Cô bé Nguyễn Thùy C. - học sinh lớp Chín một trường THCS ở Q.4, TP.HCM - luôn được bạn bè ngưỡng mộ. Không phải vì C. học giỏi hay xinh đẹp, mà vì C. có người mẹ tuyệt vời.
Năm học lớp Bốn, Thùy C. thỏ thẻ với mẹ: “Con thích bạn Anh Khôi ở lớp”. Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (nhân viên một công ty truyền thông ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) tỉnh queo: “Mẹ thích con trai từ lớp Ba lận”. Rồi chị cười hỏi con gái: “Mà sao con thích bạn Anh Khôi vậy?”.
Thùy C. thoải mái kể cho mẹ nghe lý do vì bạn “đẹp trai, còn hay cho con bánh”. Chị Hiền nghe xong lại cười: “Mẹ cũng thích bạn đẹp trai, thích bạn học giỏi nữa. Con thích ai nhớ kể cho mẹ nghe nghe, để mẹ coi bạn đó được không”.
Cứ vậy, mà con gái đi học thích bạn nào, ghét bạn nào, mê thầy cô nào, thích học môn gì… chị Hiền đều rõ, vì ngày nào con gái về cũng líu lo với mẹ.
|
Được là chính mình không dễ, nhất là với những đứa trẻ gánh quá nhiều áp lực, kỳ vọng (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Năm lớp Tám, trước khi đi ngủ, C. khều mẹ: “Mẹ, hình như con thích bạn gái hơn bạn trai. Khi gặp hoặc nói chuyện với bạn G.H. con thấy vui, hồi hộp và cảm xúc lạ lắm mẹ, hơn cả lần con thích bạn Tuấn năm lớp Bảy”.
Chị Hiền mới nghe cũng bất ngờ, nhưng kịp trấn tĩnh và vẫn giữ giọng tỉnh rụi: “Rồi con có nói cho bạn biết cảm xúc của con không?”. “Con chưa nói”. Chị Hiền ôm con, nhỏ nhẹ: “Con còn trẻ, cảm xúc có thể thay đổi, con cứ lắng nghe cảm xúc của mình, nói chuyện với bạn nào vui thì con cứ nói, hay thích bạn gái hơn bạn trai thì cứ thích. Thích bạn gái hay bạn trai không quan trọng, quan trọng là con vui, cảm thấy thú vị và hạnh phúc với cảm xúc đó”. Cô con gái giơ ngón tay cái của biểu tượng “like và số 1” rồi gật gù “mẹ đúng là No.1”.
Rồi những ngày sau, bên cạnh việc học, C. lại kể cho mẹ nghe chuyện “tình yêu, tình báo” của mình. C. cũng thoải mái công khai với bạn bè rằng mình là một người “song tính” và có xu hướng đồng tính.
Trong khi đó, người anh họ đang học lớp 12 của C. phải đau khổ, sống khép kín và luôn bị mặc cảm có lỗi giày vò vì: đồng tính trong khi lại là con trai một. Dì của C. sốc và không chấp nhận được chuyện cậu con trai một là “trai cong”. Người mẹ này đã khóc lóc, rồi đay nghiến, miệt thị con trai cùng những người đồng tính.
C. nói với chị Hiền: “Con thấy tội anh T. quá, anh không được sống thật với giới tính của mình và không được là chính mình. Tuổi trẻ mà phải gồng mình sống, che giấu thân phận thì khổ lắm mẹ”.
Không chỉ gần gũi, cởi mở với con gái đang tuổi dậy thì, mà với cậu con trai mười tuổi, học lớp Bốn, chị Hiền cũng hành xử như một người bạn. Cậu con trai cũng thoải mái khoe với mẹ: “Bạn Ngọc là cờ rết (crush) của con, còn con là cờ rết của bạn Vi”.
Chị Hiền không bao giờ la, hay phản ứng như hầu hết bà mẹ khác: “Mới nút mắt mà cờ rết cờ riếc gì? Chị lắng nghe tất cả mọi chuyện của con dù chuyện có vẻ “xàm xí”, hay chuyện con bị cô mắng vốn học dở, học yếu chị cũng bình tĩnh đón nhận.
Chị Hiền chia sẻ: “Con tôi cũng nhiều lần rơi vào tình trạng không hiểu bài, thậm chí những phép cộng trừ đơn giản. Khi đó, tôi nghĩ bụng: “Chết, hổm rày mình không kèm con nên con quên hết, giờ phải kèm cho con có phản xạ nhanh hơn”.
Khi con có lỗi, hay làm điều gì chưa đúng, chị luôn đưa ra giải pháp từ bản thân mình để cải thiện tình hình, chứ không dùng đòn roi hay chê bai con. Cũng như, khi con chị có lỗi, chị không bao giờ nhắc nhở trước đám đông.
“Mẹ con tôi sẽ có khoảng hai giờ trò chuyện trước khi ngủ và đó là thời gian cả mẹ và con rút kinh nghiệm. Nhiều người quen nói tôi dễ dãi với con, điều này có lẽ đúng. Tôi chấp nhận làm một người mẹ dễ, và chấp nhận con mình có những thứ không giỏi, nhưng bù lại con luôn được là chính mình, sống với suy nghĩ của mình, thoải mái thể hiện suy nghĩ và sẵn sàng phản biện lại những gì con thấy, con nghĩ chưa đúng” - chị Hiền chia sẻ.
Tương tự, chị Ngọc Minh - nhân viên một ngân hàng có hai con 11 tuổi, tám tuổi - cũng chủ trương để cho con được làm chính mình. Chị kể: “Cô giáo của hai con thường mắng vốn con học chậm so với các bạn, cô nói gia đình cần kèm bé thêm ở nhà. Tuy nhiên, tôi biết rõ con ngoan, thông minh, nhưng tập trung kém, nên tôi chấp nhận học lực của hai cháu ở mức trung bình khá. Tôi biết, nếu gò con theo yêu cầu của cô, cho con làm thật nhiều bài tập, nếu tôi răn đe, đánh con thì con sẽ học tốt hơn. Nhưng, tôi không vì thành tích mà biến con mình thành một cái máy. Tôi chỉ khuyến khích con học, còn việc học kết quả như thế nào phụ thuộc vào năng lực của con. Tôi muốn con học phải vui và được là chính mình”.
Được là chính mình - tưởng như là điều hiển nhiên ở mỗi người, nhưng thật không dễ, nhất là với những đứa trẻ đang sống trong gia đình, thời đại có quá nhiều áp lực, kỳ vọng.
Có nhiều đứa trẻ buồn không dám nói, quá sức không dám than, áp lực không dám tỏ bày và mơ ước giấu kín trong lòng, phải sống với ước mơ, kỳ vọng của cha mẹ, để rồi trẻ đơn độc trong chính gia đình của mình và có em đã hành động nông nổi.
Giang Thùy