Chỗ dựa

01/08/2014 - 17:05

PNO - PN - Tôi đến nhà bà (hẻm 141 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM) khi cơn mưa vừa tạnh. Ngôi nhà chật chội, vỏn vẹn 18m2 nhưng có gần 20 người sinh sống. Trong nhà, Quỳnh - con gái bà đang nằm co ro ôm hai đứa con nhỏ. Một mình bà loay hoay bê những...

edf40wrjww2tblPage:Content

Năm 16 tuổi, bà Phan Thị Mỹ Vân tham gia thanh niên xung phong gần hai năm ở chiến trường Campuchia. Trở về, bà nên duyên với một người bạn cũ. Một năm sau, đứa con trai đầu lòng chào đời. Cùng với niềm vui chào đón thành viên mới là nỗi đau khôn nguôi trong lòng người mẹ khi đứa con trai ra đời với hình hài co quắp. Sau đó, thêm một lần nữa người mẹ trẻ khóc hết nước mắt, vì thằng út chẳng khác gì anh nó. Bà ngậm ngùi: “Trước đây mẹ tôi làm giao liên ở Đồng Tháp, bà bị nhiễm chất độc da cam, sinh một bầy con chín người thì hết bốn người bị bại não. Con tôi có lẽ cũng ảnh hưởng từ chất độc ấy. Căn nhà này ba mẹ tôi để lại, mấy chị em con cháu sống chung đến nay. Ai cũng nghèo nên đâu có tiền ra riêng, sáng đi làm, tối lại về chen chúc nhau”. May mắn vẫn còn niềm an ủi cho bà là Quỳnh, đứa con gái duy nhất được lành lặn.

Sau khi từ mặt trận Campuchia trở về bà xin được chuyển ngành, sang làm bảo vệ ở Bộ Cơ khí và luyện kim. Ba năm sau, bà được đơn vị phân công làm quản lý nhà bếp rồi thủ kho xăng dầu. Nhưng đến khi sinh con trai út bệnh tật, rồi người con trai đầu sức khỏe ngày càng kém cần có người bên cạnh nâng đỡ, bà đành phải từ bỏ công việc ở nhà chăm con. Nói là ở nhà nhưng hàng ngày bà phải tranh thủ làm thuê các công việc lặt vặt như bưng bê, rửa ly ở quán cà phê vỉa hè, rồi lau nhà, giặt đồ thuê, rảnh rỗi thì đi lượm ve chai. Bà cười buồn: “Ai thuê làm gì thì làm nấy, tuy vất vả nhưng có thể chạy đi chạy lại trông chừng tụi nhỏ”. Nhưng rồi thu nhập từ công việc lặt vặt đó lại trở thành nguồn thu nhập chính cho mấy mẹ con bà khi người chồng thờ ơ, bỏ mặc. Bà oằn vai chăm lo cho các con, ông thì sáng say chiều xỉn chẳng đoái hoài tới. Đến một ngày ông bỏ đi, để lại một mình bà gồng gánh nuôi con, khi ấy bà 30 tuổi.

Cho dua

Bà Vân và cháu ngoại

Chồng bỏ đi không bao lâu thì hai đứa con trai qua đời, bà bồng bế Quỳnh trở về nhà mẹ ruột tá túc. Vất vả cơ cực bà không quản ngại, chỉ mong bù đắp được cho con gái để cuộc đời nó không khổ như bà. Bà bùi ngùi: “Hồi đó nghĩ cuộc đời mình như vậy là hết, chỉ hy vọng vào con Quỳnh. Cố gắng lo cho nó, hy vọng tương lai của nó khá hơn, đến khi mình bóng xế tuổi già còn có nơi nương tựa. Ai ngờ đời nó còn khổ hơn mình”.

18 tuổi Quỳnh lặng lẽ theo chồng mà không rượu hồng xe hoa đón rước, cả hai bên đều nghèo chẳng đủ tiền để làm một lễ cưới. 11 năm sau, Quỳnh trở thành bà mẹ của sáu đứa con (một đứa mất vì bại não). Rồi vợ chồng lục đục, Quỳnh trở về nhà mẹ với bầy con nheo nhóc. Con của Quỳnh, đứa lớn mười tuổi, đứa nhỏ mới được vài ba tháng tuổi, Quỳnh lại nay ốm mai đau. Thêm một lần nữa gánh nặng đè lên đôi vai của bà. Thương con thương cháu, bà đành gạt nước mắt gắng gượng đứng lên làm chỗ dựa cho con.

Từ ngày mấy mẹ con Quỳnh về sống chung, bà lại phải vất vả sớm hôm chạy lo từng bữa ăn, cái mặc cho tụi nhỏ. Gần ba năm qua, chồng Quỳnh chỉ thỉnh thoảng đến thăm con rồi lại đi, nghề phụ hồ thu nhập thất thường nên anh cũng chẳng dư dả để phụ vợ nuôi con. Tình cảm vợ chồng phai nhạt, chẳng thể hàn gắn. Giọng bà cay đắng: “Con dại cái mang, muốn trách cũng chẳng trách được, thôi thì duyên phận của tụi nó”.

Hàng ngày Quỳnh bế đứa nhỏ đi bán vé số, hai đứa lớn đi bán phụ mẹ. Còn hai đứa kế thì ở nhà, bà đi lượm ve chai, giúp việc nhà loanh quanh, chốc chốc chạy về trông cháu. Nhà chật người đông, đêm không đủ chỗ ngủ, mấy mẹ con bà cháu lại dắt díu nhau ra vỉa hè nằm ngủ. Hôm nào trời mưa thì cố chen chúc nhau trong căn phòng chật hẹp. Ước mơ một ngày tuổi già được nương tựa vào con gái của bà đã trở thành xa vời. Đổi lại giờ đây, bà lại là chỗ dựa tinh thần, vật chất cho mấy mẹ con Quỳnh nương náu.

Hôm qua cơn đau khớp kéo đến, đau nhức suốt đêm nhưng sáng nay bà vẫn cố dậy sớm đi nhặt ve chai rồi về ghé ngang chợ mua miếng thịt nấu cho con gái tô cháo. Hỏi bà bao nhiêu tuổi, bà cứ lẩm bẩm rồi xua tay: “Tôi cũng không nhớ rõ, hình như 60 hay 61 gì đó. Nhiêu tuổi cũng kệ cô à! Miễn sao ông trời cho tôi khỏe là được rồi, tôi chỉ mong mình khỏe mạnh để kiếm tiền phụ con Quỳnh lo cho mấy đứa nhỏ. Đừng để cuộc đời tụi nó như mẹ nó, như tôi”.

 NHƯ PHONG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI