Hơn bảy mươi năm, bà Hai không nhớ nổi bị thức giấc bao nhiêu lần từ mớ thanh âm mệt mỏi đó. Con hẻm đã nhỏ, còn oằn mình nối thông hàng chục hẻm nhỏ hơn. Xe từ hẻm nhỏ hơn cứ xồng xộc, vun vút lao ra… hẻm nhỏ, bất ngờ thắng kít.
Chiều ngồi ngóng những chuyến xe qua
Không riêng bà Hai, tiếng động khó chịu này từng còn làm nhiều cư dân ngụ con hẻm 134/109 Lý Chính Thắng, nối ra đường Hoàng Sa, Q.3, TP.HCM hoảng hồn. “Tui vẫn… khốn khổ hơn” - bà Hai tự nhận, giải thích nhà của mình (627/23 Hoàng Sa) ngay đoạn cua nằm giữa hẻm. Đoạn cua gãy khúc.
Hồi đó, mỗi buổi chiều, bà hay ngồi giữa bậc thềm, thấy đứa trẻ nào đổ ra chơi, lập tức “đuổi” vô nhà. Cẩn tắc vô áy náy. Bà nhớ cả ngàn lần đứng tim chứng kiến chiếc xe máy đổ dốc từ Hoàng Sa xuống hẻm. Khúc cua khuất tầm, bọn trẻ thất thần bỗng đâu một chiếc xe trờ tới.
Bà Phạm Thị Tuyến cho biết, căn nhà đã tháo dỡ đến đáy sàn lầu 1 để hiến hơn 4m² diện tích đất mở rộng hẻm. Con hẻm khang trang, rộng, sạch được nhiều người dân trong xóm thích thú bắc ghế ngồi mỗi chiều
|
Nhưng những hoảng hồn, bất an đó đã thuộc về… quá khứ. Hai năm nay, cũng chiều chiều trước nhà, bà Hai chỉ còn một “nhiệm vụ”: vui nhìn xe lại qua. Con hẻm 134/109 Lý Chính Thắng năm xưa chỉ rộng hơn 1m, giờ hơn 3m. 63 hộ dân hai bên đã hiến mỗi người một chút đất, nới cho hẻm rộng.
Còn nhớ, khi chính quyền Q.3 kêu gọi hiến đất bung thêm hẻm, câu chuyện ngầm hóa hệ thống lưới điện chằng chịt ngay trên đầu, làm thêm mấy cái cống chống ngập được người dân ủng hộ. Họ đồng lòng: chưa biết cái còn nằm trên dự án, nhưng trước mắt, làm sao cho bọn trẻ an toàn, có “lề” để chơi đùa, còn người lớn được ngủ yên. Nhà bà Hai lùi vô nửa mét; căn 627/8B đối diện lùi vô hơn 1m, khúc cua rộng rãi, bên này thấy được bên kia.
Ai ở Sài Gòn lâu năm lạ gì sự chằng chịt, muôn hình vạn trạng của trăm ngàn con hẻm. Lòng hẻm ngổn ngang, lồi lõm những góc nhà phóng ra giữa đường tạo thành những góc khuất tối tăm; rác có không gian “tập kích”; kẻ nghiện có chỗ để dừng chân. Ngay trên đầu, dây điện lòng thòng, giăng thành lưới tạo cảm giác nóng nảy, bất an.
Thong dong trên chiếc ghế bắc ngay trước cửa nhà, bà Phạm Thị Tuyến, số nhà 47/13 Nguyễn Hiền, Q.3 thở phào, những kẻ quăng trộm rác giờ hết đường “hành nghề”. Ký ức chán nản của bà hay hàng chục cư dân khác đối với quá khứ của con hẻm này dày đến mấy chục năm, chỉ một ám ảnh: hai đầu đường hai bãi rác to đùng, nồng nặc mùi hôi thối. “Biết ai đâu mà truy. Hẻm nhỏ, người ta bịt mặt bịt mũi mang rác lại quăng rồi bỏ chạy” - bà ngao ngán.
Sau bảy tháng khởi công, cuối năm 2018, con hẻm 47 nới từ 2,2m lên 3,5m, đường xi măng thẳng tắp. Trước con đường thẳng thớm, thói xấu sẽ chùn tay. Con hẻm mở rộng, mỗi căn nhà dân hai bên phải thu hẹp. Họ chấp nhận, bằng lòng. Nhà bà Tuyến lùi vào 1,35m, tổng diện tích hiến cho việc mở đường hơn 4m². Vật dụng bài trí sau khi sửa chữa giờ trở nên vướng víu, không có chỗ ngồi, nhưng bà tươi rói: “Nhà hẹp một chút mà cả xóm có không gian để thở”.
Con hẻm hoàn thành, cư dân nhiều tuyến hẻm “bà con” tự nhiên thấy “ghen tỵ”. Sự thoáng đãng, sạch sẽ, thoải mái sao có thể không “kiêu bạc” trước ngổn ngang, chật chội, lồi lõm đầy bất tiện?
Từ năm 2015 đến nay, toàn Q.3 đã mở rộng 21 tuyến hẻm, hàng trăm hộ dân đồng lòng hiến đất theo chủ trương của chính quyền. Họ chẳng quan tâm đến sự đắt đỏ của giá đất quận trung tâm - mà cán bộ Phòng Quản lý đô thị, UBND Q.3 cho biết, 1m đất có giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng - khi cái trước mắt là số tiền hỗ trợ khá ít ỏi từ ngân sách không đủ để các hộ dân hoàn thiện kiến trúc sau quá trình tháo dỡ, di dời phần đất đã hiến tặng.
Trăm hộ dân, trăm ngôi nhà cùng khởi công, cắt mảng tường kiên cố phía trước, phía sau nhà rồi… xây lại nhà. Tiền túi bỏ ra gấp mấy lần con số được hỗ trợ mà ít ai nề hà.
Cuộc chỉnh trang đô thị nào không ít nhiều vướng víu lòng dân. Hy sinh lợi ích riêng cho cái chung của cộng đồng luôn là cuộc chiến khốc liệt. Con hẻm 55, 57 Nguyễn Thông đã từng giăng băng-rôn “ngày hội hiến đất”, vậy mà những ngày này còn ngổn ngang khúc mắc, so đo: “Chủ trương hợp lòng dân, nhưng sao nhà kia hiến ít quá, rồi nhà này không hiến, lề trái hiến nhiều hơn lề phải thì mai mốt có ổn không?”.
Ông Lê Văn Nguơn (số nhà 57/5) tiên phong hiến hơn 12m² diện tích nhà ở ngay mặt tiền hẻm. Nhìn nguyên thửa nền trước nhà được ông cho người đào xới, vài người thấy khó chịu. Ông mặc kệ, mấy chục năm sống ở đây, ông thấm thía quá sự bất lợi của con hẻm ngoằn ngoèo, gấp gãy, mấy mét đường mà đứng không thấy nhau, xe cộ qua lại phải bóp còi inh ỏi, đám tiệc không có chỗ cho người dân dựng rạp…
Để có ga tàu, cần phải chặt hàng cây (*)
Khi câu chuyện cuộc chiến của lòng dân vẫn tồn tại trong kế hoạch mở rộng thêm hàng chục tuyến hẻm khác, khó có thể quên ông Nguyễn Hoài Đức, chủ căn nhà 372/30/2 Cách Mạng Tháng Tám - người duy nhất hiến 6m² mở rộng tuyến hẻm 372/30. Khúc cua ngang qua nhà ông Đức rộng tầm hơn 1m, dẫn vào một hẻm nhỏ. Thắt nút ấy khiến bao nhiêu năm qua, hàng trăm hộ dân thuộc xóm trong đau đầu chuyện bán nhà không ai mua, muốn xây nhà cũng khó.
Ông Đức “lùi” mặt tiền vào sâu hơn 1m, nút thắt được gỡ rộng thành 3m. Xe ba gác “lọt” qua, quá trình vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng dễ hơn, nhà cấp bốn thuộc xóm trong thi nhau lên tầng suốt một năm qua. “Tôi nghĩ thôi thì còn bao nhiêu ở bấy nhiêu nên đồng ý” - ông Đức nói.
Ông Đức là người duy nhất hiến đất mở rộng hẻm 372/30 Cách Mạng Tháng Tám với diện tích 6m²
|
Sự đồng ý này của ông Đức cũng phải mất đến vài ngày. Cả tuyến hẻm tự dưng mình nhà ông nằm trong cuộc vận động hiến đất. Nhưng cái cảm giác thoạt ấm ức ban đầu sớm nhường chỗ sự rộng lòng, sau mấy lần chính quyền xuống gặp ông. Những khó khăn của người dân thuộc xóm trong, sự nâng cấp nhà cửa, đi lại rồi nguy cơ hỏa hoạn khó vùng thoát… được cán bộ vạch ra, ông Đức mở lòng.
Ông Lê Tấn Huờn - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Q.3 - hồ hởi khoe con số các tuyến hẻm được mở rộng mỗi năm một tăng. Thành quả ấy là sự hợp sức giữa lòng dân và chính quyền. Về hẻm 194 Võ Văn Tần, chuyện cán bộ thành công trong cuộc thương thuyết hiến đất vẫn còn được người dân nơi này nhắc đến.
Đứng ở đầu hẻm 194, ông Đặng Chánh Minh (nhà số 194/18 Võ Văn Tần) chỉ một lượt mấy căn từ đầu đến cuối hẻm: “Nhiều căn ngày trước mặt tiền phóng ra tới giữa đường, khuất hết tầm nhìn. Bảo họ nhường đất, lùi nhà vô là cả một vấn đề”. Phóng mắt theo cái chỉ tay của ông, thẳng một mạch từ đầu hẻm đến cuối hẻm không chướng ngại, trừ… trụ chữa cháy tại chỗ khiêm tốn nép bên đường vừa được lắp đặt, không khó để hình dung sự nhọc nhằn của cán bộ địa phương trong cuộc vận động hiến đất.
Sau khi mở rộng, từ hơn 2m, tuyến hẻm 194 rộng thành 4,5m. Trụ chữa cháy tại chỗ được lắp đặt… đỏ chói, nỗi bất an hỏa hoạn của người dân ngày trước được tháo bỏ. Quận trung tâm sầm uất, hẻm thì hẻm nhưng người dân vẫn chen chúc mở quán bún, hàng phở tại nhà, bếp luôn đỏ lửa; rồi dây điện phía trên đầu giăng lưới. Sống mà bất an.
Thêm nỗi niềm ngán ngẩm dăm lần chứng kiến mấy trận người trong hẻm đổ bệnh, cơn đột quỵ đổ xuống cho người này người kia, cả xóm nháo nhào khiêng người bệnh ra đường cho xe cấp cứu đứng chờ; ông Minh ừ liền ngay khi chính quyền đề cập: “Chỗ ở chật một chút mà bao nhiêu vấn đề dân sinh của bà con khu phố được giải quyết”.
Những nhà nhô ra giữa mặt đường ít người nghĩ như ông Minh. Tấc đất tấc vàng, giữ đất là giữ của cũng là lẽ thường tình. “Khi đó dễ gì phường thuyết phục được” - ông Minh quả quyết. Hành trình đó kéo dài trong sự kiên trì của cán bộ phường 5, khi những cuộc họp nhấn mạnh sự tiện lợi, văn minh trở thành những cuộc phản biện chưa cho được kết quả. Cuộc họp trên diện rộng ngay sau đó trở thành cuộc thăm nom từng người, từng gia đình của cán bộ, để tường tận khúc mắc của dân.
Ông P. có vợ bị tai biến mất khả năng lao động, hai con chưa có việc làm, miếng ăn đã nhọc nhằn thế kia, có muốn hiến đất, lùi nhà cũng không có tiền sửa sang hiện trạng; đó là chưa kể căn nhà quá cũ có thể đổ sập nếu tháo dỡ không khéo. Phường 5 ngay sau đó lên phương án vận động nhà tài trợ, mỗi cán bộ xuất tiền túi gom thêm. Tuyến hẻm hoàn thành cũng là lúc nhà của ông P. xây xong, mới toanh với hai tầng khang trang…
Hẻm 194 này hay hàng chục tuyến hẻm khác của Q.3 nói riêng đã thay mới diện mạo, hòa với hành trình hướng đến một hạ tầng hiện đại, nâng chất không gian sống. Hàng trăm tuyến hẻm khác dọc ngang giữa Sài Gòn có đang chờ một cuộc trở mình và nhập cuộc?
(*): Thơ Nguyễn Thiên Ngân
Tuyết Dân