Chờ 'cuộc thay máu' của Hội Nhà văn TP.HCM

18/06/2015 - 08:01

PNO - PN - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Lê Quang Trang chủ động từ nhiệm

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 16/6, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức đại hội nội bộ (diễn ra cả ngày tại Hội trường T.78), thảo luận lấy ý kiến và bầu cử Ban chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2015-2020. Sáng nay, 17/6 đại hội chính thức khai mạc, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VI, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ VII và ra mắt ban chấp hành mới.

Cho 'cuoc thay mau' cua Hoi Nha van TP.HCM

Ông Lê Quang Trang nói lời từ nhiệm

Trước thềm đại hội, Hội Nhà văn TP.HCM đã gửi hội viên phiếu đề cử ứng viên vào ban chấp hành, nhưng không khí đại hội vẫn “nóng” lên vì danh sách 11 thành viên được ban chấp hành giới thiệu (dựa theo số phiếu đề cử cao nhất) không hoàn toàn được đồng thuận. Hội trường càng lúc càng nóng với những ý kiến đề cử người mới, ý kiến kiến nghị rút, các chất vấn, yêu cầu giải thích minh bạch… Chưa kể chuyện bất ngờ lúc mở màn hội nghị: nhà văn Lê Thành Chơn lên tiếng đòi đưa một nhà thơ vào thay vị trí chủ tịch đoàn của Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Lê Quang Trang.

Đại hội đã tạo diễn đàn mở cho tất cả hội viên bày tỏ chính kiến. Trong rất nhiều góp ý, băn khoăn có những yêu cầu phải làm minh bạch nghi vấn về kinh phí 3,2 tỷ đồng đầu tư cho công trình Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TP.HCM. Công trình này do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp thực hiện từ nguồn kinh phí nhà nước đầu tư. Nhà văn Lê Văn Nghĩa đề nghị Chủ tịch Hội có lời giải thích rõ ràng trước toàn thể đại hội.

Ông Lê Quang Trang cho biết: “Công trình Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TP.HCM (giai đoạn 1900-2000) do tôi chủ biên, nhưng còn có rất nhiều hội viên như Phạm Sỹ Sáu (Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM), Trần Văn Tuấn (Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà văn TP.HCM), Trần Thanh Phương, Dương Trọng Dật, Hoàng Đình Quang, chị Nguyễn Thu Thủy… cùng tham gia biên soạn, phụ trách theo từng giai đoạn phát triển của văn học.

Đây là công trình khoa học được xây dựng theo từng dự án nhỏ, thực hiện trong các giai đoạn cụ thể, kinh phí cũng được chi cho mỗi giai đoạn một cách rõ ràng. Không thể có chuyện kinh phí 3,2 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản cá nhân của tôi. Công trình này do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học quản lý, việc ký kết với mỗi thành viên tham gia, chứng từ thanh toán đều rất rõ ràng, minh bạch”.

Cho 'cuoc thay mau' cua Hoi Nha van TP.HCM

Giá trị sáng tạo là nỗ lực tự thân của mỗi nhà văn (Trong ảnh: nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cùng độc giả hâm mộ) - Ảnh: facebook Kính vạn hoa

Ngay sau khi danh sách ứng viên ban chấp hành khóa mới được công bố, ông Lê Quang Trang (có số phiếu tín nhiệm đứng thứ ba) đã chủ động xin rút.

Nhiệm kỳ qua, Hội Nhà văn TP.HCM đã làm được một số việc như xây dựng trang web của Hội, tổ chức nhiều chuyến thực tế sáng tác, đề xuất giải thưởng nhà văn trẻ, đầu tư sáng tác cho hội viên, tổ chức in các tập sách chuyên đề mừng các ngày lễ lớn… Tuy nhiên, “tiếng vang” của Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kỳ qua lại không nằm ở tác phẩm văn chương hay dấu ấn về những thành tựu đóng góp cho sự phát triển chung của văn học nghệ thuật, mà nằm ở những tai tiếng, lùm xùm, bức xúc.

Ban chấp hành khóa VII được kỳ vọng sẽ tránh để xảy ra những chuyện cá nhân và ồn ào ngoài văn chương, tập trung điều hành hoạt động Hội, hỗ trợ các tác giả làm nên những tác phẩm giá trị.

 SONG GIANG

Chín thành viên ban chấp hành khóa VII

Theo kết quả bầu cử chiều 16/6, đại hội đã tín nhiệm bầu ra chín thành viên Ban chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2015-2020 gồm: nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phan Hoàng, Phan Trung Thành, Trương Nam Hương, Lê Thị Kim và các nhà văn: Trần Văn Tuấn, Trầm Hương, Trịnh Bích Ngân và Trần Nhã Thụy.

Các thành viên ban chấp hành mới sẽ tổ chức cuộc họp bầu chọn vị trí chủ tịch, phó chủ tịch, thường vụ và ban kiểm tra. Ban chấp hành khóa mới chính thức ra mắt ngày 17/6 trong khuôn khổ đại hội chính thức.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI