Cho con lưu ban, đâu dễ!

14/10/2020 - 08:57

PNO - Trên các diễn đàn cha mẹ liên quan tới nội dung sách giáo khoa lớp Một năm nay, không ít phụ huynh tặc lưỡi: “Chương trình khó quá, con không học được thì cho lưu ban. Học thêm năm nữa cho chắc, rồi lên lớp Hai, đâu sao!”. Thực tế lại không đơn giản như phụ huynh nghĩ.

Không ít phụ huynh chia sẻ rằng, họ không có nhiều con, họ cũng không nghèo đến mức đặt lên vai con gánh nặng "học để thoát nghèo". Họ quan tâm tới thái độ học tập, niềm vui trải nghiệm học hành trường lớp mỗi ngày hơn các kết quả học tập, các danh hiệu. Do đó, nhiều cha mẹ chấp nhận một cách nhẹ nhàng những thất bại trong chuyện học tập của con.

"Học không được thì lưu ban, học lại năm nữa cho chắc, tôi không ép con học, lỡ ảnh hưởng tới tâm lý của con", nhiều phụ huynh của học sinh lớp Một đang bàn với nhau.

Tuy nhiên, cho con lưu ban có dễ không?

Chị Linh kể rằng, bé trai con chị do sức khỏe không tốt, nên bé theo chương trình học khá vất vả. Vợ chồng chị Linh quyết định cho con học lại một năm nhưng không được đồng ý vì rất nhiều lý do. Thế là suốt cả tháng hè sau đó, cô giáo yêu cầu chị cho cháu đi học thêm để thi lại. Thay vì con người ta học 9 tháng, con chị học thành 10 tháng, cuối cùng con chị Linh cũng được lên lớp sau thời gian "nhồi vịt" để thi.

Chị Hiền, mẹ của một bé gái cũng khiến bạn bè tròn mắt khi kể về hành trình "xin cho con được lưu ban" đầy ác mộng. Ngày ấy, vì chị chưa có kinh nghiệm, nên đã vô tình làm hại con.

Do con chị sinh cuối tháng 12, vào lớp Một, bé hơi non tháng và học yếu hơn các bạn trong lớp nên cuối năm điểm thi không đủ để lên lớp. Chị Hiền xác định sẽ cho con học lại một năm cho "cứng", nhưng chị bật ngửa nghe tin con chị không được phép ở lại lớp. Có nghĩa là, dù "học hành luôn điểm kém, nhưng sang năm cháu cứ phải lên lớp Hai", dù chị đã viết giấy tình nguyện cho con ở lại lớp.

Cô giáo lúc này mới nói, con chị ở lại lớp là ảnh hưởng đến phong trào thi đua của trường. Cô giáo tư vấn chị đưa con tới một bệnh viện tâm thần ở quận Phú Nhuận để khám, làm sao xin được giấy chứng nhận của bác sĩ là con chị bị "thiểu năng trí tuệ". Như vậy, nếu cháu ở lại lớp, thì do con chị Hiền thiểu năng trí tuệ, chứ không phải do việc dạy và học chưa đạt. Giáo viên và nhà trường không bị ảnh hưởng thành tích.

Suốt thời gian cuối năm lớp Một đó, gia đình chị không lúc nào yên, nhà trường hết gây áp lực với ba, lại sang mẹ. Đại diện nhà trường còn bảo, nếu gia đình không đưa cháu đi khám tâm thần được, thì đóng tiền để họ đưa bé đi.

Các con sẽ hoàn thành bài tập ở trường thế nào khi phụ huynh không thể dạy con? Nguồn ảnh: Internet
Các con sẽ hoàn thành bài tập ở trường thế nào khi phụ huynh không thể dạy con? Nguồn ảnh: Internet

Cuối cùng, vì nghĩ muốn được "yên thân", chị Hiền đưa con đến bệnh viện, nhưng việc xin tờ giấy đó không có dễ. Lần đầu chỉ được đăng ký, bác sĩ hẹn hai tháng sau mới đến lượt của con chị. Bác sĩ bảo bệnh nhân đông lắm, mỗi lần khám cũng qua mấy vòng mất 3, 4 giờ. Rất mất thời gian, nên bệnh nhân phải xếp hàng chờ.

Trong thời gian chờ ấy, con chị Hiền phải học hè và tham gia thi lại. Kết quả là con chị vẫn không đủ điểm. Thấy con gái được học lại lớp Một, chị yên tâm là con chẳng cần giấy chứng nhận gì nữa.

Nhưng suốt mấy tháng đầu năm học lại đó, hai vợ chồng chị luôn bị trường "đòi" giấy chứng nhận. Chị trình bày rằng lượng người khám rất đông, chưa tới lượt con, thì hiệu trưởng nói những người đi khám cùng đợt với bé đều đã có giấy.

Những ngày ấy, con không tâm thần, mà chị như muốn tâm thần, khi liên tục bị hối thúc. Cuối cùng chị cũng mang con lên bệnh viện lần hai. Bé thấy cảnh la hét khóc lóc trên viện thì sốc, đêm về không thể ngủ yên, cháu bị ám ảnh.

Bao nhiêu học sinh cảm nhận được không khí mỗi ngày đến trường là một ngày vui? Nguồn ảnh: Internet
Bao nhiêu học sinh cảm nhận được không khí "mỗi ngày đến trường là một ngày vui"? Nguồn ảnh: Internet

Lúc này, chị quyết định chuyển trường cho con. Ở trường mới, người ta hỏi vì sao con chị ở lại lớp, chị thật thà kể lại quá trình. May mắn là sau đó con chị được đối xử bình đẳng, cứ mỗi năm lên một lớp, nay bé đã là học sinh lớp Năm, vui vẻ hoạt bát.

Nghe chị kể chuyện, đám phụ huynh chúng tôi hoang mang. Muốn kèm cặp giúp con học giỏi thì sợ trình độ mình có hạn, dạy dỗ phản khoa học. Không muốn phản khoa học thì phải cho con đi học thêm, mà đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện thời gian và tiền bạc để theo các lớp học thêm ấy.

Hai vợ chồng công nhân ở nhà trọ, nuôi hai đứa con ăn học đã muốn xính vính, cuối tuần con nghỉ học phải nhốt con trong nhà để đứa lớn trông đứa bé chứ không có tiền gửi con, tiền đâu mà cho con đi học thêm. Nhưng để con tự bơi, nếu con không đủ điểm lên lớp, muốn ở lại lớp cũng đâu dễ dàng!

Thảo Trang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI