Tuổi 18+: Quản con hay để con tự quản?

Cho con không gian để sống

24/08/2022 - 15:33

PNO - Không ít trường hợp đứa con trưởng thành bước ra khỏi nhà cha mẹ để sống riêng và sự “bóc tách” ấy để lại vết thương khó lành với người thân. Câu chuyện tự quản tuổi 18+ đã đưa đến nhiều luồng ý kiến. Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn (Ladies of Vietnam) để thêm góc nhìn về vấn đề này.


Phóng viên: Nhiều trường hợp người trẻ bị phán xét vô ơn, cạn nghĩ… khi bỏ nhà ra sống cuộc đời tự do. Xin chị cho biết quan điểm của mình.

Chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn
Chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn

 

Chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn: Người từ đủ 18 tuổi đã có quyền công dân, đã có thể chọn lựa về nghề nghiệp, nơi cư ngụ, tình yêu, tính dục, việc sử dụng tiền bạc, về những mối quan hệ… Đó không chỉ là góc nhìn của riêng tôi mà pháp luật đã quy định.

Tuy nhiên, nếu phụ huynh có “phong cách độc tài” thì người con ở tuổi nào cũng phải vâng lời và phục tùng; bị lạm dụng cả về thể chất lẫn tinh thần, sống để phục vụ cho ý muốn và kỳ vọng của cha mẹ. Khi ấy gia đình đã tước đi của con sự tự do, cơ hội phát triển, được sống, được làm việc, được là chính mình. 

* Không phụ huynh nào nghĩ mình độc tài. Chỉ vì sợ đứa con hãy còn dại khờ của mình rời xa tổ ấm sẽ bị người đời dụ dỗ, sẽ trượt dài, từ đó họ ra sức níu giữ con.

- Nếu trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, không ai có thể dụ dỗ. Chỉ có những cha mẹ thờ ơ, hời hợt, thiếu sự quan tâm đến con mới đổ thừa con bị dụ dỗ, lôi kéo. Không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ, con sẽ đi chia sẻ với ai đó bên ngoài. Nếu biết được điểm yếu của con, họ sẽ dẫn dắt. Thế thì trách họ hay trách cha mẹ? Trách họ một, phải trách cha mẹ đến hai. Thường trong xã hội Việt Nam, dư luận có xu hướng đổ hết lỗi lên đứa trẻ, lên tác nhân bên ngoài mà quên rằng người chịu trách nhiệm đầu tiên là cha mẹ. Cũng bởi phụ huynh không được tạo điều kiện để học làm cha mẹ và mấu chốt là nếp nghĩ “làm cha mẹ có gì đâu mà phải học”…

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

 

*Nhiều cha mẹ hoang mang ở chỗ, nếu con không muốn làm điều xấu thì tại sao phải giấu giếm, thoát vòng cương tỏa của gia đình?

- Hai chữ “tự do” vốn là lẽ sống của người trẻ, đôi khi lại là nỗi ám ảnh, hoang mang và bất lực nơi cha mẹ. Nếu hiểu tính cách, khả năng, sở thích của con, hiểu con người toàn diện của con, kết nối được với con về mặt cảm xúc, tình cảm thì không đánh đồng tự do với… “làm bậy”.

Nhiều cha mẹ gặp chuyên gia đã ấm ức vì chẳng hiểu sao con mình lại dại dột như thế. Còn con của họ thì thổ lộ: “Em thấy không tốt, em không an tâm khi tiếp tục sống trong nhà cha mẹ”. Tạm thời, các em không muốn gặp cha mẹ vì cảm nhận năng lượng rất tiêu cực. Hoặc cha mẹ quá kiểm soát, quản thúc làm thương tổn đến nhu cầu độc lập của con, không thể phát triển toàn diện. 

Dù con vẫn là con người bằng xương bằng thịt, không phải là búp bê vô tri vô giác, cũng không là một vật dụng trang trí. Các em có cảm xúc, có quan điểm, có mong muốn riêng, có những tổn thương mà chưa bao giờ có cơ hội để nói ra. Nếu bày tỏ thì lập tức sẽ bị dán nhãn là bất hiếu, con cái mà không nhìn mặt cha mẹ, dám trách cứ, phê phán cha mẹ hay đủ lông đủ cánh rồi phủi công ơn. Cho dù có nói ra cũng không được ghi nhận, chấp nhận vì trái ý gia đình, trái ý số đông. Người con đã chính thức bị bỏ rơi, bị ngược đãi về cảm xúc.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

* Quản con hay để con tự quản? Theo chị, giải pháp nào để mối quan hệ cha mẹ với con cái trưởng thành được êm thắm, hạnh phúc?

- Thực ra, nếu “bóc tách” khỏi gia đình, người trẻ vẫn sống ổn vì đã đến tuổi phải tự lo được cho bản thân. Vấn đề còn lại là về phương diện tình cảm. Hơn 18 tuổi, đã có quá trình trưởng thành cùng với cha mẹ, các em hiểu cha mẹ và biết những gì là có thể, không thể. Các em vẫn thương yêu cha mẹ, vẫn muốn lo cho cha mẹ nên mãi giằng xé với việc tự bảo vệ mình. Xung đột chỉ xảy ra khi trẻ bị đẩy đến bước đường cùng.

Hình tượng của cha mẹ rất thiêng liêng, chữ hiếu luôn đặt trên đầu. Trước hình tượng ấy, đứa trẻ trở nên nhỏ bé và chỉ có cách là ngừng yêu bản thân để làm tròn phận hiếu nhi, làm vừa ý cha mẹ. Trẻ lớn lên khiếm khuyết về mặt tình cảm. Xã hội phủ nhận hoàn toàn nỗi đau của đứa trẻ. Mọi người quên rằng tình yêu lớn nhất là gia đình mà nỗi đau lớn nhất cũng đến từ gia đình. Vì không thể ngừng yêu cha mẹ nên tình yêu đó đã chuyển hóa thành nỗi đau. Vì sao chúng ta phải đau khổ như vậy ngay khi đáng lẽ được vui sướng vì mầm xanh đã đến độ kết trái?

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Đã đến lúc cha mẹ ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, đối diện con, lắng nghe con. Cha mẹ tìm hiểu đằng sau những câm lặng, những tức giận, những rời xa, thậm chí những hủy hoại ấy của con là gì. Đồng thời chia sẻ với con nỗi lòng của mình. Hãy trả lại cho con khoảnh khắc, không gian để sống, làm việc, để có thể yêu và khám phá thế giới! Được tự do và yêu thương, con sẽ giữ mình và tự nguyện cân bằng nhu cầu bản thân với trách nhiệm gia đình. Nếu đã vô tình gây tổn thương cho nhau, cha mẹ - con cái hãy mạnh dạn nói lời xin lỗi và dành cho nhau cái-ôm-hóa-giải…

* Xin cảm ơn và kính chúc chị luôn vui khỏe, hạnh phúc! 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI