Xin hỏi, khi chở con cái của bạn bè người quen đi học, đi chơi... nếu không may tai nạn xảy ra trên đường, người chở có trách nhiệm pháp luật thế nào? Bạn của tôi chở cháu bé hàng xóm thân thiết đi chơi. Rủi thay, trên đường họ bị xe đụng nên cháu bé bị thương rất nặng, có thể không qua khỏi.
Bạn đang tôi suy sụp tinh thần vì cảm giác tội lỗi. Còn ba của bé vô cùng giận dữ, yêu cầu bạn tôi bồi thường tiền tỷ, đồng thời đưa bạn tôi ra tòa, vì hôm ấy ba của bé không nhờ bạn cho cháu đi chơi, mà bạn tôi tự ý rủ cháu đi.
Th. Hóa (Tiền Giang)
Thạc sĩ Trần Thanh Thảo, Giảng Viên trường Đại học Luật TP.HCM cho biết: Với trường hợp không may trên đường đưa đón cháu ruột, con của người bạn, đồng nghiệp, người quen... gặp tai nạn giao thông thì trước tiên phải xét yếu tố lỗi của người chở hay là đối tượng thứ ba (người thứ ba tham gia giao thông khác, tài xế lái xe trên đường...) để quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trách nhiệm Dân sự hay là Hình sự.
Bên nào có lỗi trong việc gây ra tai nạn thì bên đó phải chịu trách nhiệm cả về Dân sự và Hình sự về hành vi gây tai nạn của mình theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có thể phạt đến 15 năm tù như sau:
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tự ý đưa đón trẻ đi không hỏi ý kiến cha mẹ, trên đường xảy ra tai nạn thì xử lý như thế nào?
|
Hình minh họa. Nguồn: internet |
Hiện tại luật của chúng ta chưa có quy định cụ thể về trường hợp đưa đón các cháu bé khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ trực tiếp theo pháp luật của cháu bé, nên việc xác định quyền và nghĩa vụ khó có thể phán xét.
Nhưng nếu trong quá trình đưa đón không may trên đường xảy ra tai nạn giao thông thì việc xác định trách nhiệm cũng tương tự như quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự là căn cứ vào yếu tố lỗi nêu ở trên. Bên cạnh đó cha mẹ hoặc người giám hộ trực tiếp vẫn có thể yêu cầu người đưa đón con mình bồi thường thiệt hại về mặt Dân sự không cần xét đến yếu tố lỗi đẫn đến tai nạn giao thông vì đã tự ý đưa trẻ đi mà không hỏi ý kiến cha mẹ hoặc người giám hộ.
Ngoài ra nếu trong trường hợp có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra là dẫn đến đứa bé bị tử vong do tai nạn giao thông thì có thể bị áp dụng khung tội Vô ý làm chết người.
Đinh Phương