Ngày 28/3, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp với nhãn hàng sữa dê công thức DG (nhập khẩu từ New Zealand) công bố kế hoạch tổ chức chuỗi sự kiện mang tên “Cho con tình yêu thương”.
Đây là sân chơi dành cho trẻ em ở các trung tâm bảo trợ trẻ em, nhà mở, mái ấm trên địa bàn TP.HCM, để các em thỏa sức thể hiện ước mơ và có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình.
|
Bà Karlene Davis - Tổng lãnh sự New Zealand tại TP.HCM trong niềm vui gặp gỡ các bé gái ở mái ấm Bà Chiểu tại chương trình. Ảnh: Phùng Huy. |
Bật khóc với những ước mơ
Buổi lễ công bố đã trở nên thân mật, ấm áp và xúc động với những nữ họa sĩ nhí đến từ mái ấm Bà Chiểu. Trước những bức vẽ nói lên mơ ước của các bé, bà Karlene Davis - Tổng lãnh sự New Zealand tại TP.HCM - cũng là nơi đỡ đầu mái ấm này trong nhiều năm qua đã vô cùng ngạc nhiên, thú vị. Bà nói: “Nhìn các bé khỏe mạnh, vui vẻ và dám bày tỏ ước mơ của mình như vậy thật hạnh phúc. Chương trình không thuần là sự quảng bá mà chính là sự kết nối từ những tấm lòng vì trẻ thơ”.
Biết rằng, cảnh đời mỗi bé là một chuỗi bi thương khác nhau, thế nhưng chúng tôi không ngăn được nước mắt trước những ước mơ cháy bỏng xuất phát từ những khiếm khuyết của cuộc đời.
Đó là ước mơ trở thành nữ công an cứu người của cô bé N.L.A.T., 9 tuổi, ở mái ấm Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh. Khi được hỏi “vì sao con chọn ước mơ này, con có bao giờ nhìn thấy các cô chú công an cứu người chưa?”. Vượt ngoài trí tưởng tượng của chúng tôi, cô bé đã không ngần ngại thổ lộ: “Khi cứu người, chú công an oai phong lắm cô. Chú từng cứu con khi con bị mẹ đánh đập, không cho đi học…”.
|
Các em đang vẽ ước mơ của mình. Ảnh: Phùng Huy |
Theo lời chị Trương Thị Yến - Trưởng mái ấm Bà Chiểu - bé A.T. được Hội LHPN quận gửi về mái ấm đúng một tuần sau khi phát hiện bé bị chính mẹ ruột bạo hành, vậy mà trên người bé vẫn đầy dấu vết của những lằn roi. Đêm ngủ, bé khóc thét “xin mẹ đừng đánh con”, rồi gào kêu: “Chú công an ơi, cứu con…”.
Chị Yến nói: “Câu chuyện đã qua mấy năm rồi, bé không còn sợ hãi và xa lánh mọi người mà hòa nhập cùng các bạn, trở nên lanh lợi và hoạt bát. Nhưng nỗi ám ảnh bị mẹ bạo hành vẫn in hằn, trở thành cội nguồn cho một giấc mơ. Hẳn là bé mong mình trở nên mạnh mẽ, tự tin”.
Bé Đặng Thị Oanh, ở mái ấm Bà Chiểu, ngước đôi mắt trong veo, thỏ thẻ: “Con ước mơ có một con gấu bông màu hồng thiệt to ôm khi ngủ để… không nhớ mẹ”. Oanh 6 tuổi, không có cha, còn mẹ quá nghèo, sống lang thang, lại mang bệnh. Khi mẹ ôm Oanh đến tá túc, chữa bệnh ở một ngôi chùa, bé đã suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp nặng. Người mẹ van cầu nên các sư cô trụ trì ở chùa đã tìm cách gửi bé đến mái ấm.
|
Bé Oanh hạnh phúc với món quà mình yêu thích. Ảnh: Phùng Huy |
Còn bé Huỳnh Thanh Tuyền bày tỏ ước mơ: “Khi con được làm giám đốc, có nhiều tiền sẽ rước mẹ đang bệnh tật và anh trai (đang ở mái ấm dành cho nam) về chung sống”.
Cậu bé Nguyễn Hoàng Phúc, 12 tuổi, ở mái ấm Ánh Sáng Q.3, lại mơ làm cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Phúc mơ được nổi tiếng, trở thành người xuất sắc nhất, để được thi đấu dưới màu cờ sắc áo Việt Nam. Đằng sau ước mơ này là một điều ước sâu thẳm: “Con nổi tiếng để dễ tìm lại ba con”. Ba đã bỏ rơi mẹ Phúc, một phụ nữ trẻ bệnh tâm thần…
Hóa ra, phía sau những giấc mơ muốn làm cầu thủ bóng đá nổi tiếng, làm giám đốc để có nhiều tiền, làm công an để cứu người, thậm chí muốn làm hoa hậu, người mẫu thời trang… đều là trăn trở để lấp đầy khiếm khuyết cuộc đời mà chẳng may các bé gặp phải. Những giấc mơ có vẻ… hoang đường nhưng khi lắng nghe đã khiến người ta nghẹn ngào, như lời khẳng định chắc nịch của cô bé Vương Nguyễn Ngọc Trân ở mái ấm Hoa Sen H.Hóc Môn: “Con ước mơ có mẹ!”.
Cùng nắm tay các con
Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Việt Nam hiện có 29 triệu trẻ em (dưới 16 tuổi); trong đó có đến 156.000 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi do nhiều nguyên nhân khác nhau như: trẻ khuyết tật, kinh tế khó khăn, có thai ngoài ý muốn…
Đa phần các trẻ bị bỏ rơi trẻ mồ côi rơi vào nhóm trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, nhiều em khuyết tật nặng phải có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đặc biệt. Có những đứa trẻ trước ngày được nhận vào một trung tâm, mái ấm, nhà mở nào đó, chưa bao giờ được nếm hương vị sữa.
Trong khi đó, theo PGS-TS-BS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: “Dù đã rất cố gắng, nhưng trên thực tế không phải tất cả các bé đều được nuôi dưỡng trọn vẹn bằng nguồn dinh dưỡng quý giá, đó là sữa mẹ. Để nuôi dưỡng bé trong những hoàn cảnh khó khăn này, việc tìm kiếm nguồn dinh dưỡng để đáp ứng đủ nhu cầu và phù hợp nhất với thể trạng non yếu của trẻ nhỏ là một hành trình dài về thời gian và thách thức với sự phát triển của khoa học, từ phát kiến đầu tiên để cứu sống những trẻ em bị bỏ rơi, đến tiêu chuẩn hóa, thương mại hóa, chuyên biệt hóa trong sản xuất.
Bước tiến mới nhất là xu hướng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ một cách tự nhiên với những sản phẩm hữu cơ, tối giản nhất trong quy trình xử lý để giữ gìn sự vẹn nguyên của các dưỡng chất sẵn có trong thực phẩm, đảm bảo sản phẩm được an toàn, vệ sinh và chứa nhiều chất có hoạt tính sinh học tự nhiên cần thiết cho việc tăng trưởng, tăng cường sức khỏe của hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, nhất là trong những năm tháng đầu đời”.
|
Không khí cuộc họp báo của chương trình "Cho con tình yêu thương". Ảnh: Phùng Huy |
Vì tất cả những lẽ đó, chuỗi sự kiện “Cho con tình yêu thương” ra đời để kết nối, lắng nghe trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi trên cả nước nói về ước mơ của mình với sự đồng hành của nhãn hàng sữa dê công thức DG lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam (nhập khẩu từ New Zealand).
Trong lễ công bố chương trình, bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - cho biết: “Như tên gọi của chương trình “Cho con tình yêu thương”, những người lớn chúng ta cùng ngồi lại, lắng nghe và cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong tình thương, sự hiểu biết và trách nhiệm cộng đồng; để từng đứa trẻ được lớn lên một cách lành mạnh, trong sáng, khỏe khoắn.
Chúng ta trao cho các con nguồn yêu thương, thái độ sống biết quan tâm, chia sẻ; nguồn dinh dưỡng chất lượng và tốt nhất cho sự phát triển thể chất của trẻ, để từ đây, là khởi đầu cho quá trình hình thành một cách căn bản nhân cách, tầm vóc của trẻ - trước khi trưởng thành và trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội.
Hãy cùng chúng tôi - Báo Phụ Nữ TP.HCM và các đối tác tin cậy của mình - nắm tay các con, để những giấc mơ trẻ thơ sẽ được hóa thành hiện thực; để những người lớn - của ngày mai - sẽ thật sự hạnh phúc, ấm áp từ hôm nay”.
Nghi Anh
Sữa dê công thức DG đã có mặt tại Việt Nam
Cũng trong ngày 28/3, nhãn hàng sữa dê công thức DG chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam với đầy đủ các sản phẩm phù hợp theo từng lứa tuổi, giúp các bà mẹ có thêm giải pháp khi lựa chọn nguồn dinh dưỡng bổ sung hoặc thay thế cho trẻ. Hiện sữa dê công thức DG đã có mặt tại các cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành khác.
Sữa dê có những đặc tính quý giá: chất béo có kích thước nhỏ, mịn, phân bố đều, hàm lượng cao các a-xít béo chuỗi ngắn, trung bình, không no, dễ tiêu hóa, hấp thu. Đạm không tách lớp, vón cục trong dịch vị, hàm lượng Casein - αlpha S1 thấp phù hợp với hệ tiêu hóa non yếu của trẻ.
Ngoài ra, với cơ chế tiết sữa bán hủy bào chứa nhiều chất có hoạt tính sinh học tự nhiên cao cần thiết cho việc tăng cường hệ miễn dịch trong năm tháng đầu đời. Những dưỡng chất tự nhiên này, đặc biệt là các kháng thể, yếu tố tăng trưởng, vitamin và khoáng chất dễ bị ô-xy hóa, phân hủy nên đòi hỏi quy trình sản xuất khép kín, ngắn ngày.
Chương trình thực hiện tại 10 trung tâm, nhà mở, mái ấm
Chương trình “Cho con tình yêu thương” sẽ thực hiện tại 10 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, nhà mở, mái ấm trên địa bàn TP.HCM.
Qua những lá thư của các em gửi về, báo sẽ chọn lọc và chia sẻ những ước mơ của các em trên Phunuonline.com.vn từ ngày 28/3 đến 1/6, thể hiện dưới hình thức video, hình vẽ, mẩu chuyện ngắn và các hình thức khác.
Bên cạnh đó, Báo Phụ Nữ TP.HCM cũng sẽ tiếp nhận bài viết của tất cả trẻ em mồ côi trên cả nước qua địa chỉ email: chocontinhyeuthuong2018@gmail.com. Những bài viết được chọn đăng sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/bài.
Đặc biệt, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ chọn ra 3 bài viết của 3 em có hoàn cảnh đặc biệt và cùng các Mạnh Thường Quân giúp các em biến ước mơ thành hiện thực nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.