Cho con bầu trời

15/02/2022 - 04:39

PNO - “Tôi ghét bà” - cô con gái vừa qua tuổi 16 hé cửa, nhận phần ăn tối rồi lạnh lùng thả giọng trước khi đóng sập cửa phòng.

Đã bốn ngày, cô nằm lì trong phòng sau khi theo mẹ đến một phòng khám để loại bỏ bào thai mười tuần tuổi. Người mẹ quá quen câu nói này của con, chỉ thở dài. Dù vậy, bà chưa quen sự nhiếc móc của chồng: “Tôi quản lý hàng trăm người, vẫn không quản nổi cái nhà này. Bà trông con kiểu gì vậy? Nếu chuyện này vỡ ra, mặt mũi đâu để tôi sống tiếp”.

Người mẹ cũng tự trách bản thân đã sơ suất để con mang bầu dù bà đã quản con rất kỹ. Bà đau đớn trình bày với chuyên gia tâm lý: “Ổng lo làm ăn, đi suốt. Tôi thì trông cửa hàng ở nhà. Lịch học hành của con gái, vợ chồng tôi đều nắm. Con đi đâu thì có tài xế đưa rước tận nơi, báo cáo đầy đủ. Vậy mà bữa đó đi học thêm, bạn bị đau bụng nên con bé xung phong đưa về, giữa đường thì nhắn tin cho bạn trai…”. Bà nấc lên: “Tôi muốn tố cáo thằng đó nhưng chồng tôi không cho, còn con bé một hai đòi sống chết nếu như tôi làm vậy”.

Theo vị chuyên gia tâm lý, một người bị trói càng chặt thì càng ra sức vẫy vùng. Trong trường hợp này, việc không cho con sự tự do phù hợp với lứa tuổi khiến đứa trẻ phải đối phó bằng cách tìm kiếm và tận dụng những khoảng thời gian hiếm hoi được thoát khỏi gia đình.

Ngày nay, trẻ có rất ít thời gian rảnh rỗi so với thế hệ của cha mẹ, ông bà. Ngay cả trong thời gian rảnh, chúng cũng chịu sự giám sát của người lớn bằng nhiều cách, hoặc kè kè để biết con làm gì hoặc nhờ người theo dõi. Cha mẹ "trực thăng" (lượn lờ quanh con cái, theo dõi từng hành động của con, bắt chúng sống theo ý muốn của mình) hay cha mẹ "máy xén cỏ" (sẵn sàng giải quyết mọi chướng ngại trong cuộc sống của con nhằm tạo cho chúng sự thuận lợi, dễ dàng nhất) đang là xu hướng dạy con của rất nhiều gia đình, đặc biệt những phụ huynh nghèo thời gian cho con nhưng lại giàu có về điều kiện vật chất, kinh tế.

Mục đích của mọi phương pháp nuôi dạy con đều tốt đẹp. Thậm chí, cha mẹ đã đặt tất cả tấm lòng, hy vọng, ước mong vào con. Nhưng nếu ta nuôi dạy con bằng cách áp đặt mong muốn, nhu cầu, khát khao của chính mình lên chúng, ta đã quên rằng, bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần có tự do, với những nhu cầu riêng, cách sống, cách thể hiện và phát triển riêng. Hậu quả là chúng sẽ tranh thủ, tìm kiếm, giành giật những giờ khắc để sống là chính mình, bất kể là sai lầm hay đúng đắn, miễn thoát được vùng “phủ sóng” của bậc sinh thành.

Nuôi dạy con cái chưa bao giờ dễ dàng. Xã hội càng hiện đại, nhiều tiện ích và sự lựa chọn, lại càng khó khăn hơn. Mỗi gia đình và với mỗi đứa con, lại cần phải áp dụng một hình thức giáo dục khác nhau. Hàng trăm cuốn sách dạy con kiểu Mỹ, Ấn hay Do Thái không thể là đáp án chung cho mọi gia đình. Dù vậy, chưa một nền giáo dục nào phủ nhận việc nuôi dạy con bằng tình yêu thương của người làm cha mẹ.

Năm 2019, khi công bố hai nghiên cứu mới của mình về tác động của các kiểu nuôi dạy con lên những đứa trẻ thành công và hạnh phúc, các nhà khoa học của Trường đại học Harvard (Mỹ) một lần nữa nhấn mạnh vai trò của tình yêu thương. Không những thế, tình yêu thương của cha mẹ còn giúp trẻ giảm 46% chứng phiền muộn, 39% chứng lo âu, đồng thời tăng khả năng xử lý tốt tình huống, có lối sống tử tế và biết cho đi.

Nhưng, yêu thương con cái thế nào cho đúng cách? Có cha mẹ chọn cách dành nhiều thời gian cho con, có người muốn làm bạn của con và có gia đình thích tạo tính kỷ luật… Dù muôn vẻ nhưng tình yêu thương không đồng nghĩa là sở hữu, thao túng, kiểm soát, chi phối, áp đặt mong muốn của mình lên con cái.

Ở mọi thời, đứa trẻ nào cũng đều khát khao tự do, kể cả chúng ta lúc còn nhỏ. Người lớn phải học cách tôn trọng nhu cầu này của chúng, dù không dễ dàng. Như anh bạn tôi phải học cách điều chỉnh từ tức giận đến thông cảm và đặt mình là đứa trẻ khi cậu con trai chín tuổi đóng sập cửa phòng, dán bên ngoài dòng chữ: “Con cần hai giờ không bị làm phiền”. Anh nhận ra rằng, với con cái, cha mẹ chỉ nên là người trợ giúp: giúp con khám phá năng lực, giúp con đưa ra lựa chọn, giúp con học kỹ năng… Thậm chí, cha mẹ chỉ tế nhị nhìn con trải nghiệm và chỉ hiện diện kịp thời khi con cần sự trợ giúp.

Và, để con chọn mình làm người trợ giúp lúc chúng cần, cha mẹ cũng phải dựa vào tình yêu thương, mối gắn bó đủ để khiến con tin tưởng. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI