Sau nhiều năm tiếp xúc, tham vấn tâm lý cho hàng ngàn phụ huynh, tôi thấy phần đông cha mẹ kỳ vọng con mình ngoan ngoãn, nghe lời, học giỏi… Điều này không sai, nhưng điều cần thiết khác lại ít người thực hiện, đó là hỏi con: “Hôm nay con có vui không? Trong lớp, có bạn nào hay chơi với con?”.
Rất ít người biết cách đặt câu hỏi để biết con đồng ý bao nhiêu phần trăm với những sắp xếp “muốn ngộp thở” của cha mẹ trong lịch trình dày đặt, lặp đi lặp lại mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng?
Tôi thường phân tích để phụ huynh thấy rõ cái ổn và chưa ổn để kịp “quay đầu” trước khi đứa trẻ “kiệt sức”. Nhiều trường hợp phụ huynh “báo cáo” khi tôi hỏi: “Một ngày của con anh/chị thế nào?”: sáng và chiều học ở trường, tối từ thứ Hai tới thứ Sáu học thêm hoặc có gia sư dạy kèm; thứ Bảy và Chủ nhật học năng khiếu. Tôi hỏi tiếp: “Vậy, thời gian nào con đi ra ngoài cùng gia đình, bạn bè? Lúc nào con được đi du lịch, khám phá thiên nhiên? Giờ giải trí, hồi phục năng lượng của con là khi nào?”.
|
Hãy cho trẻ bước ra khỏi nhà và lớn lên cùng những chuyến đi |
Những cái lắc đầu khiến tôi chua xót. Có người bảo: “Còn nhỏ, cứ tập trung học hành, lớn chút xíu hay trưởng thành rồi tính tới hưởng thụ, giải trí”. Cũng có người băn khoăn: “Tôi cũng muốn cho bé đi học kỹ năng sống, đi dã ngoại cuối tuần, nhưng nếu không học, con sẽ thua các bạn, kết quả học tập sẽ thấp”.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những học sinh được vui chơi giải trí nhiều, sẽ phát triển tốt hơn cả về thể chất, tinh thần, lẫn trí tuệ so với trẻ phải học xuyên suốt những ngày nghỉ, ngày hè.
Chỉ một số ít phụ huynh can đảm chọn lối đi riêng: không cho con học thêm, không gia sư, không phụ đạo, cuối tuần là dịp con đi đó đây trải nghiệm, học kỹ năng sống.
|
Trẻ tuổi tiểu học hoàn toàn có thể làm những việc nhà thông thường |
Chị Ngọc Linh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều người nói em gan khi không cho con học thêm. Ở nhà chỉ có mẹ ôn bài cùng con. Em không tạo áp lực cho con, miễn con vui là được. Cuối tuần em cho con đi bơi, đi công viên, khu vui chơi. Hè này, em đưa con về nội, ngoại để con ra đồng bắt ốc, lên rẫy tìm dế và có thời gian vui đùa cùng trẻ trong xóm. Dù xét về học lực, con em chỉ trung bình khá, nhưng em hài lòng”.
Cho con tham gia trải nghiệm nhiều năm nay trong các chương trình chúng tôi tổ chức, phụ huynh Thúy Vinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) và Bích Trâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Sau các chuyến đi các con bảo tham gia vui lắm, học được nhiều kỹ năng sống hữu ích”.
Với kiểu tổ chức du lịch “không giống ai” của chúng tôi, nhiều phụ huynh đi từ tò mò đến đăng ký cho cả nhà cùng tham gia, cuối cùng là “thả tự do” để con cái đi với các thầy cô trong đoàn mà không cần ba mẹ theo cùng.
Chị Kim Hưng, sống tại Q.7, TP.HCM, nghe lời chị bạn thân: “Cho con bà đi với con tôi. Con tôi đi với thầy Huân nhiều chuyến rồi, về còn rủ cả cha mẹ, ông bà đi cùng nữa”. Thế là chị Hưng chấp nhận cho đi nhưng vẫn lo, trong buổi sáng trải nghiệm đầu tiên của con, bà mẹ trẻ đã gọi cho ban tổ chức cả chục cuộc để hỏi thăm con có say xe không, có nghe lời không, có mè nheo, nhớ mẹ không?
Khi an tâm hơn, buổi sau chị Hưng gọi ít hơn và ngày cuối không gọi nữa. Chị thổ lộ, ở nhà chị ăn ngủ không yên vì lần đầu con xa mẹ, đi xa và ngủ qua đêm một mình ở nhà người khác. Nhưng thấy con về nhà huyên thuyên kể về chú chó nhỏ, mèo con, vườn trái cây, cánh đồng lúa, về biển và ruộng… thì chị yên tâm hẳn.
|
Những chuyến đi ra ngoài giúp trẻ trải nghiệm kỹ năng sống |
Nội dung chủ đạo của các đợt trải nghiệm cuối tuần, trải nghiệm hè thường là: thả diều, tắm suối, tắm biển, học cách quét nhà, rửa chén; đi chợ, chăm sóc vật nuôi, chèo xuồng, nhặt rác, xếp mền gối; nhóm bếp than/củi nấu cơm, làm bánh, nấu chè; trồng rau, tìm hiểu văn hóa địa phương, đi rừng hái nấm, trái cây rừng, học cách sinh tồn trong rừng, khám phá cây thuốc, học cách mắc võng, xem hướng mặt trời để đoán khung giờ.
Trẻ cũng được học cách kết bạn, nhường nhịn, học các kỹ năng sống, sinh tồn cơ bản ngay trong hành trình như: phòng, chống bắt cóc, bạo lực, xâm hại tình dục, giáo dục giới tính, thoát hiểm, quản lý tiền, giao tiếp, tự vệ, dựng lều, phòng, chống đuối nước, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, loài vật…
Chương trình thiết kế dành cho trẻ nhỏ, điểm đến luôn thay đổi nhưng có đặc điểm chung là đều diễn ra ở các vùng nông thôn, rừng bảo tồn, núi, suối, biển, vườn cây…
Kết thúc các chuyến đi ngắn là những phản hồi tích cực và dư âm dài lâu - thành quả ngọt ngào này khiến các giáo viên tâm lý, kỹ năng sống trong ban tổ chức hài lòng trong suốt hơn 5 năm qua.
Rõ ràng, học không phải và không nên chỉ gói gọn trong nhà trường hay gia đình, trong trung tâm hay trên internet, mà còn nên diễn ra trong những chuyến đi thực tế. Những nơi trẻ đến, những người trẻ gặp, những tình huống bất chợt xảy đến từ thiên nhiên, cuộc sống, sẽ cho trẻ trải nghiệm từ cách hành xử, giao tiếp giữa mọi người với nhau. Thành công của một người không thể định lượng bởi bảng thành tích, bởi những điểm 10, cũng không thể định danh bằng bằng cấp, vị trí, địa vị xã hội mà cần có cả sự đo đạc chất lượng cuộc sống, sự lành mạnh về tâm lý, ổn định và hạnh phúc về tinh thần.
Người bán cá vẫn hạnh phúc sau khi bán hết phần cá hôm nay, anh phụ hồ vẫn có quyền tự hào về công sức của mình đã góp phần tạo nên căn nhà đẹp, đứa trẻ cũng có thể vui vì mình học khá thôi nhưng đó là nỗ lực thực sự, không đến từ việc học trước kiến thức hay làm theo những khuôn mẫu áp đặt.
Những người lớn lên bằng trải nghiệm, bước đi bằng sự mạnh mẽ của đôi chân, giải quyết vấn đề bằng kiến thức, năng lực, kỹ năng có được sẽ dễ đạt được sự cân bằng trong đời sống hơn những người khác.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân
(Trung tâm Ứng dụng tâm lý giáo dục An Nhiên)