Mùa cây thay lá
Cứ độ tháng Mười âm lịch đổ đi, khi mùa gió về, lòng người lại bồi hồi, xốn xang. Trong cái không khí dễ khiến tâm hồn xao động ấy, chỉ một chút mùi vị thoáng qua cũng đủ để gợi lên nỗi nhớ quê nhà. Trong đó, vị đắng chát của sầu đâu cùng mùi lá non mới trổ như kéo người miền quê xa xứ trở về với ruộng đồng, nơi có những ngày bình yên vô lo.
Không chờ đến xuân như nhiều loài khác, sầu đâu trút lá vào mùa cuối năm. Đầu tháng Mười trở đi, những cành cây khẳng khiu bắt đầu đâm chồi. Những mầm xanh cứ nối đuôi nhau tô điểm một góc vườn, một khoảng sân trước nhà hay một khoảng nhỏ nơi bờ sông. Theo từng cơn gió heo may, lá sầu đâu non rung mình nhẹ nhàng. Từng chùm hoa trắng nhỏ xinh cũng theo đó đung đưa, như hòa nhịp cho những ngày giao mùa cận tết.
Sầu đâu, có nơi còn gọi là thầu đâu, là cây thân mộc. Cây càng già, cành càng cỗi, mỗi mùa thay lá lại tạo nên những đường nét độc đáo như những vết hằn lên nền trời xanh thẳm. Lá sầu đâu nhỏ, mọc đối xứng thành từng chùm. Sầu đâu những ngày lá xanh um là nơi hẹn hò của mấy đứa trẻ miền quê, là bóng mát cho những túp nhà chòi xiêu vẹo, là điểm hẹn cho trò chơi trốn tìm.
Miệt An Giang, Kiên Giang được xem là thủ phủ của loài cây này ở miền Tây. Nhưng để tìm hình bóng sầu đâu giữa những nẻo đường quê cũng không khó, bởi cây thường mọc dại hoặc trồng cũng chẳng tốn công chăm sóc. Sầu đâu chịu hạn giỏi và cũng vững mình trước mưa bão. Đời cây cứ ngỡ như đời người, tâm vững thì mới bình an qua những ngày gian khó.
Trăm đắng ngàn thương
Nhắc đến sầu đâu, ngoài cái tên như chất chứa nỗi buồn thương, bi ai, vị đắng luôn được nhớ đến đầu tiên. Cái đắng chát của sầu đâu luôn khiến đầu lưỡi run lên ngay khi vừa nhắc tới. Nếu như vị đắng của khổ qua là một, thì sầu đâu lại gấp năm, mười lần như thế. Thế nên vị của sầu đâu đôi lúc cũng được ông bà mình ngày xưa khéo đưa vào lời ăn tiếng nói như một sự trách hờn: “Bắp chuối mà gói sầu đâu/ Vừa đắng vừa chát mời nhau làm gì!”.
Nhưng cũng chính vị đắng đặc trưng ấy khi được người dân miền quê đưa vào ẩm thực lại tạo nên một vị đậm đà, khó lẫn. Sầu đâu khó lòng chiều chuộng số đông thực khách. Người ăn được sẽ cho rằng ngon, còn người không chịu được vị đắng thì chỉ biết nhăn mặt, nhíu mày. Thậm chí, ngay cả với người miền Tây, thì cũng kẻ nói được, người nói không.
Mùa cây thay lá cũng là lúc món ăn trứ danh từ sầu đâu thường được nhắc đến. Người xa quê lại càng thương về cái vị đắng chát thuở nào. Cứ độ tháng Mười âm lịch trở đi, khi bạn về miệt Tri Tôn, Châu Giang (An Giang) hay một số huyện lân cận của Kiên Giang, gỏi sầu đâu luôn được người dân nơi đây mang ra mời khách, như một đặc sản của quê nhà, đã đến phải thử mới về.
Ngắt nhẹ mấy chùm lá non mơn mởn, rửa sạch là có thể mang vào chấm với nước cá kho, mắm kho, ăn kèm bông súng, chuối chát hay mấy cọng rau mùi, đủ cho bữa cơm đạm bạc. Còn cầu kỳ hơn chút nữa thì sầu đâu mang đi làm gỏi nức tiếng bấy lâu nay. Và dường như đây cũng là món ăn duy nhất được chế biến từ loại lá này.
Nếu thích vị đắng nguyên bản của sầu đâu, bạn chỉ cần rửa sạch lá, mang ướp sơ cùng chút đá lạnh để giữ độ giòn. Còn để giảm vị đắng thì mang lá sầu đâu chần sơ với nước sôi hoặc nước cơm nóng rồi để ráo. Mấy con khô sặc rằn beo béo hay khô cá lóc được giữ từ mùa tát đìa trước, lấy ra mang nướng trên bếp than hồng.
Khô chín mang dần cho tơi rồi xé nhỏ. Mùi thơm của cá cùng mùi khét nhè nhẹ làm bụng dạ cũng cồn cào theo. Ngoài khô, bạn cũng có thể thêm vào một ít thịt ba rọi luộc xắt mỏng cùng mấy con tôm đất luộc bóc vỏ, màu đỏ au bắt mắt.
Ngoài sầu đâu, món gỏi này còn có thêm xoài sống bào nhuyễn hoặc dưa leo xắt mỏng để tăng độ giòn, ngọt. Mà những thứ rau trái miệt đồng quê này ăn cùng khô cá thì quá ư đúng bài.
Sau khi có được tất cả nguyên liệu, bạn cho chúng vào thau, rưới nước mắm me cùng chút tỏi ớt cay nồng vào để nêm nếm cho vừa vị. Đặc biệt, với sầu đâu, chỉ có thể dùng me để trộn gỏi, còn chanh hay giấm đều làm hỏng vị và khiến vị đắng càng trở nên khó ăn.
Gia vị thấm đều, cho gỏi ra dĩa, thêm ít rau thơm, dùng với cơm nóng. Gắp nhẹ một đũa gồm lá sầu đâu, miếng khô xé nhuyễn cùng chút xoài bào sợi, miếng dưa leo mỏng, giòn rụm, bạn sẽ cảm nhận được hết vị của đất trời miền quê, mộc mạc mà đậm đà.
Lá sầu đâu có vị đắng nhưng khi vào đến cổ họng sẽ cho ra vị ngọt thanh, dìu dịu đầy khoan khoái. Vị mặn mòi của khô, cái giòn ngọt của tôm, vị chua của xoài, chút giòn mát của dưa leo cùng chút beo béo của thịt ba rọi hòa cùng mùi hương nồng đượm của chén mắm me tỏi ớt khiến lòng người bị chinh phục hoàn toàn.
Có lần tôi xem một đoạn phim tài liệu ngắn, trong đó có nói rằng muốn về làm dâu An Giang thì gần như phải tập ăn sầu đâu, làm quen với vị đắng sầu đâu. Chị tôi ngày trước ghét cay ghét đắng sầu đâu chỉ vì cái vị đắng chát của nó nhưng từ khi lấy chồng cũng bắt đầu tập ăn sầu đâu, vì người thương của chị - anh rể tôi - cực kỳ thích món này.
Người dân miền Tây thập niên 80, 90 gần như ai cũng biết tuồng cải lương Vị đắng lá sầu đâu gắn liền với tên tuổi đôi nghệ sĩ nổi tiếng Lệ Thủy - Minh Vương. Cũng vì vị đắng ấy mà người ta nhớ nhau cả đời. Bởi sầu đâu trăm đắng mà ngàn thương là vậy. Đôi khi, người ta ăn một món nào đó, chẳng phải vì thích, mà vì thương, bởi trong đắng có ngọt - mà ngọt từ cái tình người với người dành cho nhau.
Vị đắng nên thuốc
Nghe đâu miền Bắc cũng có một loài cây tương tự nhưng hoa lại có màu tím nhạt, lá độc không ăn được. Còn sầu đâu của miền Tây lại mang nhiều vị thuốc nên được sử dụng phổ biến.
Ông bà mình có câu thuốc đắng dã tật. Điều này hoàn toàn đúng với sầu đâu. Cây, lá thường được dùng chữa sốt, cảm, chống viêm, chữa những bệnh về da, nhức mỏi...
Sầu đâu ngày nay cũng còn đó với người miền quê. Cây ở quanh nhà, cây che bóng mát; đến mùa thay lá, ra hoa thì lại góp vui ở mâm cơm hay để thết đãi bạn phương xa. Nhưng nay sầu đâu cũng đã lên hàng đặc sản, xuất hiện trong các hàng quán sang trọng với giá không hề rẻ. Nếu bạn có chợt nhớ sầu đâu thì quanh quẩn một vài khu chợ ở Sài Gòn độ gần cuối năm cũng có thể bắt gặp loài lá quen thuộc này.
Sầu đâu chế biến đơn giản, chỉ cần một chút thời gian là có được hương vị quê nhà, để thả hồn mình về với ngày xưa. Còn nếu có thương, hãy một lần trở lại quê nhà trong những ngày trời trở gió để ngắm cây thay lá, đơm hoa, để thấy lòng mình bình yên như ngày xưa.
Thành Lâm