Chớ có dung dưỡng, tiếp tay cho bạo hành!

02/03/2020 - 08:06

PNO - Trong thang máy, ông H. đấm liên tiếp vào đầu, vào người chị T.. Tuy nhiên, chị T. không yêu cầu xử lý ông H. và từ chối sự trợ giúp.

Liên quan hành vi của một người đàn ông liên tục đánh vào đầu một phụ nữ trong thang máy (clip xuất hiện trên mạng xã hội ngày 26/2), sáng 27/2 công an và đại diện Hội Phụ nữ Q.Tân Phú, TP.HCM đã làm việc với nạn nhân là chị P.T.N.T. Tại buổi làm việc, chị T. đã không yêu cầu xử lý hình sự với kẻ bạo hành mình là ông T.H.H. và không nhờ Hội LHPN bảo vệ hay giúp đỡ.

Người bị bạo hành từ chối được bảo vệ!

Về vụ việc nói trên, bà Đặng Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Phú, nói: “Xem clip, chúng tôi rất phẫn uất nên đã yêu cầu Hội Phụ nữ P.Hòa Thạnh xác minh vụ việc. 15g cùng ngày, Hội LHPN đã nắm được thông tin bước đầu về người đàn ông ra tay hành hung người phụ nữ trong thang máy chung cư Trung Đông, 30 Trịnh Đình Thảo, P.Hòa Thạnh. Làm việc với công an, Hội Phụ nữ cũng xác định rõ nạn nhân và nguyên nhân ban đầu”. 

Ông T.H.H. đánh chị P.T.N.T. trong thang máy chung cư Trung Đông tối 25/2 (ảnh cắt từ camera)
Ông T.H.H. đánh chị P.T.N.T. trong thang máy chung cư Trung Đông tối 25/2 (ảnh cắt từ camera)

Theo báo cáo của Hội LHPN P.Hòa Thạnh, lúc 23g30 ngày 25/2, khi ông H. và chị T. vào thang máy thì xảy ra mâu thuẫn, ông H. dùng chân đạp vào bảng điều khiển thang máy và dùng tay đánh liên tiếp vào đầu, vào người chị T. Cú đạp của ông H. khiến thang máy bị hư, không mở ra được, nên ông phải kêu bảo vệ chung cư hỗ trợ. Phát hiện thang máy hư, bảo vệ chung cư đã trích xuất camera và phát hiện hành vi của ông H. Sau đó, một nhân viên bảo vệ chung cư Trung Đông đã đưa sự việc lên mạng xã hội.

Theo lời chị T., chị và ông H. quen biết và yêu thương nhau từ năm 2015 đến nay. Tối 25/2, do mâu thuẫn về tình cảm và thang máy chậm nên ông H. đã dùng tay đánh vào đầu và người chị. Tuy nhiên, chị không bị thương tích, không yêu cầu xử lý gì với ông H. và từ chối sự trợ giúp của Hội.

Xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, giáo dục

Như vậy, một lần nữa, quyền bảo vệ chị em khi chị em bị bạo hành, bị làm nhục nơi công cộng của Hội Phụ nữ lại bị từ chối. Và, những trường hợp như thế là không ít. 

Nguyên nhân đầu tiên nằm ở sự mặc cảm, xấu hổ chuyện gia đình, tự ti về thân phận và bị lệ thuộc về kinh tế… Một nguyên nhân khác, dù rất hiếm hoi, là nạn nhân không hề biết rằng mình được quyền trợ giúp. 

Mới đây Báo Phụ Nữ TP.HCM cũng được chị M. (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) khẩn thiết cầu cứu về chuyện chị bị chồng tra tấn tinh thần. Cụ thể, 4g sáng 25/2, như lệ thường, chồng chị sau khi đi nhậu về lại kiếm chuyện chửi chị. Bị chồng bạo hành tinh thần lẫn thể xác suốt 10 năm qua với đầy đủ bằng chứng ghi âm, ghi hình, nhưng chị M. không dám đứng ra tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến cơ sở làm ăn của gia đình, vì ba má chồng rất tử tế và các con còn quá nhỏ… Sau khi được chúng tôi hướng dẫn, chị đã đến gặp cán bộ Hội để được tư vấn, hướng dẫn làm tường trình về sự việc. Nhưng sau đó chị lại đổi ý, xin thôi không tố cáo nữa.

Dù “mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em thì bất kỳ ai, khi nhìn thấy, phát hiện, nhận biết, đều phải lên tiếng tố cáo để bảo vệ nạn nhân theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, dù nạn nhân có cầu cứu hay không. Vì thế, theo luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), với câu chuyện ông H. bạo hành chị T. trong thang máy - nơi công cộng, cho dù chị T. không yêu cầu xử lý hình sự ông H., nhưng xét thấy hành vi là nguy hiểm thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố hình sự. 

Cũng với tinh thần ấy, bà Đặng Thị Hồng Vân cho biết, Hội đã có ý kiến yêu cầu công an, chính quyền xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định pháp luật. 

Với trường hợp của chị M., bà Đỗ Thị Thu Cúc, Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Tân, nêu quan điểm, dù chị M. chưa chính thức nộp đơn tố cáo hành vi bị bạo hành của chồng, nhưng cán bộ Hội P.Bình Hưng Hòa A đã phân tích rõ với nạn nhân, việc chị không tố cáo không chỉ sẽ gây thiệt thòi cho chị trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình mà còn là hành vi dung dưỡng, tiếp tay cho bạo hành.

Với những người trong cuộc, quan trọng hơn cả là các chị phải thay đổi nhận thức, tự mình biết quý trọng và bảo vệ thân thể, tinh thần, danh dự, tính mạng của mình trước tiên. 

 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu xử lý nghiêm 

Về hành vi đạp vào bảng điều khiển thang máy của ông H. khiến thang máy bị hư hỏng, đại diện Ban Quản lý chung cư Trung Đông cho biết, hai bên đã thỏa thuận sửa chữa khắc phục và không yêu cầu xử lý đối với hành vi nêu trên.

Về hành vi đánh đập chị T. của ông H., xét thấy có dấu hiệu “xâm hại sức khỏe người khác” theo điểm e, khoản 3, điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nên ngày 26/2 Công an P.Hòa Thạnh đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt ông H.

Tuy nhiên, chiều 27/2, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có văn bản yêu cầu Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chỉ đạo phòng chuyên môn của sở và Phòng LĐ-TB&XH Q.Tân Phú kiểm tra, xác minh thông tin và phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả xử lý phải thông tin công khai trước dư luận để cùng đấu tranh, phòng - chống bạo lực đối với phụ nữ và báo cáo về văn phòng Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 7/3.

Nghi Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Mata 02-03-2020 11:00:18

    Đâu chỉ với mỗi vấn đề bạo hành - Ở mọi lĩnh vực khác của xã hội có liên quan đến pháp luật, xử lý không nghiêm, thậm chí bao che luôn là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn nảy nở thêm nhiều.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI