Chợ đầu mối Long Biên - mảnh đất màu mỡ để... làm tiền

29/07/2019 - 06:50

PNO - Ở chợ Long Biên, không chỉ có những ki-ốt nằm trong quy hoạch được bán sang tay hàng tỷ đồng mà nhiều ki-ốt lấn chiếm, nằm ngoài quy hoạch cũng được mua bán với giá rất cao, tùy theo vị trí.

UBND Q.Ba Đình thừa nhận, có hàng trăm ki-ốt phát sinh so với thiết kế ban đầu.

Ngang nhiên chiếm dụng khoảng không

Trong danh sách những ô chỗ phát sinh năm 2018, khi chuẩn bị nghỉ chế độ, ông Đàm Đình Dũng - nguyên Trưởng ban quản lý (BQL) chợ Long Biên - đã ký cho phép một số ki-ốt đứng tên người nhà các cán bộ lãnh đạo có quyền sinh quyền sát trong việc điều tra, xử lý những vấn đề tiêu cực xảy ra tại chợ Long Biên.

Với những vị trí biếu, tặng, ngoại giao, đương nhiên là không ai được phép chất vấn. Nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên là ông Dũng cả gan biến nắp bể chứa nước cứu hỏa thành ki-ốt đứng tên Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) với diện tích 23,5m2. Sau đó, một đại gia từ TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình mua lại và hàn khung thép kiên cố, treo biển bán hàng dưới sự bảo kê của Hưng “kính” và BQL chợ.

Ngôi nhà cấp 4 với diện tích 20m2, là nơi thay quần áo, nghỉ ngơi của các lao công quét dọn chợ, cũng được ông Dũng biến thành ki-ốt dưới tên Nguyễn Thị Lan - vợ của Trần Văn Tùng, thuộc tổ bảo vệ chợ Long Biên.

Cho dau moi Long Bien - manh dat mau mo de... lam tien
Thay vì phải di dời, xóa bỏ, chợ Long Biên lại được cải tạo, phát sinh thêm ô chỗ

Ai cũng hiểu rằng, việc phát sinh ô chỗ không nằm trong quy hoạch, đồng nghĩa với việc sản sinh ra những kẻ cầm đầu có số má, được coi là “cộm cán trên giang hồ”, bảo kê, chiếm dụng đất công làm của riêng.

Theo thông tin mới nhất từ UBND Q.Ba Đình, chợ Long Biên có 281 hộ kinh doanh vi phạm chỉ giới đường đỏ, chân đê, mặt trên của đê sông Hồng, vi phạm chỉ giới thoát lũ, vi phạm hành lang an toàn giao thông cầu Long Biên.

Sau khi báo chí vào cuộc, chỉ ra những vị trí kinh doanh do các đối tượng cộm cán bảo kê, chiếm dụng được biến thành ki-ốt, các cơ quan chức năng mới làm rõ được tổng số 62 ki-ốt phát sinh mới từ năm 2015-2018.

Chỉ tính riêng năm 2018, trước khi nghỉ hưu, ông Dũng ký cho phép tồn tại 23 ki-ốt mới toanh. Trong những ki-ốt mới, có nắp bể phòng cháy chữa cháy vừa được sửa chữa hết hàng chục tỷ đồng.

Làm trái nghị định của Chính phủ

Nếu chiếu theo các quy định của Chính phủ, chợ Long Biên là chợ loại II, đang đi vào giai đoạn cần phải xóa bỏ hoặc di dời sang một vị trí khác phù hợp với quy hoạch của TP.Hà Nội.

Tuy nhiên, năm 2014, UBND Q.Ba Đình đã chi hơn 48 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án xây dựng, cải tạo chợ Long Biên. Đến tháng 12/2017, việc cải tạo được hoàn thành, hạng mục làm mới hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa kịp nghiệm thu, phần nắp bể đã bị chiếm dụng.

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 02/2003 về phát triển và quản lý chợ, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 6481/QĐ/BCT phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, trong danh mục chợ đầu mối hiện có phải xóa bỏ, di dời tại TP.Hà Nội, chợ Long Biên thuộc diện phải di dời trong giai đoạn 2015-2020.

Trong việc đầu tư hơn 48 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo chợ Long Biên, UBND Q.Ba Đình là chủ đầu tư. Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, khi sử dụng tiền ngân sách nhà nước để xây dựng, cải tạo chợ, BQL chợ Long Biên phải chủ trì đấu thầu để thu lại tiền vốn cho Nhà nước.

Nếu báo chí không lên tiếng, liệu có ai biết mỗi năm, chợ Long Biên bành trướng ra thêm bao nhiêu ki-ốt, lấn chiếm khoảng không và bảo kê bến bãi, chèn ép tiểu thương?

Chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, để cho những đối tượng cộm cán giang hồ tác oai tác quái. “Không thể nói chính quyền không biết. Ở đây là biết nhưng cố tình lờ đi để ăn chia với nhau. Miếng bánh béo bở khiến họ phớt lờ cả nghị định của chính phủ và các bộ, ngành’’ - luật sư Triển nói.

Tại chợ Long Biên, BQL chợ Long Biên đã lấy một khu đất lưu không (hành lang an toàn giao thông, lưới điện) làm nơi đỗ xe, hạ hàng và kinh doanh hải sản trên danh nghĩa gây quỹ cho công đoàn, giao cho Nguyễn Kim Hưng quản lý, thu tiền bốc vác.

Cũng từ bãi đất này, Nguyễn Kim Hưng lộng hành, có quyền đuổi xe, cho ai và không cho ai sử dụng. Hưng đã cho đàn em đuổi xe hàng của chị Nghiêm Thúy Nga nhưng cùng lúc đó, một tiểu thương khác là Phúc Ly lại được quyền dựng lều lên 1/3 bãi đất và đỗ nhiều xe hàng.

Chi Mai - An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI