Cho con điểm tựa: Sống can đảm là một thái độ cần thiết

14/04/2022 - 05:55

PNO - Con trai tôi tám tuổi nhưng tinh thần ham thích thể thao và khát khao “lên rừng xuống biển” có thể còn cao hơn nhiều người lớn. Cũng vì con quá hiếu động mà tôi hay bị thầy cô “mắng vốn”: “Con chị ở lớp quậy phá, gây phiền phức, bày trò”.

 

Vận động ngay từ tuổi sơ sinh 

Do con tôi, Alex, thuộc dạng năng động, sáng tạo, nhanh nhẹn về thể chất, nên việc bị yêu cầu ngồi yên là một hình phạt nặng nề và là điều mà bé khó có thể thực hiện. Ngay từ khi con lọt lòng, vợ chồng tôi đã áp dụng các bài thể dục sơ sinh cho con và luôn khuyến khích bé vận động vì không muốn con mình trở thành tín đồ của thiết bị điện tử. 

Tuy nhiên, cũng từ thói quen này mà nhu cầu vận động càng tăng dần theo mức độ lớn lên của bé. Khi các hoạt động trên mặt đất không còn đáp ứng được nhu cầu giải tỏa năng lượng, con tôi chuyển sang các hoạt động mạo hiểm như leo núi, lặn biển, vượt cáp treo… 

Alex chinh phục đỉnh Lang Biang bằng đường đi bộ
Alex rất hào hứng với các hoạt động mạo hiểm cần sức bền

Trẻ năng động không phải là một điều xấu, nhưng rõ ràng là một thử thách lớn của cha mẹ, nhất là khi chúng ta cần ở trẻ sự tập trung và cư xử điềm đạm ở những nơi công cộng đòi hỏi sự yên tĩnh. Ngay cả trường học ngày nay cũng không phải là nơi có những hoạt động thể chất phù hợp với những trẻ năng động, nhất là thời buổi “đất chật người đông” sân trường không còn đủ không gian và cây xanh cho trẻ con leo trèo, chạy nhảy trong giờ chơi. 

Và để không bị bức bối, những bé hiếu động như con trai tôi thường bày các trò nhằm giải tỏa năng lượng. Mặc dù không hề có mục đích quấy phá chọc ghẹo ai, nhưng bé vô tình gây bực bội cho những người xung quanh. Những thầy cô nếu không trực tiếp giảng dạy bé và không hiểu rõ tính nết sẽ dễ nhìn con trai tôi như dạng “học sinh lì lợm và cá biệt”. Tuy nhiên về phía mình, sau nhiều lần được mời họp phụ huynh, tôi hiểu nỗi khổ của thầy cô và cả bạn bè của con.

Chắc chắn đối với một đứa bé hiếu động, việc yêu cầu bé ở yên và tập trung là điều hoàn toàn không khả thi. Trẻ sẽ không thực hiện được mà người lớn còn cảm thấy thất vọng vì cảm giác như trẻ “không chịu nghe lời”. Xác định vận động là bản tính và nhu cầu của bé, chúng tôi yêu cầu thầy cô hiểu và không nên có hình phạt vì dễ làm trẻ không phục và phản tác dụng, thay vào đó xin thầy cô hãy kiên nhẫn với bé. 

Về phía gia đình, chúng tôi cũng tăng cường cho bé hoạt động thể chất để bé có sân chơi và phát huy được khả năng. Có thể lời khuyên tốt nhất là cha mẹ đừng ngăn cản, cấm đoán, sử dụng hình phạt, mà thay vào đó nên tìm chỗ cho trẻ được thể hiện bản tính năng động hết mức mà bé muốn, vừa để thử thách và khám phá bản thân, vừa không tích trữ năng lượng tiêu cực trong người. Cha mẹ hãy tạo cơ hội cho trẻ được giải phóng năng lượng.

Alex mê lướt ván trên sóng
Alex không ngại thử môn lướt ván trên sóng

Tham gia các hoạt động bên ngoài 

Một ngày của con trai tôi đầy ắp các hoạt động. Sau giờ học tôi đăng ký môn bóng rổ và võ thuật cho bé, mỗi môn xen kẽ 3 buổi/tuần. Còn ở nhà, chung cư của chúng tôi có hồ bơi nên mỗi khi không đi học bé sẽ chơi hàng giờ ở đó. 

Nhiều bố mẹ hay quan niệm trẻ sẽ bị cảm lạnh, bệnh, sổ mũi khi chơi lâu dưới nước. Thật ra, hồ bơi trong chung cư được vệ sinh rất tốt. Để con đỡ nhàm chán, tôi trang bị thêm cho bé ống thở, mắt kính lặn và giày nhái, tấm lướt ván dưới nước, và không quên bôi kem chống nắng có độ SPF cao. Bơi lội là môn thể thao tốt cho trẻ, vừa giúp trang bị kỹ năng sinh tồn dưới nước, vừa giúp mang lại niềm vui sau những giờ học tập căng thẳng.

Alex cùng mẹ đi biển, đi cắm trại
Alex cùng mẹ cắm trại

Cuối tuần chúng tôi đăng ký cho bé tham gia các trò chơi leo vách núi nhân tạo, trượt ván, thả diều hoặc thực hiện những chuyến leo núi dã ngoại, lặn biển. Gần đây nhất bé muốn tham gia trò chơi trượt cáp treo và muốn mẹ tham gia. Tôi thấy sợ nhưng cũng muốn tham gia để trải nghiệm cảm giác mạnh cùng con và không muốn nỗi sợ của mình ảnh hưởng đến sự tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống của con. Tôi khuyến khích con đeo đuổi những sở thích và đam mê lành mạnh của bản thân. Sống can đảm là một thái độ cần thiết khi trưởng thành.

Làm mẹ của một đứa bé năng động rất nhiều áp lực. Và để nuôi dưỡng tính năng động cũng như lòng can đảm trong một đứa trẻ đòi hỏi phụ huynh cũng gạt bỏ những nỗi sợ hãi. Khi nào cần thiết thể hiện sự lo lắng tôi sẽ trao đổi rõ ràng về mức độ nguy hiểm trong các hoạt động cho bé nhưng tôi không muốn chính nỗi sợ trong mắt mình làm cản trở sự lớn lên lành mạnh cả thể xác và tâm hồn của một đứa trẻ.

Đứa bé hiếu động nào cũng thích được chạy nhảy trên cỏ
Đứa bé hiếu động, việc vận động như là hơi thở. Alex rất thích được chạy nhảy giữa cỏ cây. Trong hình, cậu bé đang chinh phục đỉnh Lang Biang bằng đường bộ.

Đăng ký các khoá học cho con

Đối với những đứa bé hiếu động, việc được vận động như là hơi thở. Ngăn cản không giải quyết được vấn đề, nhưng nếu để bé vận động chạy nhảy hay tham gia các trò mạo hiểm một cách tùy tiện thì khả năng tai nạn rất cao. Vì vậy, tôi đăng ký cho bé tham gia các khóa học để bé được thực hiện động tác một cách bài bản từ các chuyên gia, giúp hạn chế nguy cơ chấn thương và tăng hiệu quả trong các trò chơi vì các hoạt động này thường là các trò chơi đối kháng. 

Người năng động thường sống lành mạnh, ít bệnh tật và vui tươi. Vì vậy, tôi luôn khuyến khích bé vận động và hướng nguồn năng lượng vận động vào đúng chỗ. Tôi cho bé tham gia các giải đấu thiếu nhi để thử sức, tăng tính nghiêm túc và tập trung trong tập luyện, biết theo đuổi mục tiêu.

Hướng trẻ thành người hữu ích 

Trong những lần họp phụ huynh, bên cạnh những lời mắng vốn do quấy phá, tôi còn nhận được các lời khen từ nhiều thầy cô: “Bé rất tốt bụng, hay bảo vệ những bạn bị bắt nạt”, “Con rất thích giúp thầy đi lấy đồ dùng học tập”, “Sau giờ ngủ trưa, con hay ở lại với cô xếp hết mền gối của các bạn và để ngăn nắp vào đúng chỗ”… Là mẹ, tôi vui khi biết con giúp người khác. Cũng nhân dịp này tôi giải thích thêm với thầy cô là con trai tôi không phải thuộc dạng quấy phá, nhưng do bé không chịu ngồi yên nên hay bày trò. Nếu thầy cô biết đặc điểm này của bé, hướng bé đến các hoạt động có ích giúp đỡ mọi người thì những trẻ hiếu động sẽ thấy đây thực ra cũng như những trò chơi và sẽ vui vẻ thực hiện. 

Ở nhà, khi làm việc nhà tôi hay rủ bé làm cùng để tôi dễ quản lý hoạt động của bé khi mình bận rộn, đồng thời cũng thông qua đó dạy bé trở thành người có ích. Bé có thể thực hiện các công đoạn giặt đồ như bỏ đồ vào máy giặt, phơi đồ, xếp đồ, lau nhà, giúp soạn bàn ăn…

Chắc chắn những hoạt động này sẽ mang lại cho con ký ức về những ngày tuổi thơ tươi đẹp khi chúng lớn lên. 

Gia đình Alex khám phá hang động
Gia đình Alex khám phá hang động

Giúp trẻ giữ nguồn năng lượng sống 

Tính năng động thúc đẩy trẻ tìm tòi, khám phá, sáng tạo và giúp chúng cống hiến khi trưởng thành. Tôi không muốn con trai mình đánh mất đi nguồn năng lượng và sự nhiệt tình mà bé có dành cho cuộc sống. Chắc chắn bé sẽ không còn thấy nhiệt huyết và hào hứng khi cha mẹ luôn miệng yêu cầu bé hãy ngừng lại, giữ trật tự, im lặng, chỉ ngồi yên… Tôi không mong con mình thành người “nhiệt tình thái quá”, nhưng có được nhiệt huyết và giữ được nhiệt huyết trong tất cả những điều mình làm là một may mắn. Kỷ luật chắc chắn là điều cần thiết nhưng kỷ luật là để rèn luyện, không phải để dập tắt mọi cảm hứng của một đứa trẻ. 

Là mẹ, tôi mong rằng mình là một trong những người đầu tiên mà con trai chia sẻ sự nhiệt tình đối với cuộc sống. Vì vậy, thay vì lo lắng hay chỉ nghĩ đến sự yên ổn dễ chịu cho bản thân và yêu cầu con trật tự, tôi giúp bé trang bị kỹ năng để bé biến những hoạt động thành niềm vui sống ngay cả lúc nhỏ và khi trưởng thành. 

Nhất Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI