Cho con ăn thế nào mới vui?

27/12/2019 - 13:09

PNO - Đã qua rồi cái thời “chặt to kho mặn”, “ăn để sống”. Bây giờ chúng ta không chỉ ăn ngon, mà còn ăn vui, ăn đủ chất. Thế nhưng, có bao giờ bạn nghĩ, nhiệm vụ cho con ăn mỗi tối là thuộc về chồng hay vợ?

Vợ, sau khi nấu nướng, cơm canh dọn lên thì còn phải dọn dẹp mớ dụng cụ làm bếp và lau chùi. Chồng, trong thời gian đó có thể chơi với con, lau nhà, hay phơi mớ quần áo. Thế rồi tới bữa, ai sẽ là người cho con ăn?

Cho con an the nao moi vui?
Ảnh minh họa

- Nè con, ăn cơm với ba nhé!

- Hông... Con mắc ráp siêu nhân.

- Ờ thôi ráp đi, tí ăn nhé! 

- Ba phải đút con mới ăn! 

- Đút này, đút này! Ngoài đường bao nhiêu đứa trẻ đói rã họng ra kìa, có ăn là tốt phước lắm rồi lại còn đòi đút. 

Ông bố vừa quát vừa vung tay tới tấp vào mông con. Đứa bé lên bốn khóc òa chạy vào bếp tìm mẹ, rồi té cái uỵch vì sàn bếp bóng nhẫy. Chồng lại quát vợ “hư” nên mới để con té. Tan tành một bữa cơm ngỡ rằng sẽ ngon lắm, với canh cua rau đay, cá con kho mặn, đậu que xào tôm mà vợ chồng rất thích.

Hiềm nỗi, đó là cảnh nhà “như cơm bữa” của thằng em tôi. Người chồng đổ thừa tại vợ chiều con, cứ muốn siêu nhân là có siêu nhân, nó cứ lắp ráp suốt ngày chả buồn ăn uống. Người vợ thút thít bảo tại chồng không chơi với con, cứ chúi mũi vào điện thoại, không có sự giao tiếp, không dạy bảo. Con nghe lời thì ô-kê, không nghe thì chỉ có những bạt tai “thay lời cần nói” nên con không thân thiện là đúng rồi. 

Cho con an the nao moi vui?
Ảnh minh họa

- Thế bữa cơm gia đình em ăn cách nào? - tôi hỏi.

- Ai rảnh thì ăn trước. Bữa thì vợ bận dọn bếp, lau nhà, bữa vợ đút con ăn. Chồng sẽ ăn trước. Có bữa chồng chưa về thì vợ ăn trước, sau đó chạy theo đút con. Chồng về thì hâm thức ăn lại cho chồng.

- Bữa cơm như vậy có ngon không? - tôi hỏi tiếp.

- Ngon gì chị, ăn cho no thôi. Nhà có con nít chán chết.

- Chỉ cần ăn cho no thì nấu làm gì? Gọi tiệm cơm giao luôn! - tôi đề nghị.

Cả hai vợ chồng nhìn tôi bất ngờ: “Hồi nào chị vẫn bảo tụi em, vợ chồng là cái bếp phải đỏ lửa kia mà?”, “Đỏ lửa hạnh phúc thì nên đỏ, còn nấu nướng để đối phó, thậm chí hành hạ nhau thì miễn đi! Sao cha không quyết liệt một chút, yêu cầu con bỏ đồ chơi xuống, rửa tay ngồi vào bàn. 

Trong lớp mẫu giáo múc thế nào, giờ cứ múc thế ấy. Rơi vãi đổ tháo một chút, nhưng sẽ tốt hơn phải chạy theo đút. Rồi trong món ăn, cha sẽ “thách thức” con ăn được miếng rau này; mẹ thì đặt câu hỏi cho con biết miếng thịt, con tôm con đang ăn là ram, nướng hay luộc? Như vậy có tốt hơn là cứ chạy theo ép đút hay không?”.

Vài hôm sau…

Nhà em tôi đã dọn mâm cơm ra hàng hiên phía trước, nơi lủng lẳng những chậu hoa lan, mười giờ, cu li cổ, trầu bà… Thằng con lên bốn xếp đôi chân bé xíu ngồi cạnh cha mẹ. “Ba đố Bòn Bon cái chậu có hoa màu trắng kia là hoa gì?”. “Hoa mười giờ ạ”. “Không phải, hoa phong lan, vì mười giờ không nở tới chiều được. Bòn Bon thua ba rồi, Bòn Bon múc cơm ùm đi”.

Đôi tay bé xíu xúc muỗng cơm đưa vào miệng mà cơm cứ chạy về phía cán muỗng vì con múc chưa rành. Cha bé lại bắt đầu dạy con cách cầm muỗng sao cho cơm không bị rơi ra ngoài. 

Bữa cơm vui vẻ hẳn lên.

Thật ra cho trẻ ăn không khó, chỉ cần cha mẹ biết cách mà thôi. Con từ ba tuổi đã có thể tự múc được rồi. Hãy chấp nhận sự vụng về của con để cùng con hoàn thiện. Đừng bảo bọc cũng đừng áp đặt, nhất là người làm cha ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ. Hãy cùng con tận hưởng niềm vui được ở bên nhau trong những bữa cơm gia đình. 

Trang Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI