Khi bên trong cánh cổng bệnh viện (BV), hàng trăm người nuôi bệnh thuê đang ngày đêm vắt kiệt sức nhưng phải cống nạp những khoản phí vô lối thì ngay bên ngoài cổng BV, nhiều người đang chờ để được “tuyển dụng” vào nghề nuôi bệnh. Túng quẫn lắm mới tìm đến nghề nuôi bệnh thuê, những phận người ấy đâu ngờ mình là “con mồi” béo bở cho các “cai đầu dài”.
|
Những người nuôi bệnh thuê tại bệnh viện 115. |
Nhộn nhịp “chợ người”
Tôi đứng lẫn trong nhóm người chờ nhận cơm từ thiện trước cổng BV Nhân dân 115 (BV 115). Tỏ ra bực bội, bà Phựa lên tiếng than: “Đứng nửa tiếng rồi mà chưa “bắt” được đứa nào. Dạo này nhiều người nhờ chăm, đang thiếu…”. Bỏ lửng câu nói, như con đại bàng đang sẵn sàng vồ mồi, bà Phựa dáo dác.
Khoảng năm phút sau, với con mắt “nhà nghề”, bà Phựa nhanh chóng tìm ra một “gương mặt lạ”. Chỉ tay về phía người phụ nữ gầy nhom, khắc khổ khoảng 40 tuổi đang rụt rè đứng cuối hàng, bà Phựa kéo tay tôi nói nhỏ: “Hình như nhỏ đó lần đầu xin cơm ăn, để hỏi thăm coi”.
Mỗi sáng, trước cổng luôn có hàng chục người chia thành từng nhóm đứng, ngồi, chuyện trò rôm rả. Đến khoảng 9 giờ, khi những chiếc xe của các đoàn từ thiện đỗ xịch, họ vội vã di chuyển, nhanh chân đứng xếp thành hai hàng chờ nhận cơm miễn phí.
Ngoài bệnh nhân nghèo và thân nhân cùng đông đảo người chăm bệnh thuê, còn có không ít người từ các tỉnh đến TP.HCM tìm việc. Những “gương mặt lạ” ấy sẽ nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của các “chân rết” trong đường dây “hút máu” do bà Hồng cầm đầu. Các chân rết này luôn “trực chiến” trước cổng BV “săn” người để bổ sung quân số vào đường dây.
Sau một hồi bắt chuyện, bà Phựa nhìn tôi, đắc ý. Người phụ nữ ấy tên M., quê ở tỉnh Bạc Liêu. Chăm chồng bị tai biến nhiều năm, cạn tiền, chị M. đành để chồng cho con gái chăm sóc, vay một triệu đồng đến TP.HCM tìm việc. Hai ngày ở thuê chung phòng trọ với nhiều người bán vé số, chị M. được hướng dẫn đến trước cổng BV 115… xin cơm ăn.
|
Trong dòng người đông đúc tại bệnh viện Nhân Dân 115, có nhiều người là "lính mới" đến tìm việc và được bà Hồng dắt mối. |
Gặp bà Phựa, được hứa hẹn công việc có thu nhập hấp dẫn, chị M. năn nỉ: “Em chăm chồng bốn năm thì làm nghề này đúng là thuận tay rồi, chị giới thiệu cho em làm nha”.
Chỉ mất vài giây gọi cho bà Hồng, bà Phựa trở thành chiếc cầu nối đưa chị M. gia nhập đường dây chăm bệnh thuê. Giống như chúng tôi lúc mới chân ướt chân ráo vào nghề, chị M. được bà Phựa “phổ biến” về khoản tiền 500.000đ phí “giữ chân”. Ngỡ ngàng, chị M. quay sang chúng tôi như ngầm ý “xác minh”, tay sờ vào túi quần, nói như mếu: “Mượn một triệu lên đây, tiền xe rồi ăn xài hổm rày hết năm trăm ngàn. Còn năm trăm ngàn đóng cho chị, mấy ngày tới em không biết sống sao”.
“Tiền đó bà Hồng thu hết chứ tôi có được đồng nào đâu. Mà lo gì, vô là làm việc ngay, cơm thì… có sẵn rồi” - bà Phựa nói như quát. “Vậy là có việc ngay hả? Mỗi ngày em nhận luôn ba trăm ngàn tiền công?” - chị M. hào hứng. “Ừ, mà tới đó rồi biết. Cái đó chờ gặp bà Hồng nói sau” - bà Phựa đáp, không quên liếc sang tôi bằng ánh mắt… hăm dọa.
Cùng với bà Phựa, bà Sáu cũng thường xuyên có mặt trước cổng BV “săn” người tìm việc. Sáng 2/4, tôi phát hiện bà Sáu tiếp cận một phụ nữ khoảng 50 tuổi. Sau vài phút trao đổi với bà Hồng qua điện thoại, bà Sáu điều động người này sang một BV ở quận 8. Trước khi đi, người này phải đưa cho bà Sáu một khoản tiền. Nhanh như chớp, bà Sáu nhận tiền và lấy cuốn sổ nhỏ ra “nhập liệu”.
Hằng đêm, để hỗ trợ, đôn đốc “thuộc cấp”, bà Hồng thường xuất hiện cùng một người đàn ông tên Lương dạo quanh cổng BV. Có lần, tôi được bà Phựa “bật mí”, ông Lương là chồng của bà Hồng. Hai người này cũng đích thân tìm người ở “chợ người” và điều phối họ đi đến các BV của TP.HCM.
Hoạt động “giới thiệu” người chăm bệnh thuê diễn ra rất rầm rộ ngay trước cổng các BV tại TP.HCM như Chợ Rẫy, Trung tâm ung bướu... Những tài xế xe ôm, người bán báo, hàng rong… có “chân” mưu sinh ổn định trước cổng các BV cũng trở thành “cánh tay nối dài” của bà Hồng. Mỗi khi giới thiệu được người cho bà Hồng, họ sẽ được nhận từ 50.000 - 100.000đ.
Những phận người héo hắt ở “đại bản doanh”
Ở “chợ người”, bà Hồng luôn dùng những từ như “công việc khỏe re”, “làm ở đây lương cao” để chiêu dụ “lính mới”. “Lính mới” được nhóm bà Hồng điều lên “đại bản doanh” ở lầu 3, khu A, BV 115.
|
Phóng viên được bà Hồng bàn giao cho bà Phựa (áo vàng) dắt vào làm nghề nuôi bệnh ở bệnh viện Nhân Dân 115. |
Tối 4/4, xuống ca, theo lệnh bà Sáu, tôi trở lên “đại bản doanh” nghỉ ngơi, chờ nhận ca mới. Lúc này, ngoài tôi, còn có ba người khác là chị H., chị O. và bà T. đang ngồi ngáp ngắn ngáp dài chờ bà Sáu “sắp lịch”. Chị H. buột miệng: “Nghèo quá mới đi làm nghề này, chứ nhiều người bệnh khó tính, cáu gắt, mạt sát, mình phải chăm họ luôn tay luôn chân, hết đổ bô đến thay tã, bóp tay bóp chân không nghỉ”.
Quê ở Quảng Ngãi, cách đây hai năm, vợ chồng chị H. đùm túm hai con vào TP.HCM mưu sinh. Xin được chân lái xe, nhưng chỉ được một năm thì chồng chị H. bị tai nạn qua đời. Điêu đứng trước biến cố, muốn để con về quê sống với ông bà nhưng chị H. không đành lòng. Chị chọn ở lại TP.HCM gồng gánh nuôi con bằng nghề giúp việc nhà.
Thuê trọ ở quận Thủ Đức, từ căn phòng trọ giá 800.000đ/tháng, kể từ khi chồng mất, chị H. phải đổi sang thuê căn phòng giá 600.000đ/tháng. Thế nhưng, lâu lâu chị H. mới về phòng thăm hai con vì chị chọn làm giúp việc toàn thời gian, ở tại nhà chủ.
Tết Nguyên đán vừa rồi, đưa con về thăm quê, lúc trở lại, chị H. bỗng bị chủ cho thôi việc. May mắn, gần một tháng trước, trong một lần đến thăm người bà con đang nằm ở BV 115, chị H. biết đến nghề chăm bệnh thuê, hỏi thăm và xin được số điện thoại bà Hồng. “Được bà Hồng cho vô làm mừng lắm, tới chừng bả nói tới năm trăm ngàn “giữ chân”, tui nản. Nhưng ráng chịu thôi, vì ai cũng vậy” - chị H. ứa nước mắt, giọng nghẹn lại.
Đóng cho bà Hồng 500.000đ, chị H. tá hỏa khi biết phải cống nạp mỗi ngày công 50.000đ. Nhưng, cảm giác rớt xuống vực sâu là lúc chị được bà Sáu dẫn đi nhận ca đầu, 300.000đ đã bị cướp trắng trên tay. Sau năm ngày xuống ca, trở lên “đại bản doanh”, chị H. phải đóng thêm cho bà Hồng 250.000đ. Cứ ngỡ thu nhập được 1,5 triệu đồng, nào ngờ chị H. “thực nhận” chỉ 950.000đ sau năm ngày đêm không ngủ.
“Nghe con gái nói, ở trường, học phí kỳ II chỉ còn con và em chưa đóng, tui ngồi khóc. Hỏi mượn bà Sáu, bà Hồng, bà Phựa mà mấy bả đâu cho, bảo tui ráng chờ có ca…” - chị H. kể mà mặt ráo hoảnh, ngơ ngác.
Chị O. có hoàn cảnh trớ trêu hơn. Chồng ngoại tình rồi… sợ vợ ly hôn, ôm hết giấy đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân của chị “ra đi” với nhân tình, bỏ chị O “chết đứng” trong căn phòng trọ chật hẹp thuê ở quận 12. Không giấy tờ tùy thân, không thể xin việc, may nhờ một ông xe ôm “biết mối”, đưa chị O. đến gặp bà Hồng.
Với chị O., có việc làm trong tình trạng không một tờ giấy tùy thân lận lưng đã là một may mắn; hơn nữa, việc lấy BV làm nhà còn như một cuộc chạy trốn khỏi các chủ nợ do chồng chị vay mượn khắp dãy trọ với số tiền gần 10 triệu đồng. Vừa được bà Hồng cho biết mỗi ngày công thu nhập được 300.000đ, chị O. mừng quýnh, gọi ngay cho một chủ nợ: “Chị có việc rồi, bảy ngày tới em đến đây chị trả đỡ em hai triệu”, để rồi sau đó, chị ngã ngửa với các khoản phải cống nộp vô lý, bất ngờ.
2h sáng, mọi người đang ngủ say thì bất ngờ, giọng một tạp vụ oang oang: “Bà Sáu, có bệnh nhân cần người kìa”. Choàng tỉnh, bà Sáu bật dậy: “Đứa nào đi với tao?”. “Để tôi” - chị H. bất ngờ lên tiếng rồi túm vội bịch ni lông chứa quần áo theo chân bà Sáu. Nhưng chỉ tầm mười phút sau, họ quay lại. Giọng bà Sáu như quát: “Mày làm đại đi. Đã nghèo mà còn kén. Làm đại đi mày!”.
Thả phịch người xuống chiếu, chị H. bần thần: “Thôi, ca đó họ thuê có hai ngày. Mà ngày đầu cô lấy mất ba trăm ngàn, ngày sau đóng tiếp năm chục ngàn cho bà Hồng, con chỉ còn hai trăm rưỡi ngàn. Thôi con chờ ca khác”. “Thì làm đại chứ biết lúc nào có ca khác, nhiều người còn chờ đây” - chỉ tay vào tôi, bà Sáu gằn giọng.
Thấy chị H. kiên quyết từ chối, bà Sáu “lầm bầm”: “Nghèo còn bày đặt. Mà tao có ăn trọn ba trăm ngàn của mày đâu, con tạp vụ nó để yên cho tao ăn hết chắc?”.
3h sáng, điện thoại bà Sáu reo ầm ĩ. Nghe xong cuộc điện thoại, mặt bà Sáu dãn ra, nói lớn: “Con Hồng bảo có ca kìa. Hai ca, về nhà người ta ở, với một ca tai nạn ở BV Xuyên Á, mà con Hồng nó phân việc cho từng người rồi đó”. Theo lệnh của bà Hồng, tôi sẽ chăm bệnh tại nhà bệnh nhân, chị H. về BV Xuyên Á. Tôi cố ý xin đổi, chị H. mừng như bắt được vàng: “Vậy, để con về nhà bệnh nhân cho”.
Nói xong, chị H. háo hức mở chiếc kim băng găm chặt túi quần, lôi bịch tiền gói kỹ trong tờ báo, đếm đưa bà Sáu 1,3 triệu đồng, gồm 300.000đ ngày công đầu và 1 triệu đồng phí được nhận ca về nhà bệnh nhân. Chị vén cột lại tóc chuẩn bị đi như tìm được hướng mới cho cuộc mưu sinh nhọc nhằn để có thêm chút tiền lo cho các con ăn học.
Tôi bần thần nhìn theo dáng đi xiêu vẹo của người đàn bà tội nghiệp ấy trong ánh đèn vàng vọt của hành lang BV. Hơn mười ngày cực nhọc, chưa đủ tiền học phí cho con, giờ phải dốc sạch để nộp lại cho họ, tiền đâu để chị gửi cho các con?
Giữa đêm, tôi được người đàn ông tên Lương chở sang BV Xuyên Á. “Thế lực ngầm” của bà Hồng “vươn vòi” được bao nhiêu BV? Những người trót "bán thân" cho bà Hồng liệu có thoát khỏi đường dây này.
Nhóm Phóng Viên
Bài 4: Cuộc truy sát đẫm máu và chân dung “bà trùm”