Chớ nên dùng thuốc hạ sốt quá 'tích cực'

08/05/2017 - 17:36

PNO - Thời tiết cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn đỉnh điểm của nắng nóng. Bác sĩ (BS) Đinh Thạc - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - cảnh báo,

Thời tiết cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn đỉnh điểm của nắng nóng. Bác sĩ (BS) Đinh Thạc - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - cảnh báo, độ ẩm không khí cao trong mùa nắng là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi trỗi dậy gây bệnh với người có sức đề kháng kém, đặc biệt là trẻ em.

Những bệnh thường gặp trong mùa này là tiêu chảy, các bệnh lý nhiễm siêu vi (cúm, sởi, thủy đậu, quai bị, sốt phát ban rubella…), viêm não Nhật Bản B, tay chân miệng, rôm sảy, say nắng, ngộ độc thức ăn…

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng ra thông báo về nguy cơ dịch thương hàn có thể bùng phát trong mùa hè. Vi khuẩn gây thương hàn có thể tồn tại trong phân, nước hai-ba tuần. Nguy hiểm hơn, nó có thể tồn tại trong nước đá đến hai - ba tháng. 

Cho nen dung thuoc ha sot qua 'tich cuc'
 

Trao đổi với chúng tôi, BS Trần Thị Huyên Thảo - Trưởng khoa Nhi, Phòng khám Quốc tế CarePlus - lưu ý, hầu hết các bệnh kể trên đều có dấu hiệu sốt do tình trạng nhiễm trùng (nhiễm khuẩn, siêu vi).

“Thật ra, sốt chính là một phản ứng tốt của cơ thể chống lại sự tấn công của vi trùng hoặc siêu vi gây bệnh. Nếu sốt trên 380C thì mới cho uống thuốc hạ sốt, và cần tăng cường bù mất nước do sốt đối với trẻ sơ sinh bằng cách cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, nước trái cây... Sau hai ngày, nếu trẻ còn sốt nhiều, nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt” - BS Thảo khuyên.

Theo BS Thảo, không có bằng chứng cho thấy giảm sốt có thể giảm mức độ nặng thêm hay tử vong của bệnh gây ra sốt. Việc hạ sốt quá tích cực có thể không có ích cho cơ thể mà ngược lại, có nguy cơ cao gây ra tác dụng phụ hoặc dùng thuốc hạ sốt quá liều.

Một số dữ liệu còn cho thấy, đôi khi sốt còn giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn ở các bệnh lý nhiễm siêu vi. Do đó, giới y khoa khuyến cáo: không tập trung vào cơn sốt, mà cần tập trung vào bệnh gây ra triệu chứng phổ biến này, cũng như theo dõi, hỗ trợ tổng trạng của trẻ.

Phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng nguy hiểm khác của bệnh như ói nhiều, tiêu chảy nhiều, tiêu ra máu, thở mệt… Cần quan niệm dùng thuốc hạ sốt không phải để hạ sốt mà là để cho trẻ dễ chịu và giảm đau cho trẻ.

Ngoài ra, đối với một số trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi, tình trạng sốt cao có thể gây co giật. Tuy nhiên, sốt co giật hoàn toàn không gây tổn thương não - thần kinh, không gây liệt, không giảm trí thông minh, không gây tử vong… như mọi người vẫn nghĩ. “Không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng, điều trị cơn sốt co giật tốt có thể làm giảm nguy cơ động kinh.

Tương tự, hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy sốt co giật gây tổn thương cấu trúc não. Khi trẻ co giật, không cần cho hạ sốt ngay mà phải bình tĩnh xử trí như một cơn co giật đơn thuần. Nếu co giật dưới 5 phút, ổn định trẻ sau cơn co giật và cho trẻ đi khám ngay sau đó. Nếu co giật trên 5 phút, cho trẻ vào bệnh viện ngay” - BS Thảo khuyến cáo.

 Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI