Khung cảnh nhiều sắc màu cảm xúc của tiết trời cuối năm làm lòng người xao xuyến về một mùa sum vầy, để rồi tất thảy lại nháo nhào “đón” Tết với bao việc bộn bề từ mua sắm, sửa sang, cho đến chuẩn bị lên kế hoạch du xuân. Một số bà nội trợ còn có hẳn kế hoạch chi tiêu Tết...
Mẹ là người vất vả nhất!
Tết Nguyên đán được xem là dịp lễ lớn và quan trọng nhất trong năm của người Việt. Tết thường kéo dài, bắt đầu từ ngày cúng đưa Ông Táo về trời - 23 tháng Chạp, cho đến lễ Khai Hạ - mồng Bảy tháng Giêng, tức khoảng nửa tháng. Thế nhưng, mọi thứ đã phải được chuẩn bị trước khá lâu.
Vào mùa vui mà cũng đầy lo toan này, vai trò của người phụ nữ trong gia đình hệt như “tiền vệ con thoi” trong trận chung kết bóng đá. Hình ảnh đan xen những ngày giáp Tết với cá nhân tôi không đâu xa ngoài sự tất bật của mẹ trong ký ức. Làm sao có thể quên chiều Ba mươi hằng năm, sau hàng đống thứ đã chu tất cho gia đình hai bên nội ngoại, bà lại tất tả đi gom hàng “giờ chót”. Những chậu cúc vàng giá bán như cho là niềm vui giản đơn tiễn năm cũ của những người phụ nữ như bà.
Năm mới bắt đầu với bố con tôi đã đủ đầy mâm cỗ mồng Một. Đến giờ tôi vẫn không hiểu được bằng cách nào mẹ tôi có thể sẵn sàng mọi thứ. Bà đã đổi được những xấp tiền lì xì mới cứng vào lúc nào? Bà gói từng túi quà để bố đi chúc Tết mồng Hai, mồng Ba… theo thứ tự thời gian rồi vai vế. Mẹ không quên dặn cả nhà một danh sách những người sẽ không gặp mặt được trong ngày Xuân vì lý do kiêng cữ. Người thân nào về quê ăn Tết đều đã có phần quà của bà. Và dĩ nhiên, ngoài bánh chưng, bánh tét, giò chả, nem chua, bánh mứt đặt mua, bà còn tự tay làm lấy các món ăn truyền thống dưa hành, củ kiệu…
Tết sẽ vui hơn nếu mọi thành viên trong nhà, được thảnh thơi bên nhau. (Ảnh: Nam Anh)
|
|
Có mẹ, Tết thật thích! Vậy nên đó luôn là kỷ niệm da diết của anh em tôi khi bà về với đất trời. Nhưng có lẽ, ngày xuân có thể đã vui hơn nữa, nếu hình ảnh mẹ trong mỗi chúng ta ít vất vả đi.
Đến lượt các con tôi háo hức đón Tết với quần áo mới, đồ ăn ngon vào thời buổi “ăn hoài không hết”, mọi người kéo về nhà thật đông, tiệc tùng suốt ngày, nhận thật nhiều tiền lì xì… Thế nhưng, bên cạnh những rộn ràng của ngày Xuân, bằng cách này hay cách khác, gia đình đã khéo léo không để sự tất bật đổ hết lên vai những người phụ nữ trong nhà. Quyết tâm đó xuất hiện khi con gái đầu lòng bước vào mầm non. Giữa mỗi cuộc vui ngày Tết năm đó, bé chỉ muốn được chơi cùng mẹ. Trong sự vòi vĩnh của con, bất giác chúng tôi nhận ra lúc nào mẹ bé cũng phải hối hả chuẩn bị bàn ăn, nấu nướng, phục vụ bàn tiệc, lau dọn. “Con thích Tết lắm, nhưng chả bao giờ được chơi với mẹ” - nghe con tâm sự, tôi nhớ suy nghĩ mình hồi nhỏ: Tết vui, nhưng mẹ lại là người cực nhất!
Một cách nào đó, lo toan, sắm sửa có khi là niềm hạnh phúc với phụ nữ, nhưng cũng đồng nghĩa với việc họ không có thời gian để tận hưởng một mùa Xuân trọn vẹn và ý nghĩa bên gia đình. Phần lớn phụ nữ Việt Nam thường bị áp lực hoặc tự tạo áp lực cho mình trong những ngày Tết. Bởi thế, ngoài chuyện đàn ông phải chia sẻ những bộn bề với phụ nữ, để thật sự trút bỏ được gánh nặng cho những người mẹ, người bà trong gia đình, cần quan niệm về một cái Tết nhẹ nhàng nhưng trọn vẹn.
Tri ân nền văn hóa tổ tiên để lại
Tại sao lại phải đánh đổi “làm cả năm” để “ăn ba ngày Tết” để từ đó sinh ra nhiều thủ tục? Tại sao biếu xén là một gánh nặng thật sự trong khi cả kẻ cho và người nhận đều biết rõ rằng quý mến nhau chân thành mới là điều quan trọng? Tại sao cứ chúc nhau ăn Tết “lớn” để sau đó nợ nần?...
Vô số nguyên nhân khiến Tết trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, nhưng nguyên nhân nào thì người phụ nữ cũng luôn là đối tượng “lao tâm khổ tứ” nhất, từ quan niệm phải quét dọn, lau chùi nhà cửa gọn gàng cho đến các cuộc tụ tập rượu chè ê hề thức ăn, gánh nặng lì xì…
Lena Trần là một cô gái Mỹ gốc Việt mà tôi có dịp gặp gỡ trong cuôc họp mặt cuối năm do Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức. “Tôi là phụ nữ Châu Á và rất tự hào về Tết Nguyên đán”, cô bộc bạch. Đó là thời điểm trong năm, theo Lena, truyền thống và văn hóa làm trung tâm. Thời điểm tất cả các thành viên gia đình hòa làm một. Chúng ta không thể nào cưỡng lại được trước quá nhiều hương vị khác nhau đã tạo nên cái Tết.
Mừng tuổi ông bà và được ông bà mừng tuổi
|
|
Theo Lena, mỗi dịp đầu năm Âm lịch, gia đình cô lại đoàn tụ và cùng ăn bữa cơm giao thừa trong bầu khí vắng lặng nơi xứ người. Tất cả cùng nói lên những suy nghĩ về nhau trong năm cũ và dành những lời chúc tốt đẹp, hy vọng cho năm mới. Không như cảnh trí tất bật ở Việt Nam, Tết nơi đất khách của Lena và gia đình hoá ra lại giúp lắng đọng điều cốt lõi của truyền thống. Cô hoàn toàn đồng ý với tôi, Tết là thời gian để ăn mừng, để tri ân gia đình và tri ân chính nền văn hóa do tổ tiên để lại. Và Tết, còn là thời gian để sẻ chia bổn phận của mỗi thành viên gia đình dành cho nhau, theo cô gái Việt kiều.
Hiện nay, do quá chú trọng vào hình thức, phương tiện đón Xuân mà nhiều nơi đã quên đi ý nghĩa sâu xa của ngày Tết. Yếu tố chủ đạo làm nên mùa Xuân vẫn là những điều giản dị nhất như dành thời gian để thăm hỏi, chúc Tết họ hàng nội ngoại, bạn bè, người thân, mừng tuổi con cháu và thờ cúng tổ tiên. Niềm vui chắc sẽ lớn hơn nếu từng gia đình đều ý thức về việc đón Tết giản dị, không cầu kỳ, không ganh đua… để nhường tất cả không gian và thời gian cho sự đoàn viên của các thành viên gia đình và đặc biệt là để nhìn thấy những người phụ nữ nở nụ cười tươi tắn.
Để Tết không còn là nỗi khổ, hãy nghĩ đến năm mới với chỉ một mong ước: đấy là thời khắc bên nhau. Tết sẽ còn vui hơn nếu chúng ta, mọi thành viên trong nhà, được thật sự thảnh thơi bên nhau. Sự quan tâm dành cho nhau đủ lớn, hoàn toàn có thể giúp cả gia quyến có được trọn vẹn niềm vui. Đừng bỏ lại những người phụ nữ ở phía sau, đang thui thủi trong gian bếp vào những ngày Xuân bằng cách ăn Tết giản dị hẳn là điều không quá khó!
Hy vọng năm cũ qua đi, tinh thần mùa Xuân sẽ truyền cảm hứng thay đổi cách đón Tết theo hướng ngày càng tích cực trong mỗi gia đình Việt.
Nam Anh