Nhìn dòng kênh xanh, ít ai biết những nhọc nhằn của công nhân khi mỗi ngày phải vớt hơn 10 tấn rác trên hai dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm.
|
Công nhân vớt rác trên kênh |
Kênh xanh, nhưng ý thức “chưa xanh”
“Những cơn mưa lớn liên tục nhiều ngày nay khiến lượng rác đổ ra kênh tăng gấp đôi so với ngày thường, trung bình đến 10-12 tấn/ngày so với 7,5-8 tấn những ngày thường. Các anh em trong đội phải ở lại làm thêm để dọn sạch rác trên hai con kênh và 500m đoạn rạch Xuyên Tâm”, ông Phạm Ngọc Hải - Đội trưởng Đội vớt rác trên kênh thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM chia sẻ.
Toàn đội có 50 công nhân, trong đó 42 người trực tiếp tham gia vớt rác kênh. Đúng 6h sáng, anh em có mặt tại điểm tập kết là bến ca nô đối diện Câu lạc bộ thể thao Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận) chuẩn bị dụng cụ, kiểm tra phương tiện kỹ lưỡng rồi chia làm hai hướng bắt đầu “tác chiến”.
Chúng tôi theo anh em của đội lên ca nô đi dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - đoạn kênh dài khoảng 8,5km với lượng rác gom về khoảng 8 tấn/ngày. Dụng cụ vớt rác là chiếc vợt được một công nhân cầm sẵn. Ca nô chạy chầm chậm, chốc chốc dừng lại để vớt rác cho vào thùng. Rác đủ loại, nào bao ni-lông, hộp nhựa, xác cá chết, cành cây, thậm chí cả tấm nệm, cái ghế hư cũng được tống xuống kênh.
Công nhân Nguyễn Văn Phước buồn bã nói: “Người ta có thể quăng bất cứ thứ gì xuống kênh, có khi là bao rác bên trong có cả một con mèo còn sống, tụi em cứu nó mang về nuôi; có hôm là xác chuột chết, chó chết hay cả một tấm nệm to, cái ghế hư. Chưa kể, ý thức một vài người còn kém lắm, công nhân vừa vớt sạch rác, đứng trên bờ họ lại quăng bao rác xuống, mình đến nhắc nhở, họ còn lớn tiếng thách thức”.
Chưa đầy 30 phút, thùng rác 500L trên ca nô đã đầy, bốc mùi hôi thối. Trời nắng gắt, gương mặt ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, chúng tôi quay trở về điểm tập kết để đổ hết lượng rác vừa thu được. Ăn vội bữa cơm, anh Diệp Văn Tâm (Q.12) - người gắn bó với đội ngay từ khi mới thành lập (năm 2012) cho biết: “Hôm nay rác nhiều vì cơn mưa lớn vừa trút xuống đêm qua. Ăn cơm xong anh em tranh thủ nghỉ nửa tiếng rồi lên ca nô đi tiếp, nếu không sẽ không vớt hết lượng rác trên kênh”.
13h, trời nắng gắt, chúng tôi cùng anh Tâm lại lên ca nô tiếp tục công việc. Liên tục vớt rác, di chuyển, chúng tôi quay về bến ca nô khi trời chập choạng.
Vớt cả những phận người
Ít ai biết, từ khi thành lập đội đến nay, các công nhân đã cứu khoảng 20 trường hợp nhảy cầu tự tử với đủ lý do, người buồn chuyện gia đình, người vì chuyện yêu đương hay thất bại trong công việc, bệnh tật. “Đến nay, các thành viên trong đội phát hiện hàng chục xác chết trôi. Mỗi lần như vậy, anh em công nhân giúp neo xác chết lại rồi gọi cơ quan chức năng đến hỗ trợ”, ông Phạm Ngọc Hải cho biết.
Nhiều năm gắn bó với nghề, anh Diệp Văn Tâm chia sẻ: “Ban đầu mới thấy xác chết đã ớn lạnh, nhưng vì nghĩ đến cảnh người chết nằm lạnh lẽo dưới dòng kênh đã lâu nên quên tất cả, tôi nhảy xuống kênh chằng dây vào người chết để neo vào bờ. Lâu rồi thành quen, anh em công nhân trở thành những người cứu hộ bất đắc dĩ”.
Là công nhân trẻ nhất trong đội, có bằng cử nhân Đại học Tài nguyên - Môi trường, anh Nguyễn Văn Phước (H.Hóc Môn) tâm sự: “Cứu người hay vớt xác, công nhân đều không sợ mà chỉ sợ thái độ dửng dưng, không ý thức của người dân, gần đây là những người câu cá, họ quăng câu ra giữa dòng, ca nô không đi qua được, vậy mà khi chúng tôi nhắc nhở, họ vẫn không kéo dây vào. Hay có những người đêm trước quăng rác, sáng sớm chúng tôi vớt lên, rồi hôm sau lại đúng vị trí đó có một bao rác mới”.
Với công nhân vớt rác trên kênh, dù nắng hay mưa, dù ngày tết hay ngày lễ, họ vẫn phải đi làm, đảm bảo dòng kênh luôn xanh - sạch, bảo vệ cảnh quan, không gian tươi xanh của TP. Những vất vả, nhọc nhằn của công nhân vệ sinh không đong đếm bằng mồ hôi mà bằng khối lượng rác họ mang lên bờ. Những con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay Tân Hóa - Lò Gốm là tâm huyết của TP, được đầu tư, cải tạo với hàng ngàn tỷ đồng, nếu ý thức người dân còn kém, còn bạc đãi dòng kênh thì việc giữ cho dòng kênh luôn xanh không hề đơn giản.
Xịt rửa bờ kè, dọn dạ cầu “không công”
Ngoài công việc chính, hằng quý, Đội vớt rác trên kênh còn ra quân dọn vệ sinh, làm sạch các dạ cầu bắc qua kênh, đây là những nơi chưa đơn vị nào quản lý, dọn vệ sinh.
Ngoài ra, mỗi năm cứ sau mùa mưa, khoảng tháng 11 dương lịch, các anh em của đội chia ca xịt rửa, vệ sinh rong rêu, nhổ cây cỏ hai bên bờ kè với tổng chiều dài 17km cho tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Thời gian xịt rửa khoảng 4 giờ/ngày và làm liên tục trong 1,5 tháng. Đây là công việc tự nguyện, không dùng ngân sách nhà nước và thí điểm từ năm 2016.
|
Thu Hồng