Chờ ngày Thanh Đa thay da đổi thịt

15/11/2023 - 06:44

PNO - Nghe tin bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) sẽ được quy hoạch lại, người dân ở đây vừa vui, vừa lo. Họ vui vì hy vọng thoát cảnh “sống mòn” cùng quy hoạch “treo” suốt 30 năm qua nhưng lo vì không rõ lần này, tình trạng “treo” liệu sẽ chấm dứt hay tái diễn.

Vùng quê trong lòng phố

Gần trưa, ông Bùi Văn Anh - 68 tuổi, ở khu phố 3, phường 28, quận Bình Thạnh (khu Thanh Đa) - ngồi ở bộ ghế đá trong sân nhà, lơ đãng nhìn ra. Những hàng dừa, bụi tre cao tuổi chen cùng các loài cây tạp như bức tường thành dày bao bọc lấy ngôi nhà, mảnh đất do cha ông để lại. Phía bên kia sông là những tòa cao ốc chọc trời. Nghe nhắc đến từ “quy hoạch”, ông buông một câu ngán ngẩm: “Treo biết bao nhiêu năm rồi, nói riết cũng mệt. Người ta nói phường này cái gì cũng nhất: phường có hội nông dân duy nhất, có 1 tuyến đường duy nhất, có quy hoạch treo dài nhất”.

Thanh Đa là “quê trong phố” nên sẽ phù hợp để phát triển thành đô thị sinh thái - Ảnh: Thu Lê
Thanh Đa là “quê trong phố” nên sẽ phù hợp để phát triển thành đô thị sinh thái - Ảnh: Thu Lê

68 năm sống ở Thanh Đa thì hết gần nửa thời gian, cuộc sống của ông gắn liền với những thấp thỏm, âu lo vì không biết lúc nào phải rời đi. Ông kể, năm 1992, khi UBND TPHCM phê duyệt dự án xây dựng khu đô thị sinh thái cho toàn bộ 427ha đất khu Thanh Đa - Bình Quới, ông mới ngoài 30 tuổi. Cứ ngỡ nơi đây sẽ trở nên sầm uất, nào ngờ hơn 30 năm dằng dặc trôi qua với bao lớp người từ giã cõi đời, Thanh Đa ngày một tiêu điều. Trước, gia đình ông sống bằng nghề trồng lúa trên mấy sào đất do nhà nước cấp, nhưng đất bạc màu dần và nhà máy xây lúa cũng đóng cửa, ông chuyển qua trồng dừa, thả sen. 

“Trồng dừa thì bị đuông ăn, thả sen thì 1 năm ăn được 3 tháng vì phải thiệt nắng mới có ngó. Nhưng ngoài mấy thứ đó ra, mình không dám làm gì để sinh lợi. Đất nhà tui rộng 2.000m2 nhưng dựng mấy cái phòng lên cho thuê là bị xử phạt. Vướng quy hoạch nên đất bỏ hoang. Ruộng ở đây bỏ hoang trong khi dân mình phải tốn tiền mua gạo” - ông Bùi Văn Anh cám cảnh.

2 đứa trẻ ở Thanh Đa vui đùa bên hiên căn nhà cấp 4 xuống cấp do vướng quy hoạch “treo” - Ảnh: Thiên Thanh
2 đứa trẻ ở Thanh Đa vui đùa bên hiên căn nhà cấp 4 xuống cấp do vướng quy hoạch “treo” - Ảnh: Thiên Thanh

Chúng tôi ngồi cùng ông dưới mái hiên rộng trước sân nhà yên tĩnh, xa hẳn bầu không khí nhiều khói bụi, tiếng còi xe, cảm nhận thời gian chầm chậm đi qua. Thỉnh thoảng, tiếng vịt, ngỗng kêu quang quác dội lên từ cái ao phía sau nhà. Gió trời hòa cùng màu xanh cây lá khiến cho cái nắng rát da bên ngoài phía cầu Kinh dịu hẳn đi. “Khúc này toàn dòng họ Bùi, sống trên phần đất ông bà tổ tiên để lại. Mỗi người một khúm, nhà nào cũng có gò mả riêng” - ông Bùi Văn Anh nói. 

Chúng tôi nhìn theo hướng tay ông, thấy lẫn trong cây trái là dãy mộ của ông bà được xây cất tươm tất hơn cả nhà cửa của người sống, kế bên là đống củi cao được ông chuẩn bị cho mùa bánh tét sắp đến gần. Ông kể với vẻ tự hào: “Ở đây quanh năm không xài quạt máy, tối cửa mở toang hoác, xe cộ để ngoài sân. Tình làng nghĩa xóm đậm đà lắm. Quanh năm đám tiệc liên miên, hễ nhà nào hữu sự là người ta tới sáng đêm, vừa giúp đỡ, vừa để vui nhà vui cửa. Lâu lâu tui ra phố, thấy tang lễ gì mà mới 7g tối là đóng cửa, nhà ai nấy sống, buồn lắm”.

Mong một cuộc sống tươm tất hơn

Dẫn chúng tôi len lỏi vào những ngôi nhà nằm cách đường bê tông rất sâu, có đoạn, Bùi Ngọc Thúy Vy - sinh viên năm cuối ngành hóa, Trường đại học Sư phạm TPHCM, cháu gái ông Bùi Văn Anh - phải dừng lại, vạch những nhành cây rậm rì lấn hết con đường mòn để chúng tôi đi qua. Cũng có đoạn, chúng tôi phải đi qua cây cầu khỉ làm bằng thân cây với đường kính chỉ hơn 1 tấc. Vy kể: “Mỗi lần em dẫn bạn học đến nhà chơi, tụi nó cứ thắc mắc ở TPHCM mà vẫn còn một nơi như thế này sao”. 

Bán đảo Thanh Đa - mảnh đất đầy tiềm năng của TPHCM - bị quy hoạch “treo” hơn 30 năm qua - Ảnh: Nguyễn Quang
Bán đảo Thanh Đa - mảnh đất đầy tiềm năng của TPHCM - bị quy hoạch “treo” hơn 30 năm qua - Ảnh: Nguyễn Quang

Cách nhà Vy vài trăm mét là ngôi nhà cấp 4 được xây từ đầu những năm 1990. Nghe tiếng bước chân trước ngõ, 6 con chó trong sân đồng loạt phóng ra sủa inh ỏi. Bà Bùi Thị Hai để dở đôi tay dính đầy bột cám, từ dãy chuồng heo phía bên hông nhà lật đật chạy vô xua đàn chó. Nghe đứa cháu họ nói có người vô chơi, chẳng cần biết ai, bà đon đả mời vô nhà và lớn tiếng gọi đứa em gái chạy ra sau nhà chặt mấy trái dừa “cho tụi nhỏ uống”.

Bà kể, nhà có 7 chị em. Cha mẹ mất, chia cho mỗi người 250m2 đất để dựng nhà. 3 chị em gái của bà không lấy chồng nên sống chung với nhau trong căn nhà do cha mẹ để lại, còn 4 đứa em trai lần lượt lập gia đình, ra riêng. Thế nhưng, 2 người em trai cất nhà trước quy hoạch thì được cấp sổ đỏ, còn 2 người em út cất nhà từ năm 2002 trở về sau nên chỉ dám cất nhà tôn ở tạm, không giấy tờ. Chỉ vào 4 bức tường nhà nham nhở, bà Hai lắc đầu: “Ở đây, nước ngập thường xuyên nên nhà mục từ chân tường mục lên, mỗi ngày một chút. Xây lại không được mà xin sửa thì phải làm đơn, đi tới đi lui, chờ đợi nên hư tới đâu vá xi măng tới đó”.

Nhiều hộ dân ở Thanh Đa phải sống trong những căn nhà cũ nát do vướng quy hoạch, không thể xây, sửa - Ảnh: Thu Lê
Nhiều hộ dân ở Thanh Đa phải sống trong những căn nhà cũ nát do vướng quy hoạch, không thể xây, sửa - Ảnh: Thu Lê

Khi chúng tôi nhắc đến việc UBND TPHCM sẽ quy hoạch lại Thanh Đa, giọng bà Hai lộ rõ nỗi lo. Bà không biết rồi đây, ốc đảo này sẽ như thế nào, những người sống lâu đời ở đây có được ở tiếp hay phải đi nơi khác. Bà tâm sự: “Sống ở đây thoải mái quen rồi. Nghĩ tới chung cư, máy lạnh là thấy mệt. Dân ở đây không giàu nhưng cũng chưa bao giờ phải lo thiếu ăn. Lúc nào không có tiền thì cứ ra vườn, rau cá không thiếu thứ gì. Còn lên chung cư thì cái gì cũng mua. Mình thì quá tuổi lao động, không biết làm gì ra tiền, từ nhỏ đến giờ chỉ làm ruộng, đâu biết buôn bán gì”.

Nghe bà Hai nói, Thúy Vy bất chợt đưa tay lên quệt nước mắt. Vy nói, giọng chạnh buồn: “Bao nhiêu năm nay, cứ nhắc đến Thanh Đa là em xúc động. Người dân Thanh Đa mong có được cuộc sống tươm tất hơn vì đã sống tạm bợ quá lâu rồi. Sự phát triển của đô thị luôn có những mặt trái của nó. Mình không thể khư khư giữ lấy cái cũ, nhưng cũng đừng vì thế mà làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên cũng như một phần tính cách, lối sống đã thành hồn cốt của người Thanh Đa mà khắp TPHCM này, không đâu có được”. 

Dự án mới cần đảm bảo sinh kế cho người dân

Bán đảo Thanh Đa có khoảng 3.000 hộ với 16.000 dân. Riêng khu phố 3 có 157ha đất nhưng chỉ có khoảng hơn 300 hộ thường trú. Dân ở đây trước chuyên làm ruộng, nhưng trồng lúa ngày càng kém hiệu quả nên lớp trẻ ra ngoài làm đủ thứ nghề. Dân ở đây gần như sống tự cung tự cấp. Nhà nào cũng có miếng vườn, sáng dậy sớm, vợ chồng già ra hái rau quả đi bán, sống qua ngày. Nếu nhà nước làm dự án thì cần phải tính toán kỹ về sinh kế của người dân Thanh Đa, không để cuộc sống người dân xáo trộn.

Thanh Đa có cảnh quan thiên nhiên mang đặc trưng sông nước Nam Bộ. Hiện nay, dựa trên đặc trưng đó, Hội Nông dân phường đang có ý tưởng xây dựng mô hình du lịch vườn để người dân thành phố, du khách nước ngoài có thể trải nghiệm đời sống sông nước ngay tại TPHCM chứ không nhất thiết phải xuống miền Tây. 

Ông Mai Văn Ba - Bí thư chi bộ khu phố 3, phường 28, quận Bình Thạnh

Thi ý tưởng quy hoạch, kiến trúc bán đảo Thanh Đa

Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM cho hay, dự án xây khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa có quy mô lớn, vốn đầu tư cao, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phức tạp nên nhiều năm không thực hiện được. Việc chậm trễ triển khai dự án gây ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống và quyền lợi chính đáng của hàng ngàn hộ dân và công tác quản lý.

Hiện nay, UBND TPHCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án xây khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. UBND TPHCM cũng tổ chức thi ý tưởng quy hoạch, kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa để chọn lựa các phương án tối ưu, đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, phê duyệt đề án đầu tư xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa và các khu vực kế cận.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI