Cho con cơ hội kinh doanh và sẻ chia

23/01/2024 - 14:29

PNO - Chọn sản phẩm, bài trí gian hàng sao cho bắt mắt, thuyết phục khách hàng... các con đã tham gia một sân chơi tự kinh doanh đầy bổ ích.

 

 

Các “doanh nhân nhí” của gian hàng Chào Tương Lai trích tiền lời trao cho cô Trâm Anh (bìa trái) để đóng góp tặng quà người nghèo ăn tết.
Các “doanh nhân nhí” của gian hàng Chào Tương Lai trích doanh thu trao cho chị Trâm Anh (bìa trái) để đóng góp tặng quà giúp người nghèo ăn tết

Ngày 21/1/2024, mười mấy gian hàng đặc biệt với đủ sắc màu được quy tụ tại An Nguyên Coffee (265 Tùng Thiện Vương, phường 11, quận 8, TPHCM). Đặc biệt vì chủ gia hàng là các "doanh nhân nhí". Đây là sân chơi kỹ năng Trẻ tự kinh doanh (lần 2) do An Nguyên Coffee tổ chức với sự đồng hành của dự án Cùng con vào đời.

Thể lệ sân chơi: trẻ tự chủ bán hàng; ba mẹ chỉ góp ý, không làm thay trẻ; dọn dẹp sạch sẽ gian hàng khi kết thúc; sử dụng lợi nhuận sau bán hàng là quyền của mọi trẻ; quỹ thiện nguyện là nơi mà mỗi gian hàng đóng góp.

“Doanh nhân nhí” Gia Phúc (lớp 7, Trường Trung học Thực hành Sài Gòn) có thâm niên nhiều năm bán hàng với khoảng 5-6 lần “ra sạp”. Tuy nhiên, trước đây, Gia Phúc chỉ bán sách - mặt hàng không mấy áp lực phải bán hết trong ngày.

Lần này, Gia Phúc bàn với ba mẹ phương án đa dạng hóa mặt hàng, bổ sung bóp/ túi và táo. Thế là táo từ Ninh Thuận được bạn của mẹ gửi vào cho kịp phiên chợ. Quyết định bán táo giúp ông chủ quầy gặt hái thành công ngoài mong đợi nhưng Gia Phúc lại tiếc hùi hụi vì nhút nhát, sợ bán ế “phải ăn táo trừ cơm” nên đã nhập hàng quá ít, chỉ 9 hộp. Vừa mở bán, táo đã hết vèo, nhiều người sau đó còn đến hỏi mua. Gia Phúc tươi cười chia sẻ: “Để con rút kinh nghiệm cho lần sau, có thể con sẽ bán nhiều táo hơn và bán cả dưa lưới”.

Gia Phúc, em trai cùng ba mẹ có mặt từ rất sớm để bài trí quầy hàng
Gia đình bé Gia Phúc có mặt từ rất sớm để bài trí quầy hàng

Người tổ chức chương trình, chị Ngô Thị Trâm Anh (chủ An Nguyên Coffee) cho biết: “Sân chơi trẻ tự kinh doanh không chỉ là nơi trẻ 8-15 tuổi có thể học các kỹ năng mềm như tổ chức, sắp xếp, tính toán, giao tiếp thông qua việc bán hàng mà còn tạo điều kiện để gắn kết cha mẹ và con cái qua việc khai phóng tiềm năng của con trẻ, cùng hướng dẫn con tổ chức kinh doanh như thế nào cho hiệu quả đồng thời có thể chia sẻ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Song song đó, hoạt động này còn kết nối và lan tỏa tinh thần "lá lành đùm lá rách" luôn hiện diện trong mỗi người. Sân chơi kết hợp gây quỹ, góp quà tặng hộ nghèo ăn tết Giáp Thìn - 2024”.

Các bé hăm hở thử tài viết thư pháp bằng bút lông
Các bé hăm hở thử tài viết thư pháp bằng bút lông

Thấy khách đến lựa hoa mà cô chủ nhỏ Thiên Nhi (học lớp 4, ngụ quận 3, TPHCM) mải lo đếm tiền, không tư vấn cho khách, chị Trâm Anh đến nhắc khéo. Thiên Nhi sực nhớ, liền rộn rã rao hàng, chào mời: “Cô mua giùm con đi cô! Mua hoa hồng được tặng kèm kẹo sô cô la nữa đó cô!”.

Mặt trời đã lên cao mà số hoa còn khá nhiều, Thiên Nhi liền ôm hoa đi vòng vòng quán mời từng người. Với mục tiêu không ôm hoa về, ba Thiên Nhi dặn cô chủ nhỏ bán giá khuyến mãi, bán 2 bông chỉ 50 nghìn đồng. Lần đầu tập tành bán buôn, Thiên Nhi rất hồi hộp, có chút lúng túng khi tính tiền nhưng may là có ba bên cạnh, kiểm soát phụ. Hôm qua, con đã nhờ ba mẹ chở đi siêu thị để nghiên cứu thị trường và cuối cùng chốt tham gia phiên chợ với 2 mặt hàng là hoa và nước sâm.

Bé Thiên Nhi ôm hoa chào mời khách và cả bạn hàng cùng phiên chợ.
Bé Thiên Nhi ôm hoa chào mời khách và cả bạn hàng quầy lân cận

Gian hàng Chào Tương Lai (Hi Future) gồm các bé mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ vinh dự giật giải gian hàng có sản phẩm handmade ấn tượng nhất với túi linen vẽ tay, chuồn chuồn dây bố, chai thủy tinh vẽ, nước sốt ướp…

Phần thưởng là vé xem phim nên hứa hẹn nhóm sẽ có thêm một trải nghiệm vui nhộn và ấm áp bên nhau nhân dịp xuân về. Tham gia sinh hoạt trong dự án Tìm lại ước mơ, các bạn thể hiện những bước tiến khiến ba mẹ ngỡ ngàng. Các bé giao tiếp dạn dĩ, tự tin hơn, giới thiệu trôi chảy về sản phẩm tự tay mình làm trong khi trước đây đa số thu mình lại, ngại tiếp xúc với người lạ, có bạn còn chui xuống gầm trốn. Tại phiên chợ này, có bạn còn chủ động đem sản phẩm đi mời, kiên trì thuyết phục và nhiều khách đã phải móc bóp mua hàng.

Hồi hộp, nôn nao chờ đến giờ được làm “doanh nhân”, Ngô Hoàng Minh Quân (13 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM) thậm chí bỏ cả ăn sáng vì sợ đến trễ giờ bán. Minh Quân có năng khiếu làm bếp và được học nghề bếp nên “chuyên trị” những sản phẩm thuộc mảng ẩm thực của nhóm. Ở nhà, Minh Quân cứ say mê khám phá, chế biến món ăn. Hiện Minh Quân đang nghiên cứu đưa rau củ vào món cơm chiên mà không bị dậy mùi. Mong muốn của con xuất phát từ bà ngoại bị bệnh và ngại mùi rau.

Mẹ đang giúp Minh Quân tập nhân - chia nguyên liệu muối, nước mắm, đường… theo tỷ lệ công thức tương ứng với số lượng phần nước sốt nhiều - ít của từng đơn hàng. Mê chế biến để bán khi có người đặt hàng, mới đây, Minh Quân đi chợ cả tiếng đồng hồ chưa thấy về. Hỏi ra mới biết Quân đi mua đường thốt nốt nhưng chủ sạp không bán lẻ mà bán nguyên cây đường, Quân không biết xử trí sao, cứ bồn chồn đứng hoài.

Ông đồ Nguyễn Hiếu Tín trao thưởng cho các bé có tác phẩm thư pháp xuất sắc.
Ông đồ Nguyễn Hiếu Tín (rìa phải - hàng trên cùng) trao thưởng cho các bé có tác phẩm thư pháp xuất sắc.

Được hỏi cảm tưởng của con khi tham gia bán hàng, Minh Quân rành rọt đáp: “Dạ con rất vui, hơi mệt chút. Ở đây, con nói chuyện trực tiếp được với mọi người xung quanh. Con và các bạn tự tin hơn. Con dám tự đi mua nước uống một mình. Trước giờ, con cứ nhờ mẹ”. Không giấu được vẻ xúc động, vui mừng, mẹ của Minh Quân chia sẻ: “Đây là cơ hội trải nghiệm quý giá cho các con tự lập, tự biết tính lời lỗ, tự tìm hiểu tâm lý khách hàng, xử lý tình huống, phối hợp với các bạn trong nhóm… Thật vui khi chính các con đã tự nguyện trích một phần doanh thu gửi cho ban tổ chức để góp tay ủng hộ người nghèo ăn tết”.

          Tô Diệu Hiền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI