Cho con điểm tựa: Khai thác con - khó nhưng vẫn có cách

10/04/2022 - 11:11

PNO - Lắng nghe con nói là một sự kiên tâm, nhẫn nại. Đòi hỏi ở cha mẹ một “kỹ năng mềm” của sự cảm thông, chia sẻ một cách ân cần, đầy thuyết phục

Không dễ dàng gì để đứa trẻ dám nói ra những lỗi lầm, sai phạm ở nhà trường, khi bị cô thầy trách mắng, bị điểm kém, bị bạn bè chế diễu, chơi xấu hay bắt nạt. Bởi có khi con xấu hổ, sợ bị rầy la thêm lần nữa hoặc có khi là bị “đầu gấu” trong lớp học đe dọa.

Dĩ nhiên cũng còn tùy thuộc vào đứa trẻ có tính cách thế nào, có thích trò chuyện hay không. Nếu trẻ hay nói, hay kể chuyện cho mọi người nghe thì tương đối dễ “khai thác”. Nhưng với đứa trẻ sống nội tâm, không thích tỏ bày... thì ba mẹ không thể hỏi thẳng vào vấn đề, mà cần một sự khơi gợi... để trẻ hứng thú vào cuộc trò chuyện với mình, mới dần đi vào góc khuất tâm tư của trẻ được.

hỏi chuyện con trẻ không dễ, vì chúng có xu hướng giấu những chuyện không hay
Hỏi chuyện con trẻ không dễ, vì chúng có xu hướng giấu những chuyện không hay (Ảnh minh họa)

Khi trẻ kể chuyện, phát hiện ra trẻ đã làm sai hay nghĩ chưa đúng, ta đừng vội buông lời bình phẩm hay phán xét. Nên thể hiện thái độ bình thản, hoặc có thể là đồng tình. Để rồi sau đó ta sẽ nhẹ nhàng lần giở lại vấn đề, giải thích, phân tích cho trẻ hiểu, nhận ra đâu là sai đúng.

Nếu trẻ vẫn chưa chịu mình sai. Cha mẹ nên tạm đừng vấn đề lại, để vào dịp khác, tìm một câu chuyện, một sự việc tương tự kể cho trẻ nghe, minh họa cho chuyện cũ, để từ từ thuyết phục trẻ “về phe” của mình, công nhận là ba mẹ nói đúng (nhưng không cần nhấn mạnh trẻ đã sai, dễ làm trẻ tự ái).

Và chỉ cần như vậy, trẻ sẽ có cảm giác nhẹ nhõm vì không bị la rầy, không bị quy kết lỗi lầm... Về sau, trẻ sẽ không ngại ngần, đề phòng, né tránh người lớn khi có “sự cố” xảy ra với trẻ, bởi ba mẹ biết cũng đâu bị rầy la gì mà sợ! Và thế là trẻ có nơi để trút cạn nỗi niềm khi cần thiết.

Hồi con gái tôi học lớp 3, đang là học sinh giỏi, bỗng cháu tụt hạng xuống cuối lớp. Ký sổ liên lạc cho con mà tôi hoảng hốt, không hiểu vì sao? Thay vì la toáng lên, tôi gọi con vào hỏi lý do. Tôi không quan tâm thành tích, nhưng việc sa sút trong học tập bất thường của con làm tôi lo lắng.

Thì ra do lớp có cô giáo mới từ miền ngoài dạy thay cô giáo cũ, con không nghe được giọng cô nói, nên không hiểu bài, thường xuyên viết sai chính tả. Thế là tôi lên gặp cô giáo nói chuyện, tìm giải pháp khắc phục. Cô hiểu ra vấn đề, nói chậm lại, lặp đi lặp lại nhiều lần khi giảng bài. Từ từ con nghe quen giọng cô, hiểu bài, viết đúng chính tả, học lực trở lại như cũ.

Con tôi chơi thân với 2 cậu bạn hút hít ma tuý (Ảnh minh họa)
Ciết tin con tôi chơi thân với 2 cậu bạn hút hít heroin, tôi xây xẩm mặt mày (Ảnh minh họa)

Rồi khi phát hiện trong nhóm bạn thân của con trai có 2 cháu chơi ma túy. Thực lòng tôi rất sợ, nhưng cố bình tĩnh, trò chuyện cùng con, hỏi thăm một cách ngẫu nhiên... Tự khắc con kể hết với tôi, còn khoe: “Con đang khuyên tụi nó bỏ hút đó mẹ”.

Trời ạ, chuyện này mà thằng bé 15 tuổi tin là mình làm được, tôi nghe mà xây xẩm mặt mày. Nhưng cố làm ra vẻ thản nhiên, khuyên con nên giúp bạn. Sau đó tôi vội vàng sắp xếp cho hai chị em cùng đi học thêm Anh văn ở trung tâm khá xa nhà, hai chị em cùng chở nhau đi về sau giờ học.

Thời gian chơi với bạn ít đi, và con lại bận với môn học mới nên cũng không còn thời gian tụ tập cùng bạn nữa. Rồi sau đó là bước vào năm thi cuối cấp, nên con dần xa các bạn mà không có sự can thiệp nào trực tiếp của tôi.  

Sau này, mỗi lần con cháu sắp bước vào các kỳ thi, tôi luôn trấn an: “Đậu tính theo đậu. Rớt tính theo rớt. Lúc nào cũng có cách để sống vui sống khỏe. Tụi con đừng lo”. Nhờ vậy, các con cháu đi thi trong tâm trạng nhẹ nhàng, bình thản chứ không run sợ vì “Rớt cũng không sao” mà. Kết quả là con cháu cứ thi đâu đậu đó.

Giờ các con cháu đều đã lớn, nhưng chuyện gì cũng “Mẹ ơi, mẹ à”, “Bà ơi, bà à”. Cũng có khi gặp xui, bị bà la um sùm, nhưng sau cơn la là ngồi lại cùng nhau để hỏi han, lắng nghe và chia sẻ.

Ngọc Trúc (Q12, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI