Chờ đủ tuổi để chích vắc-xin dịch vụ?

22/07/2013 - 20:03

PNO - PN - Trong lúc vắc-xin Quinvaxem chưa được chích trở lại vì xảy ra nhiều sự cố sau tiêm thì ngày 20/7, ba trẻ sơ sinh tại Quảng Trị đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B (gọi tắt viêm gan B). Cả hai loại vắc-xin này đều...

Tại TP.HCM sáng 21/7, khu chích ngừa vắc-xin của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 và một số phòng khám tư nhân đóng cửa thì tại BV Từ Dũ, Viện Pasteur, BV Q.Thủ Đức... có rất nhiều phụ huynh chờ để được chích vắc-xin cho con. Tại quầy tiếp nhận chích vắc-xin, BV Từ Dũ, anh N.V.T. (31 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) phân vân: “Con em mới sinh tối hôm qua. Nghe nói trong 24 giờ đầu sau sinh phải chích vắc-xin ngừa viêm gan B. Em muốn thay thế bằng vắc-xin dịch vụ có được không?”.

Vừa nghe anh T. hỏi, bác sĩ liền nói: “Có phải anh mới nghe thông tin ba trẻ sơ sinh ở Quảng Trị bị tử vong sau khi chích vắc-xin viêm gan B phải không? Anh cứ yên tâm. BV vẫn chích bình thường, không sao đâu. Hiện tại, BV chưa nhận được chỉ đạo nào của ngành y tế về việc ngừng chích vắc-xin ngừa viêm gan B nên vẫn chích miễn phí. Nếu anh không cho bé chích mũi đầu tiên trong 24 giờ sau sinh bằng nguồn thuốc quốc gia thì không còn loại nào thay thế. Còn vắc-xin dịch vụ chỉ có loại cho bé từ hai tháng tuổi trở lên, dạng phối hợp ngừa cùng lúc nhiều bệnh. Lúc đó, anh có thể chích vắc-xin “6 trong 1” Infanrix-hexa có giá 624.000đ, giá vắc-xin này tại Viện Pasteur là 680.000đ, chích cho trẻ vào lúc hai-ba-bốn tháng tuổi”.

Cho du tuoi de chich vac-xin dich vu?

Chích vắc-xin cho trẻ tại  BV Nhi Đồng 2 TP.HCM

Tại khoa sản BV Q.Thủ Đức, nhiều sản phụ không khỏi lo lắng trước thông tin ba trẻ tử vong sau chích ngừa vắc-xin viêm gan B. Sản phụ N.T.T.P. vừa sinh bé gái cho biết, chị vẫn chọn cho con chích ngừa vắc-xin viêm gan B theo CTTCMR. Cầm tờ báo có thông tin ba trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi chích ngừa, chị P. băn khoăn: “Làm cha mẹ, ai cũng lo lắng khi đọc tin này”. Theo thống kê của BV Q.Thủ Đức, mỗi ngày có hơn 10 trẻ sơ sinh được chích vắc-xin viêm gan B. Các trẻ mới vừa được chích vắc-xin viêm gan B hôm 20-21/7 vẫn không có biểu hiện khác thường. Trên thị trường hiện có hai loại vắc-xin dịch vụ có thể thay thế vắc-xin viêm gan B là Engerix B (giá 80.000đ/liều) và Twinrix AB 460.000đ/liều nhưng hầu hết phụ huynh ở các BV Q.8, BV Hùng Vương... vẫn sử dụng vắc-xin viêm gan B của CTTCMR.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết: Thời gian qua, TP.HCM vẫn cung cấp vắc-xin viêm gan B liều đơn để các BV có khoa sản tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ. Hiện nay, việc chủng ngừa cho trẻ sơ sinh tại TP.HCM vẫn chưa có gì thay đổi và đang chờ ý kiến của đơn vị cấp trên.

Cho du tuoi de chich vac-xin dich vu?

Chích vắc-xin cho trẻ tại BV Nhi Đồng 2

Ngay khi xảy ra ba ca tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B tại Quảng Trị, bà Nguyễn Minh Hằng, Cục phó Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ đạo đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Viện Pasteur Nha Trang, CTTCMR quốc gia đến huyện Hướng Hóa tìm hiểu nguyên nhân tai biến sau tiêm vắc-xin.

Nhiều bác sĩ băn khoăn: Trước đây, những vụ tai biến liên quan đến vắc-xin thường xảy ra lẻ tẻ, các ca thường nằm rải rác ở các địa phương. Tuy nhiên, ở trường hợp của BV đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lại xảy ra ba ca tử vong trong cùng một lúc. Đây là chuyện bất thường, khả năng do cơ địa của trẻ là khó có thể xảy ra. Đặc biệt, hiếm khi vắc-xin ngừa viêm gan B (dạng liều đơn) gây ra tác dụng phụ. Ngoài chuyện xem xét quy trình chủng ngừa thì đoàn kiểm tra nên xem xét có hay không trường hợp người chích lấy nhầm thuốc? Thực tế, các khoa sản thường sử dụng một loại thuốc có hoạt chất oxytoxin (dạng giống vắc-xin), chích cho sản phụ sau sinh, tăng co bóp tử cung. Loại thuốc này thường được một số cơ sở y tế bảo quản chung với các loại vắc-xin, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa”.

 Tiến Đạt - Trường Sa

Khả năng vắc- xin bị “đổ lỗi” rất cao

Theo phân tích của một cán bộ thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (CTTCMRQG), khả năng vắc-xin đang bị “hàm oan” rất cao.

Tất cả các lô vắc-xin đưa vào CTTCMRQG đều được Viện Kiểm định vắc-xin sinh phẩm Quốc gia kiểm tra, cho phép sử dụng. Mặt khác, vắc-xin được sử dụng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa thuộc lô vắc-xin đã được sử dụng trước đó nhiều liều và cấp cho nhiều địa phương, không thấy xảy ra phản ứng gì. Vắc-xin viêm gan B này đã cung cấp cho CTTCMRQG nhiều năm, từ lúc triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B trên toàn quốc năm 2002 đến nay. Mỗi lô xuất xưởng đều được kiểm định rồi mới đưa vào sử dụng. Việc bảo quản vắc-xin không đúng cách, cụ thể là làm đông băng vắc-xin thì sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ phản ứng tại chỗ tiêm, không ảnh hưởng gì đến khả năng sốc phản vệ.

Trong khoa sản thường có một số thuốc tiêm cho sản phụ như oxytoxin hoặc thuốc điều trị bệnh khác như insuline... cần phải bảo quản lạnh nhiệt độ từ 2-8oC. Nếu cán bộ y tế không tuân thủ theo hướng dẫn của CTTCMR là bảo quản thuốc và vắc-xin riêng biệt thì khả năng lấy nhầm thuốc có thể xảy ra. Câu chuyện xảy ra năm 1997 tại Yemen đã đưa vào y văn quốc tế việc tiêm nhầm này, cán bộ y tế tiêm insuline cho 70 trẻ thay vì tiêm vắc xin và cuối cùng đã có 21 trẻ tử vong.

Khi phản ứng sau tiêm xảy ra, rất khó xác định được nguyên nhân, vì các chứng cứ thu được chỉ là những gì đoàn điều tra thấy, các thông tin thật sự để tìm ra nguyên nhân đã mất dần theo thời gian. Trong trường hợp này trẻ được giải phẫu tử thi thì có hy vọng tìm ra được vấn đề, thuốc nào đã được tiêm cho bé.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI