Khi không ít người hô hào yêu thương bản thân, tôi tự hỏi, thực chất thì yêu thương bản thân là gì, ngoài việc chăm sóc thể chất, sắc đẹp, nghỉ ngơi, du lịch, cân bằng giữa cuộc sống và công việc…? Tôi phải yêu thương bản thân như thế nào và đến mức nào để dù trong giai đoạn khó khăn hay thất bại, tình yêu đó vẫn luôn sẵn sàng có mặt để tôi có cảm giác được nâng đỡ, ngay cả khi không có một ai ở bên cạnh san sẻ?
Hành trình nuôi dạy con và khủng hoảng ở những năm đầu của tuổi 30 đã giúp tôi tìm thấy câu trả lời.
Tôi vẫn nhớ nỗi cô đơn đến tột cùng khi lần đầu làm mẹ cách đây 5 năm. Nỗi cô đơn của những đêm một mình vác con trên vai sau vài cữ bú đêm để chờ một tiếng ợ sữa. Thằng bé bị trào ngược dạ dày lúc 3 tuần tuổi. Khi ấy, tôi dành 1 năm tròn để chăm con ở nhà ngoại dưới quê, còn chồng thì sống và làm việc ở Sài Gòn.
|
Tác giả và con trai trong một lần tìm đến thiên nhiên |
3 năm sau đó, tôi rơi vào tình trạng kiệt sức và cảm thấy cuộc sống quá ngột ngạt. Vợ chồng cùng làm việc toàn thời gian, thay phiên nhau đưa đón con và không có người thân phụ giúp. Tôi cũng không còn tìm thấy ý nghĩa trong công việc mình làm. Nhiều lần, tôi hoang mang khi nhìn về tương lai. Làm sao để có thể tiếp tục cuộc sống, làm tốt các trách nhiệm dành cho gia đình, sự nghiệp và phát triển bản thân? Tôi nhận thấy mình ngày càng có nhiều suy nghĩ và phản ứng tiêu cực trước mọi vấn đề, kể cả trong việc chăm sóc chồng con. Và tôi lại tự trách bản thân vì đã không thể quán xuyến được mọi việc.
Mùa dịch COVID-19 thứ hai, tôi quyết định nghỉ việc vì sự chán nản và mệt mỏi đã lên đến đỉnh điểm, kèm theo tình trạng rối loạn cảm xúc và lo âu. Nhìn sang con, tôi lại thấy may mắn khi có một cậu bé kháu khỉnh.
Khi không còn vướng bận vì công việc, tôi tập trung vào việc đi tìm nguyên nhân cho những vấn đề của mình. Tôi có khoảng thời gian tĩnh lặng hiếm có cho bản thân sau hơn chục năm ra trường và làm việc. Những quyển sách của Osho - một bậc đạo sư - về triết lý tự do, chuyển hóa nội tâm… đã giúp tôi biết đến một khái niệm mà tôi chưa từng được dạy trước đó: yêu thương chính mình. Những câu hỏi dần được mở ra như: làm sao có thể dành tình thương cho người khác khi tình thương cho chính mình không khác gì một cái lọ rỗng? Tôi có thực sự hiểu mình đủ để thương mình chưa?
Tôi nhận ra mình đã mắc nhiều sai lầm trong tư duy và quan trọng hơn hết là cách đối đãi với chính mình. Tôi mong bản thân phải hoàn hảo, làm hài lòng người xung quanh mà không nhận thấy năng lượng của mình đang dần cạn kiệt. Tôi luôn cố gắng đối xử tử tế với mọi người nhưng lại không ngừng dằn vặt bản thân vì những điều mình còn thiếu sót, kể cả với cảm xúc của chính mình. Trong khi tôi là con người của cảm xúc.
Tôi quyết định thay đổi, trước nhất là học cách chấp nhận chính mình một cách trọn vẹn, trân trọng cả những điểm tốt và chưa tốt. Tôi tìm hiểu và thực hành tỉnh thức, tập quan sát những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực của bản thân để không bị cuốn theo hay chối bỏ chúng. Nhờ đó, tôi biết được khi nào mình cần nghỉ ngơi, bộc lộ cảm xúc hay phải thẳng thắn hơn về những điều mình đang cảm thấy khó chịu trong lòng.
Tiến sĩ tâm lý Kristin Neff (Mỹ) gọi những thực hành như tỉnh thức hay chánh niệm, đón nhận bản thân thay vì chỉ trích và nhìn được điểm chung giữa con người tạo nên trắc ẩn tự thân hay lòng trắc ẩn dành cho chính mình. Các nghiên cứu cho thấy việc thực hành tự trắc ẩn giúp giảm căng thẳng, lo âu, trầm cảm, cải thiện tâm trạng và sự tự tin…
Với trải nghiệm của riêng tôi, trắc ẩn tự thân không khác gì một thứ tình yêu độc lập đến từ bên trong và không chờ đến bất kỳ đối tác nào để nảy nở. Tôi đã biết cách để làm sống dậy tình yêu này bất kỳ lúc nào, đặc biệt là cho những lúc yếu lòng hay trải qua cảm xúc xấu hổ, giận dữ… Điều tôi cần là tập trung vào hơi thở, nhận biết những dòng suy nghĩ, cảm xúc đang sản sinh, tự nhủ rằng mọi thứ rồi cũng sẽ qua và với một tâm thế bình an, tôi tiếp tục hành động.
|
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI |
Sau hơn 2 năm nuôi dưỡng lòng tự trắc ẩn, tôi đã tìm thấy một phiên bản mới của chính mình - tích cực hơn, đam mê phát triển bản thân và hành động nhiều hơn. Mối quan hệ với người thân cũng được cải thiện, vì tôi học được cách để kiểm soát mình tốt hơn. Tôi thấy mình có một nguồn năng lượng tràn đầy và tươi mới, thậm chí là dũng cảm hơn để thực hiện những điều mình mong muốn trước đó, chẳng hạn như theo đuổi công việc sáng tạo nội dung tự do, quay trở lại học tập để đạt được mục tiêu sự nghiệp trong tương lai, tham gia các hoạt động cộng đồng… Tôi có niềm tin rằng mình luôn sẵn sàng để đối mặt với những thử thách ở phía trước.
Tôi cũng vừa tham gia buổi hội thảo trực tuyến về lòng trắc ẩn tự thân của tiến sĩ Kristin Neff. Trong đó có hoạt động tự ôm lấy chính mình để giải phóng oxytocin - hoóc môn tình yêu. Trong khoảnh khắc mắt nhắm để tập trung vào hơi thở và tay đặt lên ngực trái, tôi cảm nhận được sự ấm nóng tỏa ra từ trái tim.
Tôi biết rằng đó là thứ tình yêu mà bản thân luôn xứng đáng - lòng trắc ẩn dành cho chính mình. Cũng trong chính giây phút ấy, lòng tôi trào dâng niềm biết ơn dành cho chính mình vì đã nỗ lực để tìm thấy và trao tặng bản thân một tình yêu độc lập, quý giá. Tôi mong những phụ nữ xung quanh cũng sở hữu điều đó như tôi.
Phương Thy