Chợ như là nơi chốn “quê nhà”

18/03/2024 - 06:17

PNO - Chợ ở TPHCM là những không gian văn hóa, ẩm thực với nếp sinh hoạt cởi mở, thân thiện, phóng khoáng của người dân phương Nam, như là nơi chốn “quê nhà” để cư dân thị thành tìm về…

Dưới vòm chợ là văn hoá một vùng miền

Gần nhà tôi có một khu chợ nho nhỏ không tên nhưng có hầu như đủ mọi thứ căn bản hằng ngày. Điều khiến tôi ưa thích là thi thoảng bắt gặp ở chợ này mớ rau nhà quê gì đó, rổ đọt nhãn lồng, vài quả lê ki ma vừa chín tới, hay chục bánh ít khoai mì, mớ tôm sông lớn nhỏ lẫn lộn. Hỏi thăm mới biết, chủ nhân của mấy thức “của nhà trồng được” đến từ một xã vùng ven của thành phố, thuận đường nên mang ra đây bày bán.

Kiểu chợ tự phát ấy tất nhiên không được chính quyền cho phép, nhưng đâu đó vẫn âm thầm mọc lên, nem nép tồn tại, trở thành một phần tất yếu trong nhịp sống vội vã. Chị công nhân tan ca tạt ngang mua chút đồ ăn cho bữa tối của cả nhà. Chú xe ôm buổi sáng thả vợ xuống chợ, hẹn chừng 1 giờ sau ghé đón về với lủ khủ bịch lớn bịch nhỏ mà đơn sơ, ít tiền. Hỏi sao không đi siêu thị gần bên cho mát mẻ, chú bảo: “Vợ tôi ghiền đi chợ, bả nói có người này người kia hỏi han, trả giá, thêm bớt mới vui. Giờ có tuổi rồi, lủi thủi giữa mấy quầy hàng tự chọn tự bưng ra tính tiền, sao bằng ra chợ đông vui được”.

Thành phố mình có hơn 200 chợ truyền thống. Chợ Bến Thành, chợ An Đông, chợ Lớn, chợ Kim Biên, chợ Tân Bình - những cái chợ nổi tiếng mà hầu như người Sài Gòn nào cũng biết, du khách cũng hay chọn để tham quan, mua sắm. Rồi thì chợ Ông Tạ, chợ Thiếc, chợ Cây Gõ, chợ Cây Da Sà… lại là kiểu chợ “thương nhớ ngày xưa” khác. Vẫn biết phải đổi thay để phát triển, nhưng ngày thương xá Tax bị phá dỡ, nhiều người đã rơi nước mắt khi viết những lời tạm biệt nhiều cảm xúc trên trang Facebook cá nhân của mình. Đó không chỉ là một điểm chợ mà đã thành chứng nhân lịch sử, là ấu thơ, là thanh xuân, là ký ức của nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta. Nói rằng “dưới vòm chợ là văn hóa của một vùng miền” thật không quá lời.

Từng có vài lần, tôi bắt gặp người ta bày ở góc ngã tư mấy trái bình bát, củ năng, hay mớ đài sen mộc mạc, rõ ràng quà quê lên phố. Hoặc dọc theo lề đường là mấy chiếc xe đẩy, ba gác “mùa nào thức nấy”. Đấy cũng là kiểu “chợ” đặc trưng của một đô thị lớn như TPHCM mình. Dù siêu thị mọc lên khắp nơi, cửa hàng tiện lợi nhan nhản, nhiều chợ than ế, than buồn, nhưng tôi tin rằng, người ta vẫn sẽ còn giữ mãi chữ “chợ” trong tâm thức của mình. 

Mang nhớ thương quê nhà về phố

Tôi đặc biệt yêu thích nếu có dịp ghé một cái chợ ở ngoại thành, ngắm người ta mua bán, nhìn những món nông sản mà chốn ấy nuôi trồng. Nhớ lần đầu tiên đi ngang qua địa danh gọi là “chợ sáng Tân Thạnh Đông” ở huyện Hóc Môn, tôi đã nao lòng trước màu vàng ruộm của hoa bí, màu xanh ngăn ngắt của rau rừng, và những trái bầu, trái mướp, đọt choại tươi non vừa mới hái. Chuối chín hườm, có trái còn bị chim ăn, thật thà. Người bán buôn ở chợ huyện vô cùng chân chất, gợi cảm giác như bác nông dân vừa rời ruộng vườn đang chia sẻ thành quả của mình. “Mua đi cô, rau mới cắt tức thì á, con tặng cô thêm mấy trái chanh vườn này luôn nha”. 

Lối giao tiếp cởi mở, thân thiện, tâm tính phóng khoáng của con người bộc lộ rất rõ ở các chợ của thành phố phương Nam này  - ẢNH: PHÙNG HUY (chụp tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3)
Lối giao tiếp cởi mở, thân thiện, tâm tính phóng khoáng của con người bộc lộ rất rõ ở các chợ của thành phố phương Nam này - Ảnh: Phùng Huy (chụp tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3)

Nếp sinh hoạt cởi mở, giao tiếp thân thiện, tâm tính phóng khoáng của con người cũng bộc lộ rất rõ khi đi chợ ở thành phố phương Nam này. Sài Gòn đón nhận cư dân tứ xứ nên xuất hiện nhiều chợ đặc sản địa phương, mang nhớ thương vùng miền về phố. Như chợ Bà Hoa ở quận Tân Bình rất được lòng cộng đồng miền Trung xa quê, nhất là người xứ Quảng truyền tai, lui tới. Đây được mệnh danh là không gian văn hóa, ẩm thực miền Trung hấp dẫn giữa lòng Sài Gòn. Bạn có thể tìm thấy tất tần tật từ bánh tráng, bánh đập, mắm nêm, củ nén, lá hẹ… ở chợ này. Hay như chợ Bà Chiểu - ngôi chợ lâu đời, thiên đường ăn vặt, đồ si - chẳng hạn. Rồi thì chợ Xóm Chiếu, Xóm Củi, Xóm Mới, chợ Nhỏ, chợ Ga - những cái tên gần gũi, dân dã mà thương ấy, làm sao có thể mai một, lụi tàn cho được. Bạn tôi rưng rưng khi bảo, biết bao kỷ niệm tuổi thơ của cô ở đó, nhà ngoại cô ấy hướng đó, ngay sát bên cái chợ Gò Vấp… 

Cũng đừng quên nhắc tới mấy khu chợ đầu mối đình đám như chợ Bình Điền, chợ nông sản Thủ Đức vẫn tấp nập mỗi sớm mai, là cái “cần câu cơm”, nơi người lao động tay chân, các chủ vựa buôn sỉ lẫn người dân mua bán nhỏ lẻ đổ về kiếm sống. “Mẹ cùng lồng gà ở chợ nuôi 2 con vào đại học”, hay “Cả nhà sống nhờ hàng xôi mặn ở chợ hoa Đầm Sen” là những tiêu đề bài báo khiến người ta thêm tin yêu vào cuộc đời này.

Vài năm sau này, đâu đó vang lên lời kêu gọi “giải cứu chợ truyền thống” bởi dân thành phố giờ chẳng cần đi đâu cả, ngồi nhà đặt hàng là được giao tận nơi, lắm khi còn miễn phí vận chuyển, từ ly trà sữa, gói xôi, bó rau, con cá cho đến chiếc ti vi, máy giặt. Chợ truyền thống không còn sức hút cũng là điều hiển nhiên, là xu hướng tất yếu của phát triển. Thế nhưng, người thành phố có thực sự quay lưng với chợ?

Tôi tin rằng, Sài Gòn còn người là còn chợ, còn nếp nhà là còn chợ, còn bếp còn cơm nhà là còn chợ, bởi nơi đó phát ra âm thanh của cuộc sống. Chợ giữ cho mâm cơm mỗi nhà được trọn vẹn ý nghĩa, với cọng rau nêm canh chua được tặng kèm, với chục trứng gà hoặc túi bắp ngô được tính bằng đơn vị 12, 14 thay vì “chục mười” như vốn nghĩ. Là nơi mẹ, bà của chúng ta cảm thấy quen thuộc, yên tâm khi sắm sanh cho gia đình. Thậm chí, lỡ đi chợ mà quên mang đủ tiền, vẫn có thể mua thiếu, hôm sau trả. “Cứ cầm con cá về nấu nướng cho kịp bữa đi, lúc nào đi chợ gửi tôi là được mà, quen quá rồi ngại gì!”.

Giữa chốn thị thành nhiều dè chừng, phân vân ấy, người ta vẫn hồn hậu mà đối đãi với nhau đầy tin tưởng, như tình người vốn nhẹ nhõm và sẵn sàng cho đi ở mảnh đất này. Tôi từng chứng kiến ở “chợ nhà giàu” Tân Định cảnh một anh bán thịt với đôi tay xăm trổ, cùng con dao hành nghề bén ngọt đang dúi cho cậu bé bán vé số nghèo khổ hộp cơm tấm mới mua của mình, cùng câu bỗ bã: “Ê thằng nhóc, ăn liền đi, trưa rồi”.

Bao lần, chợ ở Sài Gòn cứ ngỡ sẽ bị xóa sổ bởi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại của các ông lớn ngành bán lẻ thi nhau mọc lên. Thế nhưng, dù đông hay vắng, chợ vẫn có khách riêng của nó, với những bà nội trợ, những người trung niên, cao tuổi vẫn luôn ưa thích nét truyền thống lâu đời của chợ.

“Con lớn rồi, tập đi chợ giúp mẹ nhé”. Bạn còn nói câu này với con mình không? Riêng tôi, vài lần rủ mẹ mình dạo chợ hoa Hồ Thị Kỷ, hay mùa hè đưa con trẻ ra chợ Bến Thành, chợ Kim Biên chơi “cho biết” chính là kỷ niệm đẹp lưu dấu cùng người thân ở thành phố mến thương này. 

Hoàng My

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - TPHCM, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI