Chợ đìu hiu, siêu thị vắng khách

04/06/2024 - 06:00

PNO - Sáng thứ Bảy 1/6, dù cuối tuần nhưng bên trong các chợ và siêu thị ở TPHCM, lượng khách đến mua hàng vẫn khá thưa thớt.

Có khuyến mãi, sức mua vẫn thấp

Chủ sạp bán thực phẩm tươi sống Hiền Lan trong chợ Tân Định (quận 1) cho biết, sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, sức mua có tăng lên một thời gian nhưng từ năm 2023 đến nay chỉ có giảm. Cụ thể, sức mua hiện tại ở sạp này giảm hơn 20% so với cùng thời điểm của năm ngoái và giảm hơn 50% so với trước khi có dịch COVID-19. Sau tết Nguyên đán, chợ đông khách được khoảng 1 tháng rồi vắng cho đến nay. 3-4 ngày trở lại đây, khách có đông hơn trước đó nhưng sức mua vẫn yếu do nhiều mặt hàng (đường, dầu ăn, cà phê, tiêu…) tăng giá mạnh.

Ngày cuối tuần, người vào trung tâm thương mại AEON Mall Bình Tân vẫn thưa vắng
Ngày cuối tuần, người vào trung tâm thương mại AEON Mall Bình Tân vẫn thưa vắng

Nhiều tháng qua, chợ Bến Thành (quận 1) và chợ An Đông (quận 5) cũng trong cảnh “người bán đông hơn người mua”. Ông Ngô Văn Hà - Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành - cho biết, trong năm 2023, chợ chỉ vắng khách vào tháng Tư do du khách quốc tế giảm. Thế nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, chợ vắng đều trong các tháng và giảm từ 6.000-7.000 lượt khách/ngày (năm 2023) xuống còn khoảng 1.000 lượt/ngày. Chỉ khoảng 2-3 ngày qua, khi học sinh bắt đầu nghỉ hè, thời tiết mát mẻ hơn, khách đến chợ mới lên khoảng 2.000 lượt/ngày.

Một số siêu thị như LOTTE Mart Lê Đại Hành (quận 11), Co.opmart Phú Lâm (quận 6), trung tâm thương mại AEON Mall (quận Bình Tân) liên tục có các chương trình khuyến mãi, giảm giá một số sản phẩm đến 50% nhưng lượng khách đến mua hàng vào những ngày thường khá vắng, chỉ đông vào ngày cuối tuần và chủ yếu mua lương thực, thực phẩm hoặc hàng may mặc giá bình dân.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc vận hành hệ thống Co.opmart kiêm Giám đốc marketing Liên minh Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) - thông tin, trong quý I/2024, doanh thu bán lẻ của Saigon Co.op tăng trên 6% là nhờ Saigon Co.op chủ động liên kết với các đối tác chiến lược để có nguồn hàng dự trữ dồi dào, giá thấp hơn mức chung của thị trường. Nhưng mức tăng trên vẫn quá thấp khi đơn vị đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) - cho biết, công ty đã phối hợp với các siêu thị thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi sâu để kích cầu tiêu dùng nhưng so với cùng kỳ năm trước, sức mua vẫn giảm 10 - 20%. Các doanh nghiệp không khuyến mãi thì sức mua còn giảm sâu hơn. Theo ông, thực phẩm tươi sống ế thì hàng tồn kho nhiều khiến doanh nghiệp mất hết lợi nhuận. Để tồn tại, có lẽ V.Food phải đầu tư công nghệ, chuyển sang chế biến sâu để phục vụ xuất khẩu.

Nên giảm thuế cá nhân để kích cầu tiêu dùng

Theo ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) - trong 5 tháng đầu năm 2024, sức tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng nhanh giảm 5 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này chủ yếu do tình hình kinh tế khó khăn, một phần là do có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Theo ông, xu hướng tiêu dùng có sự thay đổi so với trước, khách ngày càng ưu tiên sản phẩm chế biến sẵn để tiết kiệm thời gian, tăng mua sắm trực tuyến, tìm kiếm các dòng sản phẩm có khuyến mãi, giảm giá để tiết kiệm chi phí. Ông nói: “Nhờ tăng khuyến mãi mà lượng hàng bán được gia tăng đáng kể, nhưng việc khuyến mãi nhiều cũng khiến lợi nhuận giảm nên doanh nghiệp cũng phải cân nhắc về số lần khuyến mãi, mức độ giảm giá”.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn thành phố tháng 5/2024 đạt 44.616 tỉ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 7% so với tháng 5/2023 nhưng mức tăng lại có xu hướng thấp so với tháng 4/2024. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 4/2024 đạt 46.384 tỉ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước đó và tăng gần 14% so với tháng 4/2023.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho rằng, thông thường, quý II hằng năm là quý thấp điểm của ngành bán lẻ chứ không riêng gì năm nay. Tháng Năm là tháng bước vào mùa mưa, học sinh nghỉ hè, các gia đình rục rịch đi du lịch nên sức mua hàng hóa giảm. Nếu tính chung 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ vẫn đạt hơn 219.000 tỉ đồng, tăng hơn 9,3% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương mức tăng của 5 tháng đầu năm 2023 (9,4%). Sở Công Thương TPHCM đã trình UBND TPHCM kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung “Shopping Season” theo 2 đợt, ở tối thiểu 5 điểm, cùng các chương trình bán hàng lưu động với mức khuyến mãi sâu ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Theo luật sư Lê Bá Thường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và văn hóa doanh nghiệp - từ sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, giá hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ tăng từ 20 - 30% khiến chi phí sinh hoạt của người dân bị đội lên, trong khi thu nhập không tăng, thậm chí còn giảm. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến sức mua giảm. Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân và người phụ thuộc để giúp người dân có động lực tăng chi tiêu, mua sắm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
  • Hien 06-06-2024 21:36:13

    Chả biết nói gì. Dân chỉ biết lặng im nhìn thời gian trôi.

  • Phan thị Tâm 06-06-2024 07:56:29

    Chính phủ cần hổ trợ tiêu dùng cho người dân 1 chút , năm 2024 giá cả hàng tiêu dùng tăng chóng mặt, giá thịt heo ngoài chợ hiện giờ cao bằng giá Tết . Điện tăng, nước tăng, con học đại học phí tăng hàng năm, không cho học thì con dốt, buôn bán thì ế nhệ mà mặt cứ tăng mỗi năm , cái gì cũng tăng nhưng tiền làm ra ngày càg giảm thì lấy đâu ra mà mua sắm nên phải cắt giảm chi tiêu thôi

  • Yen 05-06-2024 10:08:04

    Các con số của sở công thương thấy không ổn .

  • Tiên 05-06-2024 09:47:01

    Vào siêu thị nhìn bảng giá thấy hàng hóa luôn tăng là hết muốn mua vì thu nhập cho bản thân có thấy tăng gì đâu

  • Nhut 04-06-2024 16:47:56

    Cơ quan quản lý thu thuế tay này, thì tất nhiên mất nguồn thu từ tay còn lại. Kinh nghiệm từ các nước không thể thu hết cả bằng hai tay

  • Dolphinp4q3 04-06-2024 13:54:56

    Trong quá khứ, tổ tiên ta thường dùng cách khoan sức dân bằng cách giảm thuế. VN thì cái gì cũng tăng dần đều. Ô điện đòi mỗi 3 tháng tăng 5%. Ô nước thì cứ 100k thì thâu 25k tiền xử lý nước thải. Cửa hàng mới mở, chưa cần biết người ta buôn bán được không, liền đè ra thâu thuế ngay tháng đầu, thuế thu nhập cứ thu dù vật giá leo thang. Dân chỉ còn biết thắt lưng buột bụng, tiết kiệm tuyệt đối. Dân tiết kiệm thì buôn bán ế ẩm...và nhiều hệ lụy theo sau...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI