“Chồng vẫn ga-lăng, yêu vợ như anh thanh niên mới quen cô gái. Còn vợ chiều chồng như mới cưới nhau”, những người bạn của vợ chồng ông Đoàn Bổng và bà Nguyễn Minh Nguyệt đều nhận xét như vậy.
Lý lẽ của trái tim
Chàng trai tên Đoàn Bổng từng là công an. Môi trường làm việc của anh vào những năm 1970 có sự đòi hỏi gia đình nhà vợ tương lai phải thuộc tầng lớp cán bộ, công nhân viên chức… Trong khi đó, chị Nguyễn Minh Nguyệt thuộc “thành phần gia đình” tư sản. Vì vậy, anh Bổng chị Nguyệt không thể đi đến hôn nhân.
Cuối cùng, anh đã chọn tình yêu vì anh nghĩ: “Cơ hội gặp được người mình yêu không thể có lần thứ hai. Đã gặp tình yêu thật sự thì nhất định phải giữ lấy”.
Còn chị, hứa với lòng mình, sẽ hết lòng chăm lo cho anh và gia đình để anh không phải ân hận khi yêu chị. Cô gái Hà thành “cành vàng lá ngọc” sau khi kết hôn theo anh về nhà chồng ở nông thôn.
Ngày ngày chăm chỉ làm việc nông - là công việc chị chưa từng làm, hiếu thảo với bố mẹ chồng, chăm sóc cả gia đình nhà chồng và chịu khó không nề hà bất cứ việc gì. Cặp vợ chồng trẻ lần lượt đón hai cậu con trai, một cô con gái ra đời.
Luôn dành cho nhau lời ngọt ngào
Gia đình của anh Bổng, chị Nguyệt là nơi cuộc sống bắt đầu với tình yêu, và đồng cảm không bao giờ kết thúc. Sáng sáng, chưa cần mở mắt, anh quàng tay tìm vợ, rồi thì thầm:
“Ngày mới vui tươi vợ yêu nhé. Nào, đưa tay đây anh kéo em dậy”, hoặc “Cảm ơn vợ mỗi sáng thức giấc, ngoảnh sang nhìn là có vợ ở bên”. Có khi rất dí dỏm: “Vợ anh đây sao? Em chưa bao giờ thôi xinh đẹp nhỉ”.
Trước lời yêu thương của chồng, chị Nguyệt luôn đáp lại: “Em xinh đẹp là vì anh đấy”. Nhiều lần chị thủ thỉ: “Anh phải sống thật vui và khỏe mạnh nhé. Nếu trời bắt tội thì hãy cho em rời xa thế gian này trước, chứ sống mà không có anh thì em không thể thở nổi đâu”.
Khi anh Bổng đau ốm, ngoài chuyện chăm sóc thể chất, tìm mọi loại thuốc quý cho anh dùng, nấu mọi món ngon bổ dưỡng, chị còn dành cho anh lời động viên: “Chồng yêu của em. Anh ráng uống thuốc, ăn bát cháo này đi để có sức khỏe tốt, để cùng em đồng hành trên mọi nẻo đường”.
Còn khi chị mệt mỏi, anh vuốt lưng, mát-xa cho chị, thì thầm: “Giá mà anh ốm thay em được nhỉ”.
Anh chị luôn dành cho nhau những lời ngọt ngào mọi lúc mọi nơi. Mà tất cả những lời nói ấy thốt ra một cách tự nhiên như hơi thở và chẳng còn ai ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh ấy nữa, bởi vì họ đã chứng kiến suốt mấy chục năm qua rồi.
Luôn cùng nhau, bên nhau và có nhau
“Vợ chồng chúng tôi luôn cố gắng nhất có thể tham gia nhiều hoạt động cùng nhau”, chị tâm sự. Tập thể dục, đi uống cà phê, liên hoan hội hè, thăm hỏi bạn bè và người thân, dã ngoại… Hầu như tất cả các hoạt động vui chơi đều có sự tham gia của cả hai.
Chị kể: “Thói quen cùng nhau cũng phải tập mới có được, ban đầu thấy gượng gạo vì vợ chồng đều có bạn bè riêng, sở thích riêng… nhưng sau này, chúng tôi lại nhận thấy nếu cả vợ chồng cùng tham gia nhiều hoạt động thú vị sẽ hiểu nhau hơn, tình cảm thêm gắn bó”.
Khi được hỏi: “Lúc nào vợ chồng cũng “dính” vào nhau, anh chị không chán sao?”, anh chị cùng chia sẻ: “Không, chúng mình không nghĩ vậy. Đi đâu, làm gì nhất định phải có nhau mới thấy vui được, thì mới thấy yên lòng. Nếu đi đâu chỉ có một người, thì dù có được vé mời miễn phí đến tận châu Âu, Mỹ… chúng mình cũng từ chối, vì chẳng có gì vui.
“Yêu con thương cháu, nhưng phải sống cuộc đời của mình”
Đó là quan điểm của anh Bổng, chị Nguyệt. Khi qua tuổi 60, anh chị nghĩ mình không còn nhiều thời gian ở phía trước nên bớt lo lắng cho con cái. “Các con đều yêu quý bố mẹ, nhưng chúng có công việc và những ràng buộc khác.
Do vậy, chúng tôi không kỳ vọng quá nhiều vào con cái. Yêu thương và giúp đỡ các cháu khi cần thiết, nhưng đến khi có tuổi thì phải nghỉ ngơi và bằng lòng với những gì mình kiếm được, bằng lòng với sự giúp đỡ nhỏ nhoi của mình dành cho con cái, không cố”, chị Nguyệt tâm sự.
Vì xác định như thế nên hai vợ chồng có tâm lý thoải mái khi dừng công việc kiếm tiền một vài năm trước. “Chúng tôi hỗ trợ con cháu trong khả năng vừa phải, không quá sức để còn sống khỏe mạnh và vui vẻ. Vì nếu mình không khỏe mạnh, không vui vẻ thì các con cũng… mệt. Thế hóa ra là mình hại con cháu…” - đó là quan điểm của anh Bổng.
Chính vì lẽ đó nên càng về sau, anh chị càng nhiều thời gian cho nhau, chăm sóc nhau, yêu thương nhau gắn bó nhau. Đó cũng là lý do vì sao sau 42 năm cưới, hôn nhân vẫn mặn nồng, say đắm. Anh chị tâm niệm: “Chẳng mong gì hơn ngoài việc có sức khỏe tốt để nắm tay nhau đến hơi thở cuối cùng”.
Khánh Phương