Cho kinh doanh vỉa hè 'tạm thời, có trật tự'

22/03/2017 - 08:41

PNO - “Về lâu dài, vỉa hè phải dành cho giao thông nhưng trước mắt, 24 quận, huyện phải tính toán, sắp xếp để ổn định cuộc sống người dân, nhất là những người đang mưu sinh trên vỉa hè...", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến...

“Về lâu dài, vỉa hè phải dành cho giao thông nhưng trước mắt, 24 quận, huyện phải tính toán, sắp xếp để ổn định cuộc sống người dân, nhất là những người đang mưu sinh trên vỉa hè, tránh trường hợp con em người nghèo phải bỏ học, thất nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật vì không có kế mưu sinh” -  Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nêu yêu cầu khi bàn về đề án kinh doanh thí điểm trên vỉa hè của quận 1 và quận 4.

Hiện không chỉ quận 1 và quận 4 trình “đề án kinh doanh vỉa hè”, nhiều quận, huyện khác của TP.HCM cũng tính chuyện cho người bán hàng rong trong năm 2017 để người dân có thời gian định hướng và chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp văn minh đô thị. 

Cho kinh doanh via he 'tam thoi, co trat tu'
Các điểm kinh doanh trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5) hiện nay kinh doanh rất ngăn nắp, trật tự


Hộ kinh doanh tự giác trả vỉa hè

Trước khu dân cư Hoàng Hải (huyện Hóc Môn) là một chợ tự phát, các tiệm tạp hóa tự chọn xung quanh chợ được gọi là “siêu thị mini” của nhiều công nhân khu vực này. Các đoạn vỉa hè trước các tiệm tạp hóa bị lấn chiếm cho các mục đích như đậu xe, trưng bày hàng khuyến mãi, bày sản phẩm tiếp thị… dẫn đến tình trạng xô bồ, nhếch nhác, mất trật tự, kẹt xe.

Bà Trần Thị Nhạn sống tại khu vực này phản ánh: “Công nhân đi làm về cứ tấp vô chợ, tiệm tạp hóa mua đồ, xe máy đậu tràn lan từ vỉa hè xuống lòng đường nên chiều nào khu vực này cũng kẹt xe hàng giờ”.

Tuy nhiên, hiện khu vực này đang dần có diện mạo mới. Các sạp hàng hóa tạm bợ hai bên đường trước kia đã được một số người kinh doanh (KD) tự tháo dỡ, trả lại không gian thoáng đãng. Đặc biệt, các chủ “siêu thị mini” nơi đây tự động dẹp gọn hàng hóa, bố trí chỗ đậu xe hợp lý cho khách mua hàng.

Điển hình như cửa hàng Tuấn Tú (43/10T Phan Văn Đối, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đã thu ngắn diện tích KD để trả lại vỉa hè, đóng cửa chính của tiệm ngay mặt tiền đường Phan Văn Đối để mở bán ở cửa sau. 

Vỉa hè đường Thành Thái (Q.10) trước đây bị các hộ KD chiếm dụng để trưng bày chậu, đất, phân bón, tượng đá, cây kiểng, bể cá... Khoảng nửa tháng trở lại đây, hàng loạt công ty, chủ cửa hàng trên đường này như Thanh Tuyền, Gia Bảo, Song Tâm, Lâm Trúc, Thảo Viên, Tre Vàng… thuê thợ đến sửa chữa sao cho các mái hiên, hàng rào, bảng quảng cáo thụt vào trong khuôn viên đơn vị mình, không doi ra vỉa hè.

Cho kinh doanh via he 'tam thoi, co trat tu'
 

Hiện toàn bộ vỉa hè nơi đây đã được trả lại cho người đi đường. Các tiệm photocopy hay quán trà sữa bình dân trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5) cũng đều thuê vài nhân viên bảo vệ để sắp xếp xe cho khách, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Trước đây, các điểm KD trên đường Bà Hạt thuộc khuôn viên chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) luôn bày biện quần áo, nón, vớ, bao tay lấn ra vỉa hè, xô bồ bán mua thì nay, việc KD tại đây rất ngăn nắp, quần áo được treo rất gọn, đúng trong phạm vi KD của sạp. Chủ một sạp quần áo nói: “Chúng tôi phải treo chồng quần áo lên nhau cho gọn. Khách đến mua, chúng tôi chịu khó lấy từng cái ra cho khách xem”.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trân - Phó trưởng ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương cho biết, ban quản lý chợ luôn theo dõi, nhắc nhở, động viên các tiểu thương KD tại các mặt tiền đường của chợ phải KD gọn gàng, sạch sẽ, không được chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường. Đến nay, các điểm KD chấp hành rất tốt. 

Người bán hàng rong cũng không muốn “rong”

Việc chấp hành chủ trương ”trả lại vỉa hè” còn lan tỏa đến những người bán hàng rong. Từ xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào TP.HCM mưu sinh, bà Trần Thị Phương tần tảo nuôi hai đứa con ăn học bằng gánh bánh tráng trộn từ trưa đến chiều trên lề đường Nguyễn Văn Cừ (Q.1), sau đó gánh bộ đến công viên 23/9 ngồi bán đến 2 giờ sáng. 

Nửa tháng trước, nghe nói nhà nước không cho bán ngoài vỉa hè, bà rầu thúi ruột, nghĩ đến chuyện giải nghệ, đi vay tiền cho con ăn học. Mới đây, nghe nói Q.1 thành lập các khu ẩm thực dành cho người bán hàng rong, bà mừng lắm. “Tui ủng hộ hết mình. Có chỗ buôn bán ổn định vẫn hơn buôn bán vạ vật ngoài đường” - bà Phương nói. 

Cho kinh doanh via he 'tam thoi, co trat tu'
 

Do xung quanh có nhiều trường đại học nên đường Nguyễn Văn Cừ (giáp Q.1 và Q.5) tập trung rất đông các xe đẩy bán cơm, nước sâm, nước mía, bún, bánh tráng trộn… Cứ tầm 14 giờ đến 12 giờ khuya, con đường này luôn trong tình trạng nhếch nhác, mất trật tự, đầy rác thải. Từ lòng đường đến vỉa hè đều bị lấn chiếm. Hễ có lực lượng chức năng từ Q.1 xuống kiểm tra thì các gánh hàng rong này bất chấp dòng xe tấp nập, lao thẳng sang Q.5 và ngược lại.

Không ít trường hợp đã gây tai nạn. Tuy nhiên, mới đây, có dịp trở lại con đường này, chúng tôi rất ngạc nhiên vì hàng rong nơi đây KD rất ngăn nắp, sạch sẽ. Khi được hỏi có đồng ý dời vào các khu chợ ẩm thực để bán không, đa số người bán hàng rong đều đồng tình. 

Thu thuế, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1 cho biết, trong quý II/2017, quận sẽ lập hai khu ẩm thực theo giờ cho người bán hàng rong trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và bên trong công viên Bách Tùng Diệp.

Theo đó, vỉa hè rộng gần 6m của đường Nguyễn Văn Chiêm sẽ bố trí khoảng 20 hộ chuyên bán hàng ăn uống đã chế biến sẵn ở nhà phục vụ cho giới văn phòng, có thể có bàn ghế hoặc không, bán trong hai buổi, sáng từ 6 - 9g và trưa từ 11g - 13g. Vật dụng buôn bán của người dân sẽ gửi tại công trường đối diện, giúp hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông. Tại công viên Bách Tùng Diệp, quận sẽ bố trí cho khoảng 15 hộ KD với hình thức tương tự. 

Theo ông Thuận, ngoài tính chuyện thu phí, thuế theo quy định đối với các hộ buôn bán hàng rong, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được chú trọng. Quận sẽ lập một tổ giám sát thường xuyên theo dõi, tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe cho người bán, sử dụng que test nhanh để kiểm tra thực phẩm, hỗ trợ các hộ buôn bán liên kết với các công ty như Vissan, Cholimex để lấy nguồn hàng có nguồn gốc rõ ràng. 

Cho kinh doanh via he 'tam thoi, co trat tu'
 

Tại Q.4, ông Trần Hoàng Quân, chủ tịch UBND quận này cho biết, sẽ tận dụng 2.000m2 đất công chưa có công trình trên đường Vĩnh Khánh để làm chỗ buôn bán cho các hộ dân đang KD lấn chiếm lòng lề đường.

Tuyến đường này là phố ốc nổi tiếng của Q.4, dài 1,5km nhưng có đến 150 hộ lấn chiếm lòng lề đường buôn bán, gây mất an toàn giao thông. Ngoài điểm này, hai tuyến đường khác có lề đường rất rộng là Lê Quốc Hưng và Lê Văn Linh (xung quanh khu vực chợ Xóm Chiếu) cũng sẽ được lập đề án cụ thể, bố trí cho các hộ dân “mua bán có kiểm soát”.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp cho biết, khác với ở các quận trung tâm TP, các hộ bán hàng rong trên địa bàn quận chủ yếu sử dụng xe đẩy, xe ba bánh, hoặc trải tấm bạt ngồi trước mặt tiền nhà dân. Trước mắt, quận sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp dùng xe thô sơ lấn chiếm lòng đường; riêng với các trường hợp ngồi trước mặt tiền nhà dân buôn bán mà mặt tiền có vỉa hè rộng, quận cho kẻ vạch sơn và buộc chủ nhà phải có trách nhiệm giám sát, nhắc nhở nhằm đưa việc buôn bán vào trật tự.

“Chúng tôi sẽ tham khảo mô hình thí điểm của Q.1 và Q.4 để xem xét có nên lập khu phố ẩm thực theo giờ cho người bán hàng rong hay không, bởi nếu lập thì liệu có chấm dứt được hay sẽ phát sinh thêm điểm buôn bán rong mới?” -  ông Nghĩa đặt vấn đề.  

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, ở các nước khác, quy chuẩn cho vỉa hè rất rõ ràng, như vỉa hè phải có khoảng đệm bao nhiêu mét từ tim ra đến lòng đường dùng để trồng cây xanh, trụ điện, công trình phụ trợ… Quy hoạch KD vỉa hè của họ cũng rất bài bản, khu vực nào được buôn bán và buôn bán những gì, quán nước hay quán ăn đều rõ ràng.

Việc buôn bán được chính quyền thu thuế, phí và quản lý trong trật tự. Ở nước ta, quy chuẩn và quy hoạch vỉa hè hoàn toàn chưa có, nên việc lập khu phố ẩm thực theo giờ tại Q.1, Q.4 mang ý nghĩa tạo đặc trưng ẩm thực cho khu vực hơn là giải quyết tình trạng buôn bán hàng rong.

“Thực tế, hàng rong là những gánh hàng không cố định, tôi nghĩ nên sắp xếp đưa vào các hẻm lớn gần khu vực họ đang buôn bán để giải quyết bài toán mưu sinh. Về lâu dài, UBND TP.HCM phải mời các sở, ngành và chuyên gia lập bản đồ quy hoạch đường phố, quy hoạch vỉa hè cho chuẩn rồi trên cơ sở đó mới phát triển các đề án KD” - tiến sĩ Sanh đề xuất. 

Thu Hồng - Thanh Hoa

Mời gọi, ưu tiên sắp xếp “hàng rong có thương hiệu”

Bàn về đề án kinh doanh vỉa hè của quận 1 và quận 4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, đề án thí điểm kinh doanh trên vỉa hè giúp bà con có nơi kinh doanh, ổn định cuộc sống và phục vụ nhu cầu có thật của xã hội, và chỉ thí điểm trong giai đoạn ngắn, về lâu dài vẫn phải đảm bảo tiêu chí “vỉa hè phải dành cho giao thông”.

Trong quá trình thực hiện thí điểm, địa phương cần tìm hiểu, bố trí hài hòa, thể hiện sự đa dạng, phong phú trong khu ẩm thực, bởi thực tế, có nhiều quán ăn vỉa hè rất nổi tiếng, ngon và vệ sinh, thu hút nhiều người dân và khách du lịch đến ăn. Không nhất thiết cứ người nghèo là chọn hết, mà nên ưu tiên, mời gọi các hàng quán vỉa hè có thương hiệu này. 

Bên cạnh việc tạm ổn định nơi buôn bán cho người dân, ông Tuyến yêu cầu các quận, huyện cũng hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI