Cho con điểm tựa: Xem phim "Turning red" để tránh mẫu cha mẹ độc hại

14/04/2022 - 13:37

PNO - Cách dạy dỗ con nghiêm khắc có thể đem lại lợi ích cho đứa trẻ, nhưng nếu sự nghiêm khắc vượt giới hạn thì lại trở thành độc hại.

Trong bộ phim mới nhất mang tên Turning red (Gấu đỏ biến hình), hãng Pixar hướng đến khán giả châu Á với nhân vật chính là Mei Lee - cô bé 13 tuổi người Canada gốc Trung Hoa đang đối mặt với những thay đổi tâm sinh lý của tuổi mới lớn. 

Mei thường hóa thân thành một chú gấu trúc đỏ khổng lồ mỗi khi cô bé bị kích động, mặc cho đó là cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Đây là sức mạnh di truyền của gia tộc Lee, một lời nguyền khiến cho phụ nữ của gia tộc này gặp nhiều phiền phức trong cuộc sống thường ngày. Không những gặp rắc rối với khả năng đặc biệt, Mei còn phải duy trì hình ảnh hoàn hảo, gương mẫu trong mắt người mẹ bảo bọc con thái quá.

Poster phim Turning Red
Poster phim Turning Red

Chị Ming Lee, mẹ của Mei, là một “mẹ hổ” tiêu biểu: mạnh mẽ, luôn mong muốn con phải trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn như ý mình. Mặc dù hình ảnh nhân vật phụ huynh gốc Á đã quá khuôn mẫu trên các phương tiện giải trí, nhưng quả thực nhiều bậc cha mẹ phương Đông vẫn luôn áp đặt kỳ vọng to lớn, áp lực nặng nề hay lối hành xử cay nghiệt lên những đứa con, khiến chúng mang vết thương tâm lý lâu dài. Đây chính là hình mẫu phụ huynh độc hại vẫn phổ biến trong thời kỳ hiện đại.

Khoảng cách thế hệ và lối suy nghĩ của bà mẹ và Mei - ẢNH: DISNEY/PIXAR
Khoảng cách thế hệ và lối suy nghĩ của bà mẹ và Mei - ẢNH: DISNEY/PIXAR

 

Nhà tâm lý học người Mỹ Diana Baumrind đưa ra bốn dạng phương pháp nuôi dạy con: độc đoán, dân chủ, dễ dãi và bỏ bê. Trong đó kiểu nuôi dạy độc đoán là phương pháp được nhiều gia đình châu Á ưa chuộng. 

Không khó để nhận ra rằng đa phần phụ huynh châu Á thường chỉ trích và so sánh con cái của mình với bạn đồng trang lứa. Từ nhận xét ngoại hình, cách ăn mặc cho tới công việc và lối sống của thế hệ. Đối với họ, sự nỗ lực của con cái chưa bao giờ là đủ, họ luôn muốn con mình phải “hơn”: gầy hơn, béo hơn, ăn mặc đàng hoàng hơn, mạnh mẽ hơn... 

Hình mẫu cha mẹ độc đoán luôn tự cho mình là người hiểu biết rõ điều gì tốt và điều gì xấu, nhưng điều cần nhất họ lại không hiểu, đó chính là đứa con của họ. Không những vậy, họ còn thường có cái tôi rất cao, vì thế sẽ không chịu đặt bản thân mình vào vị trí của người khác. Đối với họ, sự chỉ trích và chê bai, hay thậm chí đánh đòn là yêu thương.

Hình mẫu người cha  biết tuốt hiện diện trong nhiều gia đình
Hình mẫu người cha " biết tuốt" hiện diện trong nhiều gia đình

 

Khác với nền văn hóa phương Tây, nơi coi trọng chủ nghĩa cá nhân và thói quen tập cho trẻ em tính tự lập, văn hóa phương Đông nặng về chủ nghĩa tập thể với giá trị chung của tập thể được đặt trên lợi ích cá nhân. Nhiều người châu Á coi trọng việc giữ thể diện, bởi vì nếu như một cá nhân trong tập thể làm điều gì đáng xấu hổ thì cả tập thể đó sẽ bị vạ lây. Vì thế, người trẻ không được khuyến khích bất đồng quan điểm hay chỉ ra cái sai của giáo viên, cha mẹ hay người lớn tuổi vì như vậy sẽ khiến họ mất thể diện và những đứa trẻ đó sẽ bị quy thành tội hỗn láo, bất hiếu với người lớn.

Để tránh bị con cái làm mất mặt, những phụ huynh độc đoán thường sử dụng nỗi sợ, sự sỉ nhục và chỉ trích làm công cụ để giữ đứa trẻ trong khuôn khổ “con ngoan, trò giỏi”. Những phụ huynh đó nghĩ rằng, bằng cách chỉ ra những khuyết điểm, cả bên trong lẫn bên ngoài của con cái nghĩa là đang giúp ích cho chúng. Họ cho mình quyền quyết định mọi sự trong cuộc đời của con cái. 

Quay lại với bộ phim Turning red, mối quan hệ giữa bà mẹ tên Ming và cô bé Mei rạn nứt khi mẹ phát hiện cuốn sổ của con gái có những hình vẽ thân mật giữa cô bé và một cậu trai làm việc ở siêu thị. Mẹ của Mei liền kết luận rằng cậu trai kia đã quyến rũ con gái và chạy ào tới cửa hàng nơi cậu làm việc làm rối tung mọi chuyện lên, khiến Mei xấu hổ trước mọi người và bạn bè. 

Ban đầu tôi thấy chi tiết này có phần phóng đại vì nghĩ rằng không cha mẹ nào lại hành xử như vậy. Nhưng tôi đã thay đổi suy nghĩ khi chứng kiến thái độ “bêu rếu con” của một bà mẹ khi phát hiện đứa con trai 13 tuổi tìm hiểu trang web có nội dung người lớn. Câu chuyện um sùm trên mạng cách đây không lâu.  Mẹ cậu cũng thuộc hình mẫu người “mẹ hổ” nghiêm khắc, nhưng lại thiếu khôn ngoan.

Thật ra, cách dạy dỗ con nghiêm khắc cũng đem lại lợi ích cho đứa trẻ, nhưng nếu sự nghiêm khắc đó vượt quá giới hạn thì lại thành cách dạy dỗ độc hại. Ai cũng có ý định tốt khi muốn con mình giỏi giang, mạnh mẽ để đạt được cuộc sống đủ đầy sau này. Nhưng ý định tốt vẫn chưa đủ mà họ phải cần có một cách dạy dỗ con cái cân bằng giữa độc đoán và dân chủ. 

Bà mẹ của Mei đã thay đổi tích cực
Bà mẹ của Mei đã thay đổi tích cực

Những người cha người mẹ độc hại đó đôi khi cũng chính là nạn nhân của một vòng lặp không hồi kết và họ không biết làm gì khác ngoài cách áp dụng chính những bài học khắc nghiệt đó lên con cái của mình.

Người mẹ trong Turning red cũng từng lạc lối khi đối diện với tuổi trưởng thành như cô bé Mei, để sau này chịu ảnh hưởng của nỗi thương tổn thế hệ và trở thành một người mẹ khắc nghiệt hệt như mẹ chị khi xưa. 

Bộ phim kết có hậu khi Mei đã chấm dứt vòng lặp luẩn quẩn này, đồng thời chữa lành vết thương lòng của người mẹ và trở thành một cô bé tự lập, mạnh mẽ. Đây là trách nhiệm của thế hệ trẻ để chấm dứt những khuôn mẫu giáo dục độc hại, và cũng là điều khiến không ít người “mẹ hổ” phải nhìn lại mình.

Kinh Quốc  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI