giờ tan học, tôi đợi con trước cổng trường, như thường lệ. Tôi thích nhìn con mình chạy lúp xúp trên hành lang, rồi chạy nhanh hơn khi xuống sân và nhanh hơn nữa về phía cổng trường nơi có tôi đứng đợi. Tôi nhớ có nhà văn nào đó định nghĩa về gia đình “là nơi mà sau một ngày đi học đi làm, mọi người mong được quay về”. Tôi thích định nghĩa đó, nó cho tôi cảm giác con mình có một gia đình êm ấm.
Nhưng chiều hôm đó, buổi chiều cuối năm học, hoa phượng đỏ lộng lẫy sân trường khiến gò má phinh phính của bọn nhỏ hồng hào và dễ thương hơn. Lại một năm học sắp trôi qua và con trai lớn thêm một tuổi rồi. Tôi thích thú ngắm con trai mình cùng với một cô bé đang lượm hoa ở gốc phượng, rồi hai đứa tiến ra cổng với những bông hoa đỏ thắm trên tay.
Bỗng con trai lộ vẻ chăm chú lắng nghe cô bé nói gì đó, rồi con quay qua phải, quay qua trái, nhìn ngó lung tung về phía đám đông phụ huynh đang đứng đợi, vẻ mặt con trai thật khó tả, bối rối và bí xị.
“Có chuyện gì vậy con?”, tôi hỏi. Con trai lặng lẽ leo lên xe, không ôm eo tôi như thường lệ, lại còn tháo ba lô trên lưng xuống để lên yên xe giữa hai mẹ con. “Nói cho mẹ nghe có chuyện gì vậy hả?”, tôi lặp lại câu hỏi lần nữa. Giọng con trai như hơi gió lạnh thổi sau lưng tôi: “Bạn con hỏi sao không thấy ba tới đón mà chỉ toàn thấy mẹ”.
Đường về nhà chiều hôm đó thật là xa. Tôi biết là đã tới lúc mình không lảng tránh được nữa.
Ảnh: Shutterstock
Tôi lục tung phần đời bấy lâu nay đã cố quên, lục tung nỗi khổ đã cố dằn xuống, lục tung những oán hận tôi ghi sổ với lòng mình và hẹn một ngày sẽ có người phải trả giá...
Trong đôi mắt con trai nhìn tôi mỗi ngày, vẻ hồn nhiên dần lặng tắt còn khoảng tối thì loang rộng khiến tôi đau đớn, sợ hãi. Tôi biết là mình không nên... Tôi biết là mình phải khác... Tôi lục tìm trong mớ hỗn độn của một đoạn đời mình để tìm chút ánh sáng làm dầu thơm xoa dịu vết thương cho con.
“Ba rất thương con... Chỉ vì ba đi làm ăn ở nơi xa nên không thường xuyên thăm con được thôi”, tôi nói với con. Rồi tôi gọi điện thoại cho chồng cũ: “Cu Tý lớn rồi, đã biết này kia rồi, anh thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm cho Tý vui”.
Tôi hình dung chồng cũ kinh ngạc biết chừng nào khi nghe đề nghị của mình. Tôi hình dung anh lo ngại biết mấy khi nhìn thấy số điện thoại của tôi hiện trên màn hình điện thoại của mình. Ừ phải, khi chẳng còn níu giữ được nữa, tôi đã từng to tiếng gào thét bất cần. Tôi đã từng đáp trả kinh khủng chẳng kém.
Tám tuổi, chín tuổi, mười tuổi... Hàng năm, vào ngày Quốc tế thiếu nhi, sinh nhật, tết Trung Thu... tôi gọi điện thoại cho chồng cũ nhắc anh mua quà cho con trai. Thật nhẹ nhàng, tôi dặn dò anh nên mua món này món kia, đúng là những món mà mấy hôm nay con trai ao ước nhưng tôi làm lơ. Tôi để gói quà còn nguyên dấu bưu điện làm bằng chứng đúng là quà ba gửi cho con (chẳng phải mẹ mua rồi nói dối đâu nhé). Món quà chứng tỏ ba nhớ thương con lắm, à, mà ba hiểu con ghê, món quà thật đúng ý con.
Vậy, tôi cố gắng nhẹ nhàng với quá khứ, để giữ lại cho con trai sự hồn nhiên dù đã ít nhiều sứt mẻ, để khoảng trống trong mắt con đừng loang rộng thêm ra.
Mấy đứa nhỏ hàng xóm qua nhà chơi, con trai hớn hở bày ra bộ đồ chơi lắp ráp rô bốt, mô hình máy bay, tàu lửa, siêu nhân... “Ba tớ mới gởi quà đó”, lời khoe khoang hạnh phúc vang lên trong tiếng ì ùm của đoàn tàu chạy quanh phòng khách và tiếng tắc lưỡi ngưỡng mộ của bọn nhóc.
**** Lên cấp II, những món đồ chơi bớt hấp dẫn dần, và câu hỏi khác hơn: “Sao ba không sống chung với mẹ?”.
“Ba mẹ không hợp nhau con à”, tôi không ngờ câu trả lời của mình gây một câu hỏi khác: “Không hợp nhau thì người ta không sống chung hả mẹ?”. Tôi gật đầu. Nước mắt con trai chảy dài: “Vậy là ba cũng không hợp với con hả mẹ?”. Tôi nín lặng. Đợi con trai đi học, tôi gọi điện thoại cho chồng cũ: “Anh sắp xếp nghỉ phép trùng với nghỉ hè để hai cha con bên nhau một kỳ dài ngày, được không?”. Anh ngạc nhiên: “Có chuyện gì?”. Ôi trời ơi, người đàn ông ngày nào của tôi vẫn có khi ngốc ngốc vậy, trong khi biến cố khiến tôi thấy mình già dặn hẳn đi và không cần nhiều lời thì anh vẫn còn hay ngạc nhiên. Chẳng biết người phụ nữ là vợ anh bây giờ có hụt hẫng như tôi ngày xưa không?
**** Tuổi mười lăm, con trai nói, giọng cố làm ra vẻ chững chạc: “Mẹ kể chuyện ba mẹ hồi đó đi”. Tôi nhìn hai gò má con trai lấm chấm mụn và cái cằm lún phún râu, biết là những điều mình kể ra đây sẽ in dấu sâu đậm lắm. Con trai có lẽ đang đợi nghe tôi tố khổ trong khi nó cần biết mấy tấm gương đáng mặt đàn ông.
Tôi kể con nghe là ba con hồi đó học giỏi lắm, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè cho nên ai cũng quý. Với họ hàng ba cũng hết lòng giúp đỡ cho nên cô dì chú bác hai bên nội ngoại ai cũng mến, đến nỗi cho dù đã chia tay rồi nhưng nhà ngoại vẫn hay nhắc tới ba của con. “Ba tốt như vậy sao mẹ không ở được với ba?”.
Tôi không còn bất ngờ với những câu hỏi của con trai nữa, chỉ có điều không phải câu hỏi nào tôi cũng biết cách trả lời, như là câu hỏi này. “Lớn lên con sẽ hiểu, con à”. “Con hiểu rồi”, con trai tuổi mười sáu thì thào đầy thông cảm, đó là khi con trai nâng niu bông hồng xinh xắn để sáng mai tặng cô bạn cùng lớp nhân ngày Valentine, để rồi hôm sau con trai đi học về mặt buồn xo, thì ra có một anh chàng đã nhanh tay tặng trước một bó hoa lộng lẫy đến nỗi bông hoa hồng của con trai phải ngại ngùng.
**** Tuổi mười tám, tôi tiễn con ra bến xe về thành phố học đại học, người đón ở bến xe nơi đến là ba của con tôi. Tôi dặn dò: “Thỉnh thoảng gặp nhau là chuyện khác với ăn ở lâu dài nghe con, đừng làm ba con phải khó xử với dì và mấy đứa em nhé”.
Một ngày, hai ngày... một tuần, hai tuần, ba tuần... Anh gọi điện thoại cho tôi: “Cảm ơn em đã dạy con biết thương kính anh”. Lời cảm ơn khiến tôi thở phào nhẹ nhõm, là con trai đã trưởng thành hơn nhiều rồi. Và lời cảm ơn làm tôi cay mắt, kéo tôi ngoái lại ngày xưa, bốn năm sống bên nhau anh chưa bao giờ ghi nhận bất cứ nỗ lực nào của tôi, toàn là chê bai và phủi giũ.
Con trai giúp tôi nhận ra làm mẹ còn là làm bác sĩ cho những vết thương lòng. Và, khi tự tay băng bó cho người khác cũng là tự tay băng bó cho mình.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.