Chỗ dựa tinh thần của những học sinh sống xa cha mẹ

25/04/2022 - 06:12

PNO - Ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, có gần 300 học sinh phải sống với ông bà do cha mẹ bận làm ăn ở xa. Các thầy cô giáo đã tìm mọi cách để bù đắp phần nào sự thiếu hụt tình cảm cho những học sinh này.

25% học sinh sống xa cha mẹ

Vợ chồng ông Trần Niên - ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường - hay buồn phiền vì đứa cháu nội là Trần Văn V. học hành yếu kém do thiếu tình thương yêu của cha mẹ từ lúc một tuổi. Nhưng ông bà không thể kèm cặp cho cháu bởi ngày xưa, ông bà cũng không được học hành nhiều. Ông bèn đến nhờ thầy cô giáo giúp đỡ để học lực của cháu theo kịp bạn bè. 

Lãnh đạo Trường THCS Phổ Cường và nhà hảo tâm trao quà cho học sinh khó khăn - ẢNH: MẠNH TÙNG
Lãnh đạo Trường THCS Phổ Cường và nhà hảo tâm trao quà cho học sinh khó khăn - Ảnh: Mạnh Tùng

“Vợ chồng tôi luôn nhắc nhở và tạo điều kiện cho cháu học. Vừa rồi do dịch, không thể đến trường, tôi dùng tiền dành dụm mua cho cháu cái iPad hơn 9 triệu đồng để cháu học trực tuyến. Tôi động viên, khuyến khích dữ lắm nhưng cháu vẫn học hành thua sút bạn bè” - ông Niên tâm sự.

Ở Trường THCS Phổ Cường, ngoài V., còn trên 100 học sinh có cha mẹ mưu sinh ở phương xa, chiếm hơn 25% sĩ số. Đơn cử như lớp 6A2 do cô Lê Thị Của làm chủ nhiệm, 15 học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa. Sau những phút cười đùa, nhiều em không thể giấu được nỗi buồn khi thấy bạn mình được cha mẹ đón đưa. 

Ở với ông bà, thiếu sự chăm sóc, bảo ban của cha mẹ nên nhiều em chểnh mảng việc học hành. Cô Của và các giáo viên bộ môn đã chỉ dẫn tận tình, nhẹ nhàng khuyên bảo để các em ngày càng tiến bộ. Với số tiền quỹ lớp ít ỏi, cô mua những phần quà nhỏ trao tặng khi các em hăng hái phát biểu trong giờ học nhằm khuyến khích, động viên.

“Có vài em mê chơi trò chơi điện tử. Tôi luôn khuyên bảo rằng, cha mẹ phải vất vả làm ăn ở xa để kiếm tiền cho con ăn học nên con phải cố gắng học thật giỏi. Vào giờ sinh hoạt lớp, tôi nêu các tấm gương học giỏi để các em noi theo” - cô tâm sự.

Nhiều năm làm chủ nhiệm lớp, thầy Đinh Văn Lạc luôn theo sát những học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa. Nghe đồn một học sinh của mình sắp bỏ học, thầy thường xuyên chuyện trò, động viên em tiếp tục đến trường và gặp gỡ ông bà để hiểu thêm gia cảnh. Hiểu tấm lòng của thầy, học sinh này tiếp tục đến lớp và hiện đang học lớp Chín với thành tích học sinh tiên tiến. 

Thầy tâm sự: “Với những em có cha mẹ đi làm ăn xa, mình phải luôn quan tâm, giúp đỡ để các em tiến bộ. Với những em lơ là việc học, mình và các giáo viên khác nhẹ nhàng khuyên bảo để các em thấy được sự quan tâm, từ đó phấn đấu vươn lên trong học tập”.

Ông Phạm Văn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Cường - cho biết nhà trường thành lập tổ tư vấn tâm lý gồm 25 thành viên, trong đó có một giáo viên được tập huấn kỹ năng tư vấn tâm lý học đường. Thời gian qua, tổ đã tư vấn tâm lý cho học sinh, nhất là những em có cha mẹ đi làm ăn xa, thiếu thốn tình cảm gia đình, giúp các em thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Thầy cô là điểm tựa

Mùng Ba tết, học sinh cũ tề tựu về nhà thầy Nguyễn Mạnh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Cường. Nhiều người đậu ô tô bên lề đường lớn rồi cuốc bộ vào căn nhà đơn sơ nằm cạnh cánh đồng lúa. Thầy trò gặp nhau, vui vẻ nói cười, nhắc lại kỷ niệm cũ. “Tôi dạy học được 29 năm, trong đó có 25 năm dạy ở trường này nên có nhiều học sinh cũ. Nhiều em học lên trung học phổ thông, đại học rồi làm ăn thành đạt” -  thầy kể. 

Trong các học sinh của thầy Tùng, có một người theo nghiệp binh, đã vinh dự nhận Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì và hạng Ba, khiến thầy rất tự hào, xúc động. Hơn 20 năm trước, người học trò này có hoàn cảnh hết sức khó khăn: cha đi làm ăn xa, mẹ bị bệnh nặng. Em không có tiền đóng góp khi nhà trường tổ chức cắm trại. Hiểu được hoàn cảnh, thầy Tùng đã đóng tiền và động viên em dự hội trại cùng các bạn chung lớp. Thầy thường chở trò này về nhà mình ăn cơm rồi chở đến trường, động viên em học tập. Điều ấy tiếp thêm nghị lực, giúp trò học hết trung học phổ thông, thi đậu vào trường sĩ quan chính trị - quân sự của tỉnh. Khi nhận được Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba và hạng Nhì, trò đã mang về tặng thầy để tỏ lòng biết ơn người đã dìu dắt, giúp đỡ mình thời niên thiếu. 

Thầy Tùng xúc động đón nhận tấm lòng của người học trò cũ, treo huy chương ở nơi trang trọng trong căn nhà nhỏ. Thầy tâm sự: “Nếu không có sự gần gũi, động viên kịp thời thì biết đâu ngày đó, em đã nghỉ học hoặc không có động lực để phấn đấu thi đậu vào trường sĩ quan. Thế nên, tôi luôn nhắc nhở các giáo viên thường xuyên sâu sát, động viên học trò”. 

Một xã, gần 300 trẻ có cha mẹ ly hương

Thượng úy Trương Ngọc Quang - Trưởng Công an xã Phổ Cường - cho biết xã có gần 300 học sinh sống với ông bà lớn tuổi do cha mẹ đi làm ăn xa. Cho đến nay, công an xã chưa ghi nhận tình trạng học sinh có cha mẹ làm ăn xa hư hỏng, cần phải nhắc nhở.

 

Cô Phan Thị Bích Ngọc có 24 năm dạy học và giáo viên chủ nhiệm lớp. “Học trò cưng” của cô là các em sống với ông bà do cha mẹ đi làm ăn xa hoặc cha mẹ ly hôn. Cô dành sự quan tâm hết mực đối với những học sinh thiếu tình thương của cha mẹ và học sinh cá biệt. Nhờ đó, các em chăm chỉ học hành, sau này thành đạt trong cuộc sống. Nhiều học sinh cũ quay lại thăm thầy cô, giúp đỡ nhà trường sắm sửa trang thiết bị dạy học và trao quà cho những em có hoàn cảnh khó khăn. 

“Tôi được sinh ra, lớn lên và dạy học ở đây nên hiểu rõ hoàn cảnh của người dân quê mình. Nhiều người có gia cảnh khó khăn, phải đi làm ăn xa, để con cái lại cho cha mẹ già nuôi dưỡng. Nhiều cặp vợ chồng ly hôn khiến con trẻ không có được tình thương yêu trọn vẹn của cha mẹ. Những học sinh ở vào hoàn cảnh như thế dễ bị tổn thương tâm lý nên mình phải khéo léo khuyên nhủ để giúp các em có suy nghĩ và hành động tích cực” - cô Bích Ngọc bộc bạch. 

Đại tá - phó giáo sư -tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học:

Đừng để trẻ sa ngã vì thiếu sự quan tâm 

Đối với trẻ chưa thành niên, ở giai đoạn từ 11 đến 18 tuổi rất cần sự quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ định hướng về cả vật chất, tinh thần lẫn giáo dục. Ở giai đoạn này, trẻ gặp biến động rất lớn về tâm lý, nhận thức và hành vi do đó dễ bị tác động bởi những nhận thức tiêu cực, hành vi tiêu cực và dễ nổi loạn.

Ở một số vùng, có tình trạng người thân vì mưu sinh hoặc những lý do cá nhân nào đó mà phải xa con cái, giao chúng cho người thân như ông bà, cô dì, chú bác… chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Những người này có thể rất có trách nhiệm với đứa trẻ nhưng chắc chắn sẽ không bằng cha mẹ.

Ngoài ra, về mặt sự gắn bó, uy tín, niềm tin đối với đứa trẻ thì những người này sẽ không bằng cha mẹ ruột. Do đó, việc không được gắn bó với cha mẹ trong một thời gian dài là một nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến nhận thức, nhân cách, hành vi của trẻ theo hướng tiêu cực.

Trẻ thiếu sự quan tâm thường có tỷ lệ sa ngã rất cao. Cách đây không lâu, chúng tôi có làm một nghiên cứu về hình mẫu gia đình tác động đến những đứa trẻ ở trường giáo dưỡng (cơ sở giáo dục bắt buộc). Nghiên cứu này chỉ ra, những đứa trẻ thiếu sự quan tâm của gia đình, gia đình ly tán, đổ vỡ do cha mẹ ly hôn có tỷ lệ vi phạm pháp luật, thậm chí là phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng rất cao… Có em cố tình gây ra các hành vi phạm tội chỉ để cha mẹ quan tâm đến mình hơn. Theo tôi, đây là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình và cả xã hội.

Đôi khi, vì miếng cơm manh áo mà ta xem nhẹ chuyện giáo dục con cái để rồi phải ân hận. 

Mưu sinh là quan trọng, nhưng đừng vì như thế mà chúng ta buông bỏ, để mất tương lai của đứa trẻ. Bởi suy cho cùng, cha mẹ lo vấn đế mưu sinh cũng vì để cho con mình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước áp lực mưu sinh, cũng cần nghĩ đến cách tốt nhất để có thể chăm sóc, quản lý con em mình, đừng để các cháu rơi vào tình trạng không ai quản lý hoặc quản lý lỏng lẻo. Đồng tiền làm ra không có nghĩa lý gì khi ta để con cái sa ngã. Các cơ quan chức năng ở các địa phương có tỷ lệ người ly hương cao cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Sơn Vinh (ghi)


Minh Kỳ
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI