Hiền phản đối: “Xu hướng bây giờ là cho con học trường công giai đoạn tiểu học, nhưng đầu tư tiếng Anh cực chuẩn để đến lớp Tám cho đi du học. Chứ đầu tư tới mức đó mà tiếng Anh chưa đến đâu thì phí quá”.
Liên ủng hộ: “Cho con đi du học sớm, bé sẽ dễ thích nghi, sẽ rèn luyện tính tự giác, tự lập sớm, và chắc chắn sẽ thành công”. Nghe vậy, Thùy phản ứng: “Nghĩ sao mà con mới mười mấy tuổi đã sống xa gia đình. Đó là mong muốn của đứa trẻ, hay mong muốn của cha mẹ? Có thể, những đứa trẻ đi du học sớm đó sẽ thành công, nhưng nó có hạnh phúc không thì chưa chắc”.
Cuộc tranh cãi bắt đầu nóng lên, mỗi người đều có những lý lẽ sắc sảo để bảo vệ ý kiến của mình. Chị này dẫn chứng con chị A. đi du học khi mới cấp II, giờ đã là người Việt trẻ nổi tiếng ở nước ngoài. Người “đập” lại bằng những đứa trẻ du học sớm đã hoàn toàn bị Mỹ hóa, xem cha mẹ như người dưng xa lạ. Cũng có đứa trở nên ăn chơi lêu lổng, trong khi cha mẹ còng lưng lao động chu cấp tiền với niềm tin con sẽ thành công, tương lai tươi sáng.
|
Ảnh minh họa |
Khi cuộc tranh cãi chia thành hai phe chống và ủng hộ căng thẳng, thì nhân vật chính là chị Thảo - người chuyển trường cho con mới lên tiếng: “Với tôi, làm gì cũng phải dựa trên tiêu chí: con có hạnh phúc không, con có vui không. Tôi tin, một đứa trẻ có tuổi thơ hạnh phúc thì sau này cuộc sống có thuận lợi hay khó khăn, con cũng sẽ luôn lạc quan và yêu đời”.
Tuy nhiên, sự lên tiếng của nhân vật chính vẫn không dập tắt được tranh luận. Câu chuyện bắt đầu đẩy lên thành vấn đề xã hội. Nhóm du học sớm phản biện: “Con còn rất nhỏ, sẽ không hiểu được điều gì làm cho mình hạnh phúc, nên cha mẹ phải định hướng cho con. Và nếu con sớm tiếp cận nền văn minh hiện đại, nền giáo dục tuyệt vời, thì tương lai con mới đảm bảo, đó mới là hạnh phúc lâu dài”.
Đến lúc này, tôi - một người chưa chồng, chưa con - nãy giờ đứng ngoài cuộc tranh luận mới có ý kiến. Tôi không đả phá hay ủng hộ cho con du học sớm để có tương lai tốt, nhưng tôi lên tiếng vì tôi là minh chứng của một đứa trẻ đã từng có hiện tại hạnh phúc.
Một điều rất trùng hợp, là ngày xưa, khi tôi mới bảy tuổi, anh rể đầu của tôi khi cùng gia đình vượt biên đi Mỹ, đã xin ba tôi đưa tôi đi theo để sau này giúp gia đình đổi đời. Nhưng ba má tôi - vốn là nông dân bao đời đã không đồng ý với lý lẽ rất tự nhiên “con út còn nhỏ lắm, sống xa cha mẹ tội nó”. Ba năm sau - khi đang học lớp Năm, tôi bị phỏng nặng trong một trận hỏa hoạn, anh chị tôi biên thư về an ủi, trong đó có đoạn: “Bây giờ đời của con út coi như xong, phải chi ba má cho nó theo con thì tương lai nó huy hoàng rồi!”.
Ngày đó, thấy ba má tôi trầm ngâm khi đọc thư, tôi cũng không hiểu chuyện gì. Khi mới bị phỏng, tôi cũng chìm trong mặc cảm, bởi đi đâu cũng bị người khác nhìn, chỉ trỏ vào gương mặt chằng chịt vết sẹo và cái cằm dính chặt vào cổ khiến miệng tôi lúc nào cũng bị kéo xuống trông rất dị dạng. Nhưng nỗi buồn của tôi cũng qua mau, vì con nít vốn hồn nhiên, và trên hết là tôi luôn được sống trong vòng tay yêu thương của ba má và năm anh chị em. Mọi người xem tôi như một đứa trẻ bình thường, nên tôi cũng nghĩ mình bình thường. Tôi học hành, vui chơi, sinh hoạt một cách bình thường như bao đứa trẻ khác.
Rồi tôi vào đại học và ra trường với bằng cử nhân văn học. Ngoại hình đầy khiếm khuyết, chuyện đi xin việc với tôi vô cùng gian nan. Ba mươi bốn bộ hồ sơ xin việc của tôi đều bị trả lại. Thật sự có lúc tôi cũng vô cùng chán nản, có những ngày tôi rơi vào cảnh “không biết sáng mai sẽ đi đâu, làm gì”. Nhưng nỗi buồn này cũng nhanh chóng qua đi. Bởi tôi luôn tự nhủ: “Người ta cố gắng một, mình cố gắng năm thì chắc cũng được”.
Và tôi làm cộng tác viên cho các báo, viết bài cộng tác, chẳng ai để ý đến ngoại hình của mình. Cho đến một ngày, tôi nhận được điện thoại của chị trưởng ban một tờ báo vì thấy tôi viết tốt, chị muốn phát triển tôi thành phóng viên. Sau lần gặp chị, tôi đã trở thành phóng viên một tờ báo có tiếng và thật sự đổi đời. Hai năm sau, tôi gửi tiền về cho ba má xây nhà, chu cấp tiền cho các cháu học hành, giỗ chạp, tết nhất, tôi cũng đều chu toàn. Tôi còn tổ chức cho đại gia đình đi du lịch hằng năm - điều mà anh chị tôi ở Mỹ dù vẫn đau đáu nhưng không làm được, vì “cuộc sống bên đó cũng rất khó khăn”.
Đến nay, tôi vẫn đeo đuổi và hạnh phúc với công việc của mình. Điều giúp tôi vượt qua mặc cảm tật nguyền, cũng như những năm tháng khó khăn, chính là một tuổi thơ rất đẹp với những ký ức vui vẻ. Nó khiến tôi luôn lạc quan với niềm tin “mình phấn đấu, và sống tốt thì sẽ gặp được điều tốt đẹp”, ngay trong những ngày tháng đen tối nhất.
Chẳng biết điều tôi kể có chạm được “hai phe” hay không, nhưng “chiến sự” đã tạm yên, và lời qua tiếng lại được thay bằng biểu tượng ngón tay cái đưa lên “thích, đồng tình” với vế “hãy cho con vui vẻ, hạnh phúc”. Và tôi luôn tin, một đứa trẻ có tuổi thơ đẹp đẽ sẽ có trái tim nhân ái, tấm lòng hồn hậu, cùng nội lực đủ mạnh để vượt qua những khúc quanh ngặt nghèo của cuộc sống.
Khánh Phương