Cho con điểm tựa: Các bà mẹ thường phủ tấm lưới ngột ngạt lên con

08/04/2022 - 05:32

PNO - Tôi nghiệm ra con trai hay trò chuyện, chia sẻ với ba là vì anh hiểu con, rà trúng “tần số” của con.

Tôi nhớ năm đó anh trai tôi từ Đức điện về, bảo sắp tới bé Hà, con gái anh, sẽ bay một mình về Việt Nam. Cháu sẽ đi du lịch nơi này nơi kia rồi về quê thăm họ hàng.

Mấy chị em tôi cuống lên. Hà sinh ra ở Đức, chỉ về Việt Nam hai lần hồi bé xíu. Chị em tôi đồng loạt can ngăn anh không nên để con mạo hiểm. Ở Việt Nam không như ở Đức, chỉ sợ con bé sẽ lạc đường, sẽ bị lường gạt, dụ dỗ, bị lột sạch tài sản…

Trái với lo lắng của mọi người, anh tôi ngạc nhiên khi nghe lý do mọi người đưa ra. Anh nói nếu có chuyện gì xảy ra, anh tin con sẽ biết cách xử lý và tự chịu trách nhiệm. “Cháu 16 tuổi rồi mà”, anh khẳng định chắc nịch như thể Hà… 26 tuổi.

Ba mẹ cho con vòng tay ấm khi con cần (Ảnh minh họa)
Ba mẹ cho con vòng tay ấm khi con cần (Ảnh minh họa)

Người lớn còn đang lo âu, bàn tới bàn lui với phương án ABC thì Hà đã lẳng lặng bay về một mình. Cháu gọi về nhà khi đang ở Đà Lạt, đang trải nghiệm làm nông dân trong một trang trại trồng rau.

Vài hôm sau, Hà báo đã bay ra Đà Nẵng, Hội An, rồi ra tận Hà Giang… Các bà cô mắt tròn mắt dẹt, thấy việc khuyên cháu nọ kia xem ra… không cần thiết, bởi cháu có thừa bản lĩnh, tự tin.

Nhìn lại các cô cậu ấm nhà mình, 16 tuổi chưa một lần đi du lịch một mình, chưa từng làm chuyện gì “kinh thiên động địa” chỉ vì ba mẹ sợ con bị này bị kia. Ba mẹ tự nhát mình, rồi nhát con, triệt tiêu những ước mơ dấn thân, mạo hiểm khám phá của con.

Với ba mẹ Việt, con cái chăm chỉ học ngày học đêm mới là con ngoan. Giữa kỳ, cuối kỳ, ba mẹ ngóng sổ liên lạc điện tử để so thành tích của con với các bạn. Áp lực lên con, lên cả ba mẹ khi kết quả của con không tốt.

Ngành giáo dục tích cực xóa bệnh thành tích bằng cách không cho điểm ở bậc tiểu học, không xếp hạng ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhưng ba mẹ vẫn có cách để biết con đứng hạng mấy trong lớp, để rèn thêm môn này, bồi dưỡng môn kia cho bằng bạn bằng bè.

Trong khi tôi lo sốt vó vì con không chăm chỉ, học hành lơ mơ thì chồng tôi bình chân như vại. Anh nói con trẻ học hành vừa thôi, không áp lực thì mới có hứng. Còn thời gian hãy để con thư giãn, làm những gì con thích.

Tôi bực quá, hỏi chồng không sợ con hư hỏng, bị bạn xấu lôi kéo khi bên ngoài có quá nhiều cạm bẫy? Chồng tôi ngạc nhiên, anh nói con xuất thân gia đình có nền tảng giáo dục tốt, sẽ không sa ngã. Con chỉ bị lôi kéo khi bị gia đình ép vào khuôn khổ, trói buột con bằng nghĩa vụ và trách nhiệm. Cái lưới đó sẽ khiến con ngột ngạt, muốn thoát ra. Khi cùng đường, đôi khi con lại chọn lối thoát tiêu cực không thể sửa chữa…

"Làm cha mẹ phải đặt niềm tin vào con, làm người chỉ đường cho con chứ không phải ngăn cái này, cấm cái kia rồi cầm tay con dắt đi. Trẻ ở nước ngoài không sợ mạo hiểm, không ngại dấn thân là vì luôn được cha mẹ và nhà trường khuyến khích", câu chốt hạ của chồng khiến tôi tỉnh ngộ.

Tôi nghiệm ra con trai hay trò chuyện, chia sẻ với ba là vì anh hiểu con, rà trúng “tần số” của con. Còn tôi, ngăn trước con bức tường khó vượt khi yêu cầu con phải như “con nhà người ta”, nghĩa là phải học giỏi rồi muốn gì cũng được. 

Chị bạn tôi có con trai ưa vào bếp làm bánh, nấu món này món kia để thử nghiệm. Chị không vui khi ăn món con nấu, còn than trời trách đất con không giống gen giỏi giang của ba mẹ. Chị đổi gia sư liên tục, vì cho rằng gia sư không biết cách dạy, con chị mới không hứng thú học hành.

Đỉnh điểm, con chị muốn cùng bạn mở quán trà sữa. Trong khi chị khóc hết nước mắt thì chồng chị lại ủng hộ con. Anh nói: “Nhân viên công ty ba rất thích uống trà sữa, ba sẽ giới thiệu giúp con. Đổi lại, con phải cam kết học xong lớp 12. Tiền kinh doanh ba sẽ cho mượn, sẽ lấy lại dần khi quán con có lãi”. Con chị suy nghĩ cặn kẽ rồi trình lên bảng kế hoạch.

Giờ, con anh chị đã học xong lớp 12 và phát triển quán trà sữa thứ ba. 18 tuổi, cậu chàng có phong thái tự tin, chững chạc… điều mà bạn bè cùng trang lứa không phải ai cũng đạt được.

Người lớn thường cổ vũ tư tưởng:“Được làm điều mình thích, thích điều mình làm”, nhưng lại cản trở con cái làm điều chúng muốn. Hãy để con học và chơi theo cách của con, bởi một đứa trẻ sống vui vẻ, hạnh phúc quan trọng hơn sống vì mục tiêu, áp lực nào đó. 

                                                                                                                                                                                                                                                          Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI