Lê bước chân chậm chạp vì tuổi đã cao, ông Nguyễn Văn Thiều (82 tuổi, ngụ tại Q.3, TP.HCM) cùng vợ là bà Võ Thị Thuận (76 tuổi) tìm đến Báo Phụ Nữ TP.HCM với hy vọng báo chí có thể giúp ông sớm nhận được một chút công bằng trong phần đời ngắn ngủi còn lại. Không ngờ, khi chúng tôi đang đọc lại bản thảo bài viết về vụ việc của ông thì nhận được điện thoại, gia đình báo tin ông đã qua đời.
Hơn 30 năm khiếu nại
Ông Thiều quê ở tỉnh Hải Dương, tham gia cách mạng từ năm 1951. Hai năm sau, ông nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến năm 1958, ông được biệt phái sang ngành công an, làm trinh sát ở bộ phận phản gián và tình báo điện đài, khi đó vừa được thành lập. Những năm 1980, ông Thiều làm phó trưởng phòng tại Cục Thông tin liên lạc Bộ Công an với quân hàm thiếu tá, phụ trách cụm kho thiết bị thông tin, xưởng và đài phát tín Thủ Đức (TP.HCM).
|
Ông Nguyễn Văn Thiều bị đột quỵ ngày 15/11 và hôn mê sâu trong Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) cho đến khi qua đời ngày 1/12 - Ảnh: Quốc Ngọc |
Tuy nhiên, một biến cố xảy ra vào năm 1986 đã hoàn toàn nhấn chìm đời ông: đơn vị của ông thường xuyên xảy ra nạn trộm cắp. Ngày 13/4 cùng năm, cán bộ dưới quyền ông Thiều đã bắt và đánh chết kẻ trộm đột nhập vào cơ quan.
Từ sai phạm liên quan đến trách nhiệm trên, Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an đã thi hành kỷ luật, buộc ông thôi việc. Tiếp theo, năm 1988, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên xử ông 3 năm tù treo (hiện đã xóa án tích). Vợ ông sau đó cũng ra khỏi ngành công an, hưởng hưu non, nuôi 3 con và người chồng không được hưởng chế độ gì, kể cả bảo hiểm y tế. Ông bà đi bán vé số lay lắt qua ngày và động viên các con phải cố gắng tiếp tục sống, làm việc theo pháp luật.
“Từ khi thoát ly gia đình đi bộ đội, vào công an, tham gia chiến đấu liên tục 36 năm cho đến khi bị kỷ luật, nhà tôi đã thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ. Từ lúc bị cho thôi việc đến nay, cũng ngót nghét hơn 30 năm, dù đã được xóa án tích từ lâu và đủ điều kiện, chúng tôi vẫn cứ mòn mỏi kêu nài khắp nơi nhưng không ai giải quyết chế độ cho ông ấy” - bà Thuận quệt nước mắt.
Tuổi ngày một cao, ông Thiều bệnh tật, đau yếu thường xuyên khiến gia đình luôn gặp khó khăn. Ngoài dằn vặt về chuyện cũ dẫn đến án tù, cảm giác mình là gánh nặng cho vợ con khiến ông Thiều chưa đêm nào ngon giấc.
Sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại, đến tháng 5/2000, Cục Thông tin liên lạc (Bộ Công an) mới có văn bản đề nghị xem xét cho ông Thiều được hưởng chế độ BHXH. Lãnh đạo cục cũng cho biết, hơn 30 năm công tác trong lực lượng vũ trang, ông Thiều là một cán bộ gương mẫu, được quần chúng tín nhiệm và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông từng nhận Huân chương Quân công hạng III, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I, Huy chương Chiến thắng hạng I (trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp)… Những tưởng trường hợp của ông sẽ được giải quyết rốt ráo, nhưng không. Từ bấy cho đến khi ông vĩnh viễn ra đi, cùng với các lá đơn trước, lá đơn khiếu nại mới nhất đề ngày 9/11/2018 của ông không biết đã được chuyển đến đâu.
Vẫn đang “tập hợp hồ sơ”
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Thành Tài - Giám đốc Công ty Luật Đặng Thành, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho rằng, căn cứ hồ sơ và quá trình công tác, ông Thiều đủ điều kiện để được giải quyết chế độ hưu trí theo Nghị định số 11/2011/NĐ-CP của Chính phủ (hướng dẫn việc giải quyết chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội).
“Nghị định trên nêu rất rõ 3 đối tượng không được hưởng chế độ hưu trí gồm đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi; vi phạm pháp luật đang chấp hành án tù chung thân, đang thi hành án tù giam, bị kết án một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia mà chưa được xóa án tích; xuất cảnh trái phép hoặc đang bị tòa án tuyên bố là mất tích. Rõ ràng, ông Thiều không thuộc các diện này” - luật sư Tài nói.
Thế nhưng, theo Công an TP.HCM, ông Thiều có 34 năm 9 tháng công tác trong quân đội và công an nhân dân (CAND). Tháng 6/2015, Công an TP.HCM nhận được văn bản trả lời của BHXH CAND cho rằng, ông Thiều bị kỷ luật buộc thôi việc theo Quyết định số 982/QĐ ngày 17/3/1988 của Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, đối chiếu với quy định tại Nghị định 11/2011/NĐ-CP thì ông không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hưu trí.
Ngày 22/12/2015, Cục Chính sách, thuộc Tổng cục Chính trị CAND lại có văn bản cho biết, trường hợp của ông Thiều đang được BHXH CAND tập hợp hồ sơ cùng các trường hợp khác vào CAND trước ngày 30/4/1975 nhưng bị kỷ luật tước danh hiệu CAND hoặc buộc thôi việc (tương tự như ông) để xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những người này. Đến ngày 6/7/2016, BHXH CAND tiếp tục có văn bản cho biết vẫn còn đang tập hợp hồ sơ của các trường hợp như ông “để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an có văn bản trao đổi với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất cách giải quyết chế độ, chính sách”.
Ông Thiều cùng vợ tiếp tục gửi đơn khiếu nại. Lá đơn cuối cùng được ông ký tên gửi đi đúng 3 tuần trước khi trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Sáng 1/12, bà Thuận đau xót báo tin cho chúng tôi rằng ông đã ra đi, để lại xấp hồ sơ dày cộm mà hơn 30 năm qua, ông mang đi kêu nài quyền lợi cho mình, cũng là cho gia đình nhỏ của mình.
Nam Anh