Vừa rồi, tôi có hẹn cà phê với chị đồng nghiệp. Chúng tôi dẫn các con đi cùng để các bé hai nhà chơi đùa với nhau. Tôi có việc đột xuất nên gửi con lại chơi cùng gia đình chị bạn.
Khi xong việc quay trở lại, tôi nghe chị kể: “Chị bất ngờ vì vừa nói "Bống có em Rô chơi cùng sướng nha", lập tức, con gái em khóc nức nở kể lể "ba mẹ chỉ thương em, ba mẹ không thương con, lúc nào cũng la mắng con, còn em thì không...”.
Tôi thật sự sốc, một đứa trẻ 5 tuổi lại khóc và than van đầy ấm ức như vậy với người ngoài, hằn con ức chế lắm.
Hôm ấy, tôi cố gắng nhìn nhận lại toàn bộ những gì xảy ra trong gia đình, cố gắng khéo léo hơn, cư xử khác đi với hai đứa con để thay đổi dần cái nhìn của con gái về ba mẹ.
|
Nuôi dạy trẻ cần rất nhiều yêu thương và kiên nhẫn (Ảnh minh họa) |
Thật tâm mà nói tôi biết tôi không phải là một bà mẹ tốt. Tôi chỉ đang phấn đấu làm một bà mẹ hạn chế ít nhất những sai lầm để bên con mỗi ngày. Trong quá trình nuôi nấng, dạy dỗ các con tôi biết rằng từ khi trẻ được sinh ra đến lúc con học hết cấp I là giai đoạn quan trọng hình thành nên tính cách, nhân sinh quan, thế giới quan quyết định nhân cách một đứa trẻ sau này.
Tôi vẫn luôn tâm đắc với cách nuôi dạy con lấy gốc rễ, nguồn cội từ tình yêu thương đúng cách. Điều đó chưa bao giờ là sai. Và tình yêu thương đó phải thể hiện qua ngôn từ, lời nói, hành động và thái độ để con hiểu, để con nghe, thấy và biết chứ không phải là để trong lòng. Trẻ con hay người lớn cũng thế, không ai thích chơi trò “đuổi hình đoán chữ”, có gì hãy nói hết ra cùng nhau, đặc biệt là với những đứa con của mình. Mỗi ngày tôi đều nói “Mẹ yêu thương các con, mẹ thương Bống, thương Rô…các con yêu của mẹ”, những câu này trở thành câu cửa miệng của gia đình tôi.
“Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, cha mẹ thương con đừng nghĩ trong lòng. Hãy nói với nhau để con tin tưởng rằng khi mọi thứ dường như trở nên tồi tệ, khủng hoảng, vẫn sẽ có người đứng bên con mà không hề do dự, đó chính là gia đình”. Tôi tâm đắc với những lời chia sẻ của bác sĩ Đinh Thạc trong Talk show "Cho con điểm tựa" do Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức vào ngày 7/4.
|
Tình yêu thương đúng cách là gốc rễ, nguồn cội để tạo điểm tựa cho con (Ảnh minh họa) |
Làm điểm tựa cho con trước hết phải yêu thương bọn trẻ khoa học chứ không phải theo kiểu “bà mẹ trực thăng” bao trọn gói. “Đừng làm “cha mẹ trực thăng” luôn bay lượn xung quanh con, kiểm soát mọi thứ quanh con. Bỗng một ngày sẽ khiến con bạn sống trong những ảo tưởng của một “gia tộc dâu tây” với những sự ích kỷ, tự tin, sĩ diện hão bên ngoài, còn mềm yếu thiếu kiên cường bên trong”…Đó là một đoạn viết trong cuốn sách dạy con nổi tiếng mang tên Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương - tác giả Sara Imas)
Hay như bác sĩ Đinh Thạc cho biết: "Điều chúng ta cần làm là ở mỗi giai đoạn, cha mẹ ghi chú lại trẻ cần gì, từ vấn đề tự chăm sóc đến học tập, tạo thói quen, thử thách cho trẻ. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là cha mẹ làm tất cả cho con bất kể việc cho ăn, uống nước, soạn bài… Thậm chí các bé 3, 4 tuổi cũng còn được đút ăn, nên trẻ không biết và cũng khó để hòa nhập khi vào trường”.
Một đứa trẻ khi khám phá, tinh nghịch làm hư hỏng đồ chơi hoặc bể vỡ đồ đạc. Phản ứng bình thường của chúng ta là la mắng và có thể quát nạt con. Nhưng sau những lần như vậy con vẫn tiếp tục phạm lại lỗi lầm.
Nếu chúng ta thay đổi cách giải quyết vấn đề, dọn dẹp hiện trường vụ việc cùng con. Sau đó giải thích cho con hiểu vấn đề nên và không nên - có thể một hoặc nhiều lần nếu con có lặp lại - sau này trẻ sẽ không bao giờ tái phạm. Vì chúng nhận được sự yêu thương, bảo vệ, thấu hiểu, bao dung và thông cảm từ phía ba mẹ, gia đình. Và khi con đã cảm nhận được tình yêu thương thì sau đó chúng ta dần dần uốn nắn chúng theo cách mình muốn chắc chắn có sự hợp tác tốt đẹp chứ không phải là sự phản kháng.
Tôi biết mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, chúng có cảm nhận, suy nghĩ riêng của mình, mỗi độ tuổi đều có tâm sinh lý khác nhau. Và đừng bao giờ bỏ qua hay suy nghĩ đơn giản “Trẻ con mà, biết gì đâu”. Làm điểm tựa cho con tốt nhất là nên trở thành bạn của con, để con có thể chia sẻ hết mọi buồn vui, nỗi niềm trong cuộc sống.
|
Làm bạn cùng con để hiểu tâm tư, tình cảm của con (Ảnh minh họa) |
Làm bạn của con là đặt ở vị trí của con để cảm nhận, để suy nghĩ và giải quyết những vấn đề. Tôi luôn nhắc nhở bản thân hãy đối xử với con những điều con muốn chứ không phải những gì tôi muốn. Bởi những gì tôi muốn là xuất phát từ cảm nhận, mong muốn và nhu cầu của người lớn chứ không phải của một đứa trẻ.
Tôi tin trên hành trình yêu thương với những đứa con của mình, nếu để tâm tôi cũng sẽ tìm ra những giải pháp hữu hiệu phù hợp với tính cách của từng đứa trẻ. Và những gì phù hợp thì tất nhiên là đúng và tốt nhất.
Huỳnh Kim Hoa