Cho con điểm tựa: Cha mẹ phải nghe con thế nào?

07/04/2022 - 19:13

PNO - Tôi hơn con mấy chục năm kinh nghiệm, nhưng cứ vừa nghe đầu câu chuyện đã đoán ra khúc cuối, rồi phán luôn con phải làm thế này thế kia.

 

Liên tiếp những vụ tự tử gần đây của trẻ ở độ tuổi học sinh, khiến nhiều người bàng hoàng. Nhiều cha mẹ giật mình nhìn lại, lo lắng không biết con mình ổn không? Mình có từng áp đặt, tạo áp lực nào đó cho con không?

Trong talkshow “Cho con điểm tựa” do báo Phụ nữ TP HCM tổ chức mới đây, tôi tâm đắc với ý kiến của Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc (Trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1): “Làm cha mẹ cần có kỹ năng lắng nghe. Người nói giỏi không bằng người nghe giỏi”. Lắng nghe con thôi, nếu không đủ kiên nhẫn, không đủ yêu thương, ba mẹ có thể bỏ qua cơ hội nâng con đứng lên một đoạn gập ghềnh nào đó.

Làm mẹ phải luôn học cách lắng nghe con (Ảnh minh họa)
Làm mẹ phải luôn học cách lắng nghe con (Ảnh minh họa)

Tôi có một bé gái 14 tuổi. Tôi tự hào là người mẹ quan tâm con, biết cách làm bạn với con. Nhưng theo dõi qua talkshow, tôi hiểu tôi không phải là người mẹ hoàn hảo bởi chưa từng lắng nghe con một cách chân thành. Tôi luôn nghĩ mình hơn con mấy chục năm kinh nghiệm, vừa nghe đầu câu chuyện đã đoán ngay khúc cuối, rồi phán luôn con phải làm thế này thế kia…  Ánh mắt thất vọng của con, tôi cho qua, vì nghĩ lớn chút con sẽ hiểu.

Tôi có xem một chương trình game show. Cậu bé 7 tuổi hồn nhiên kể con có bạn gái rồi, là bạn cùng lớp với con. Bạn gửi thư tình cho con, trong bức thư vẽ mỗi trái tim… MC Lại Văn Sâm đã cười rất sảng khoái. Ngoái xuống hàng ghế khán giả, anh nhắc ba mẹ và thầy cô giáo chớ có rầy la cháu. Cứ để tự nhiên thôi nhé. Trẻ con nào cũng hồn nhiên như thế, không có gì nghiêm trọng.

Tôi nghĩ cậu bé ấy có ba mẹ thật tuyệt vời nên cậu mới chia sẻ rất chân thật và thú vị. Ba mẹ biết lắng nghe sẽ kết nối được với con, đồng hành cùng con. Có nghe mới hiểu. Và hiểu mới có thể đồng cảm, chia sẻ.

Nhớ năm con gái tôi mới vào lớp Sáu, nghe phong thanh con có bạn trai, tôi đã nổi điên, mắng con té tát. 12 tuổi không lo học hành, biết cái gì mà yêu đương! Con nói không có, nhưng tôi một mực “không có lửa sao có khói”.

Sau này tôi tìm hiểu qua cô chủ nhiệm và các phụ huynh khác mới biết, lớp con có phong trào ghép đôi bạn này với bạn kia. Lễ tết, bọn trẻ cũng hào hứng tặng quà cho nhau như thể đang yêu đương thực sự… Chuyện giỡn chơi giữa con nít với nhau, tôi lại nghiêm trọng hóa vấn đề. Cũng vì không lắng nghe con, tôi đã vô tình ngắt kết nối với con. Từ hôm ấy con có vẻ đề phòng mẹ.

Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói, như tựa một quyển sách mà nhà báo Sơn Ý, MC của talkshow trích dẫn, khiến tôi thấm thía. Lắng nghe con một cách chân thành, bằng cả biểu cảm phi ngôn ngữ: Ánh mắt khuyến khích, gật đầu đồng tình, vỗ về động viên… Nếu yêu con bằng trái tim, chắc chắn ba mẹ sẽ làm được điều đó mỗi khi nghe con tâm tình.  

Chị họ tôi có mỗi Dũng là con trai duy nhất. Dũng vào đại học, chị dặn con không được có người yêu. Theo chị, tình yêu học trò thường không bền vững, chỉ tổ tốn kém, mất thời gian. Ra trường có công việc rồi mới yêu cũng không muộn.

Nhưng trái tim có lý lẽ riêng của nó. Dũng mới vào năm nhất đã yêu cô bạn cùng lớp. Dĩ nhiên Dũng giấu nhẹm, không dám cho mẹ biết. Yêu hai năm, người yêu chia tay. Dũng sốc, bỏ ăn bỏ ngủ.

Chị nghe chuyện, mắng con không nghe lời. “Mẹ nói trước rồi, còn đi học mà lo yêu đương thì kết cục có ra gì”. Những lời đay nghiến của mẹ khiến Dũng mất niềm tin vào bản thân, nỗi đau càng thêm sâu. Dũng tìm đến game để lãng quên, rồi nghiện lúc nào không hay.

Chị dắt con đi khám chữa khắp nơi nhưng tình trạng của Dũng không mấy cải thiện. Dũng chối bỏ bản thân, không muốn nhớ chuyện cũ nên cơ hội hồi phục rất khó nói. Nhìn con lơ ngơ như trẻ lên ba, chị khóc hết nước mắt. Có những việc muốn sửa chữa, muốn quay lại nhưng đã không còn cơ hội.

Lắng nghe con để hiểu, hiểu để thương con đúng cách. Ba mẹ chỉ thương mà không hiểu, vô tình đẩy con ra xa. Khi con gặp vấn đề, không biết bám víu vào đâu để đứng lên. Nhà phải luôn là nơi an toàn. Ba mẹ phải luôn là điểm tựa vững chắc để con dù vấp ngã, dù gặp bất trắc cũng còn nơi để quay về.

“Tình thương của ba mẹ có thể xoa dịu trẻ thơ, nâng niu giấc mơ con”, câu kết của nhà báo Sơn Ý và bác sĩ Đinh Thạc khi kết thúc talkshow khiến tôi ngẫm ngợi nhiều. Muốn thương con đúng cách, ba mẹ phải học cách lắng nghe con. Từ nghe đến hiểu sẽ rất gần.

                                                                                                                                                                                                                                                          Phương Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI