Một thời sôi nổi
Năm 2020 là thời điểm mà các tác phẩm viết về Đông Dương xuất hiện ồ ạt. Trong đó Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Édouard Hocquard có lúc được 3 công ty sách cho ra mắt dưới nhiều hình thức, trong thời gian sát nhau. Cũng nhận được sự chú ý là tập tranh ảnh Đông Dương tráng lệ (Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ) của nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils hay Tâm lý người An Nam của Paul Giran, khi có đến 2 bản dịch được phát hành.
|
Các tác phẩm về Đông Dương ra mắt thời gian qua |
Ngoài những tác phẩm kể trên, các ghi chép của những người Pháp tại Đông Dương cũng được chú ý xuất bản: Xứ Đông Dương của Toàn quyền Paul Doumer, Đông Dương - Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858-1954 của 2 nhà nghiên cứu Pháp Pierre Brocheux và Daniel Hémery hay tác phẩm nghiên cứu tiểu sử Paul Doumer của Amaury Lorin...
Thời gian gần đây, nhiều tác phẩm về chủ đề này vẫn ra mắt như: Con đường thủy vào Trung Hoa (Milton Osborne), Khoái khẩu và khát vọng (Erica J.Peters), Độc quyền rượu và chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương (Gerard Sasges), Trường dạy nghề ở Việt Nam thời Pháp thuộc (Trần Thị Phương Hoa) hay sắp tới là Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương của bác sĩ Alexandre Yersin…
Vì là góc nhìn khách quan của các nhà nghiên cứu sử, những tư liệu tham chiếu đã rõ ràng hơn và không còn nặng tính chủ quan như các tác giả Pháp vốn chưa thích nghi với nền văn hóa, khí hậu, thổ nhưỡng, dẫn đến nhận định phiến diện, hay còn tồn đọng định kiến “bề trên” - coi xứ Đông Dương vẫn còn mông muội.
Chẳng hạn trong Khoái khẩu và khát vọng, ta không chỉ thấy tập quán, thói quen trong việc lựa chọn thức ăn của người Việt xưa, mà qua đó tác giả Erica J.Peters cũng chứng minh được sự phản kháng thực dân trong cách người Việt lựa chọn thực phẩm. Từ việc làm nước mắm trong tình trạng khan hiếm muối cho đến “lách luật” tiêu thụ rượu do người Việt và người Hoa làm, thay vì uống rượu có độ cồn thấp của Pháp…
Trường dạy nghề ở Việt Nam thời Pháp thuộc là mảnh ghép ít được tìm thấy trong các tài liệu chung. Ở đó khắc họa được mối quan tâm từ sớm của người Pháp đến các làng nghề truyền thống Việt Nam để biến nước ta thành vùng cung cấp sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho “mẫu quốc”. Con đường thủy vào Trung Hoa cũng phục vụ cho ý đồ đó, khi đoàn thám hiểm gồm những người Pháp khởi hành từ Sài Gòn lên thượng nguồn sông Mê Kông để khám phá tiềm năng thương mại của nó…
Cơ hội sẽ đến
Ở giai đoạn đầu, chủ yếu là những tác phẩm “nền tảng” về vùng đất này qua các ghi chép, hình ảnh của những yếu nhân từng có thời gian sinh sống và làm việc tại đây. Các tác phẩm mới hiện nay chủ yếu là nghiên cứu độc lập của những học giả trong và ngoài nước, cho thấy cái nhìn sâu hơn và mới mẻ hơn về những sự kiện đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây có thể là nguyên nhân khiến độc giả e ngại, do tính học thuật, chuyên môn và hàn lâm của sách.
Ngoài ra, xét về hình thức, các tác phẩm mới đi sâu vào khía cạnh phân tích, nghiên cứu nên không có hình thức bắt mắt như các tập tranh trước đó. Đây là yếu tố quan trọng khiến sách giảm dần sức hút, bởi đa phần những tác phẩm trước đều rất bắt mắt với nhiều phiên bản bìa và tranh minh họa, ảnh chụp nổi tiếng.
|
Một tác phẩm tại triển lãm Mộng Viễn Đông |
Một lý do khác có thể do thị trường đang dần bão hòa. Rải rác trong những năm qua cũng có tương đối nhiều tác phẩm được cho ra mắt, khiến nội dung của chúng đôi khi trùng lặp, hiệu ứng truyền miệng cũng giảm sút.
Dẫu vậy, trong thời gian tới, các tác phẩm nói về Đông Dương hứa hẹn có nhiều cơ hội trở lại với lớp độc giả mới hơn và trẻ trung hơn, khi nhiều dự án văn hóa nghệ thuật ngày càng quan tâm về đề tài này. Có thể kể đến như Sotheby’s Việt Nam vừa tổ chức thành công triển lãm hội họa Mộng Viễn Đông, trưng bày tác phẩm của nhiều họa sĩ Pháp đã từng sinh sống, làm việc và dạy học tại Việt Nam hay Họa duyên tương ngộ của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên - người xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương…
Phản ứng sau các triển lãm nói trên là tương đối tích cực, với số lượng người xem đông đảo, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành thị trường chuyển nhượng nghệ thuật tiềm năng trong tương lai gần.
Tuy trào lưu chung dần hạ nhiệt, những tác phẩm nghiên cứu sâu về thời kỳ Đông Dương vẫn được các nhà xuất bản và công ty sách quan tâm khai thác. Đây là nguồn tư liệu quý cho giới nghiên cứu cũng như độc giả phổ thông quan tâm đến một thời đoạn trong lịch sử nước nhà. Với việc các dự án nghệ thuật ngày càng chú trọng hơn, hy vọng những tác phẩm này sẽ tìm được đời sống mới.
Ngô Minh