Cho cộng đồng, cũng là cho con

04/12/2015 - 12:13

PNO - "Nếu con tôi giỏi hơn tôi, thì số tiền đó không cần thiết để lại cho chúng. Nếu chúng kém cỏi, nhiều tiền chỉ có hại cho chúng”.

Từ 5 năm trước, Mark Zuckerberg đã có ý định hiến tặng tài sản, thông qua việc ký thỏa thuận “Giving Pledge” (cam kết hiến tặng) - một sáng kiến của tỷ phú Warren Buffett, hợp tác với vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates, nhằm kêu gọi các tỷ phú tặng ít nhất một nửa tài sản cho tổ chức từ thiện hoặc các lý do thiện nguyện. Bé Maxima chào đời là dấu mốc ý nghĩa cho vợ chồng Zuckerberg tuyên bố thực hiện cam kết nêu trên, vì tất cả những gì tốt đẹp, cao cả nhất đều dành cho con.

Cho cong dong, cung la cho con
Nữ tỷ phú Úc Gina Rinehart xem xét hiến tặng làm từ thiện một nửa trong số tài sản khổng lồ 14 tỷ USD của mình - Ảnh: AFP

Số tiền này được phân phối thông qua quỹ Sáng kiến Zuckerberg Chan, một tổ chức tập trung vào bốn lĩnh vực chính: học tập, chữa bệnh, kết nối và xây dựng cộng đồng, nhằm nâng cao tiềm năng con người và tạo sự bình đẳng, đem đến cơ hội cho mọi người.

Theo CNN, đến nay, 130 cặp vợ chồng và cá nhân từ 14 quốc gia tham gia Giving Pledge. Đây không phải hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý, mà mang tính đạo đức. Hầu hết những người giàu nhất nước Mỹ như Giám đốc điều hành Oracle, ông Larry Ellison (có tài sản trị giá khoảng 54,3 tỷ USD), Michael Bloomberg (35,5 tỷ USD), nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn (22,2 tỷ USD), người đồng sáng lập Microsoft Paul Allen (17,5 tỷ USD), nhà sáng lập Telsa Elon Musk (13,3 tỷ USD)… đều ký vào cam kết này.

Trước đó, hồi tháng 5/2015, tỷ phú Hồng Kông Yu Pang-Lin qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá hai tỷ USD cho hoạt động từ thiện. Tỷ phú Yu không phải thành viên “câu lạc bộ” Giving Pledge của các tỷ phú Mỹ, nhưng hành động của ông cũng được cân nhắc cẩn trọng từ năm 2010, khi ông từng có lời tuyên bố nổi tiếng trong một bữa tiệc ở Bắc Kinh:

“Nếu con tôi giỏi hơn tôi, thì số tiền đó không cần thiết để lại cho chúng. Nếu chúng kém cỏi, nhiều tiền chỉ có hại cho chúng”. Cũng giống Mark Zuckerberg, đằng sau hành động của ông Yu người ta thấy tình yêu thương và “của để dành” nhiều ý nghĩa cho con.

Tỷ phú Yu - nhà tài phiệt bất động sản đồng thời là tỷ phú làm từ thiện số một Trung Quốc, Chủ tịch công ty bất động sản Foo Tak và khách sạn Shenzhen Panglin, người sáng lập quỹ Yu Pang-Lin Foundation (quỹ dành riêng để chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cứu trợ thiên tai) đã không để lại tài sản cho con cái.

Cho cong dong, cung la cho con
Tỷ phú Hồng Kông Yu Pang-Lin, qua đời tháng 5/2015, đã hiến tặng toàn bộ tài sản của mình để làm từ thiện - Ảnh: CHINA DAILY/ASIA NEWS NETWORK

Gia tài ông cho con là ý thức và năng lực tự chịu trách nhiệm về bản thân thông qua học hành và làm việc. Người cha kiên quyết không cho con cái nhiều tiền của này chắc chắn rất coi trọng đồng tiền, vì hơn ai hết ông phải đổ mồ hôi, công sức và trí tuệ cả đời tạo dựng nên sản nghiệp. Tuy nhiên, ông hiểu có một thứ còn quý giá hơn tiền, đó là ý thức về trách nhiệm với cộng đồng và gia đình.

Tháng Bảy năm nay, người ta cũng biết tin người phụ nữ giàu nhất Australia Gina Rinehart (61 tuổi) xem xét làm từ thiện một nửa trong số tài sản 14 tỷ USD theo yêu cầu của con trai John Hancock, sau khi bà thất bại trong một vụ kiện với hai người con để giành quyền quản lý quỹ tín thác gia đình trị giá bốn tỷ USD.

Sự việc chuyển hướng từ đối đầu trong nội bộ gia đình sang cùng nhìn về một phía: Hancock muốn mẹ hiến tặng số tiền trong lúc còn sống hoặc sau khi bà qua đời để phục vụ nghiên cứu ung thư, tài trợ cho đội tuyển các môn thể thao Olympic của Australia, trang bị dịch vụ trực thăng cấp cứu.

Hancock cho biết, hai mẹ con đã thảo luận và nhất trí rằng tiền làm từ thiện nên dành cho Australia, đặc biệt ở khu vực miền Bắc đất nước. Hành động như vậy, tận trong đáy lòng nữ tài phiệt khai thác mỏ hẳn không chỉ có sự nhượng bộ sau trận chiến pháp lý với con, bà muốn hiến tặng tài sản vì tương lai của đất nước, trong đó có con cháu của mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI