Sinh con hay không là câu hỏi lớn mà không ít cặp vợ chồng trẻ, đặc biệt là tại các thành phố lớn đang trăn trở. Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết Sinh sản - Vô sinh TPHCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - đã có những chia sẻ thú vị và tâm huyết về câu chuyện này với bạn đọc Báo Phụ nữ TPHCM.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Ảnh: Thanh Huyền
Phóng viên: Theo bác sĩ, nguyên nhân chủ yếu nào khiến các cặp vợ chồng ở thành thị ngày càng e ngại sinh con?
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Hầu hết các cặp vợ chồng trẻ ở thành thị không ngại gian khổ khi mang thai hay sinh nở mà họ lo lắng về những khó khăn sau sinh, đặc biệt là gánh nặng nuôi dạy con cái. Vấn đề nan giải đầu tiên là việc gửi trẻ. Các cặp vợ chồng từ quê ra thành phố lập nghiệp không có ông bà hỗ trợ, việc tìm nhà trẻ phù hợp, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý là vô cùng khó khăn. Với những cặp vợ chồng là công nhân hay lao động phổ thông thì việc chi trả cho trường tư thục hay thuê bảo mẫu càng trở nên xa vời.
Tiếp theo là chi phí nuôi dạy con. Học phí chỉ là một phần nhỏ, chi phí ăn uống, sinh hoạt cao hơn nhiều. Cụ thể, học phí khi trẻ học tiểu học đâu có nhiều, nhưng tiền ăn, tiền bán trú lại gấp mấy lần. Nuôi con đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và sức lực. Cha mẹ đi làm suốt ngày, tối về người phụ nữ còn phải nấu cơm, dọn dẹp và dành thời gian dạy dỗ con cái. Áp lực dạy dỗ, bảo vệ con an toàn trước những nguy cơ tiềm ẩn cũng khiến nhiều bậc phụ huynh e ngại. Đặc biệt, đưa đón con cũng là điều khiến phụ huynh đau đầu. Phụ nữ nếu không đủ sức khỏe và can đảm thì họ không thể đảm đương nổi.
* Từng đi nhiều nơi trên thế giới, bác sĩ nhận thấy chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm khuyến sinh của các nước?
- Tôi thấy các nước Bắc Âu cho cả người chồng được hưởng chế độ thai sản. 2 vợ chồng nghỉ luân phiên 3 tháng cho tới khi em bé đến tuổi gửi trẻ. Ngoài ra, ở một số nước tiên tiến, nếu ông bà còn đi làm, khi ông bà tới trông cháu vẫn được hưởng lương đầy đủ.
Trong trường hợp ông bà đã về hưu thì cũng không trông cháu “miễn phí” như ở nước ta. Chính phủ sẽ trả lương trông cháu cho ông bà. Tôi thấy, nước ta cũng có thể học hỏi từ điều này. Tuy nhiên, các ông chồng của ta cần được trang bị kiến thức về chăm sóc trẻ em để có thể nghỉ ở nhà trông em bé luân phiên với vợ.
Điều khó ở đây là tâm lý chung của đấng mày râu rất coi trọng sự nghiệp nên không phải ai cũng chịu ở nhà trông con như vậy. Tiếp đến, chúng ta nên có chính sách hỗ trợ tiền trông cháu cho ông bà; ít thôi cũng được, nhưng sẽ giúp ông bà không mặc cảm, ngại ngần như khi nhận tiền lương giữ cháu từ con cái.
Thậm chí ngoài ông bà ra, ta có thể áp dụng chính sách này với cả cô, dì, họ hàng. Chỉ cần đưa tên và thông tin của người trông trẻ và chứng minh được đây là người nhà thì sẽ được nhận một khoản hỗ trợ. Người trong gia đình trông bé sẽ giúp cha mẹ yên tâm giao con hơn so với thuê người ngoài. Thời gian hỗ trợ tiền trông trẻ có thể áp dụng trong 1-2 năm đầu đời của em bé.
Ngoài ra, trước đây, các cơ quan nhà nước đều có nhà trẻ để trông con cho cán bộ, nhân viên. Như tại Bệnh viện Từ Dũ cũng vậy. Hồi đó, ở làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ, bên cạnh thu nhận trẻ em khuyết tật, tôi còn dành riêng ra 1 phòng để cán bộ, nhân viên của bệnh viện gửi con trong giai đoạn hậu sản. Tới giờ thì mẹ chạy xuống cho con bú. Mẹ rất an tâm vì có các cô nhân viên của làng Hòa Bình chăm sóc con.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận nên họ xóa bỏ mô hình nhà trẻ cho con của nhân viên. Tôi khuyến nghị các doanh nghiệp nên lập lại mô hình nhà trẻ để người lao động yên tâm công tác, nhờ thế hiệu quả công việc sẽ cao hơn khi họ không bị những nỗi lo về nơi gửi trẻ chi phối. Tất nhiên, Nhà nước phải có sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách miễn, giảm thuế cho hoạt động này chứ không thể đẩy hết gánh nặng về phía doanh nghiệp.
Muốn khuyến khích phụ nữ sinh con, cần sự chung tay của toàn xã hội. Chẳng hạn như hệ thống siêu thị thay vì bán con cá, bán mớ rau thì sơ chế cá sẵn, lặt rau sẵn... Phụ nữ đi làm về chỉ việc rửa sơ rồi nấu ăn, tiết kiệm thời gian làm việc nhà, có thêm thời gian để chăm sóc, dạy dỗ con cái.
Trường mầm non Mặt Trời Nhỏ (quận Bình Tân, TPHCM) do Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đầu tư xây dựng cho con em công nhân của công ty. Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, hiện có khoảng 400 trẻ. Con em công nhân được miễn toàn bộ học phí, chỉ đóng tiền ăn, khoảng 1 triệu đồng/tháng - Ảnh: Nguyễn Loan
* Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con. Quan điểm của bác sĩ đối với việc này như thế nào?
- Phải nhìn nhận là quy định đó có tác dụng với ai. Tôi thấy, đối tượng chủ yếu bị chi phối của quy định đó là đảng viên và công chức, viên chức. Trong khi đó, những người sinh nhiều con, sinh con thứ ba chủ yếu là nông dân, người lao động phổ thông tự do, không nghề nghiệp.
Ta muốn nâng cao chất lượng về dân số thì quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con chưa được hợp lý. Tôi cho rằng, chỉ nên khuyên các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, tuyên truyền để tư vấn cho họ hiểu lợi và hại chứ không nên đưa các biện pháp kỷ luật hay phạt. Sinh bao nhiêu con là quyền của đôi vợ chồng. Xã hội cần tạo điều kiện để họ tin tưởng, nuôi dạy con cho tốt.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
Đừng nghĩ cứ trữ trứng là yên tâm
Ngày nay, do nhiều lý do xã hội, công việc, kể cả quan niệm và xu hướng thời đại đã ảnh hưởng đến thời điểm kết hôn của chị em, từ đó tác động đến độ tuổi sinh con cũng như khả năng có con. Rất may, những tiến bộ về hỗ trợ sinh sản đã cung cấp giải pháp để bảo tồn khả năng sinh sản cho phụ nữ. Tuy nhiên trên thực tế, không ít chị em quá ỷ lại vào việc trữ trứng và trì hoãn việc sinh con vô thời hạn.
Chị Hiền Anh (37 tuổi) làm nhân viên truyền thông cho một tập đoàn lớn. Mỗi khi ai hỏi chị khi nào lập gia đình, chừng nào sinh con, chị đều tự tin trả lời “chờ gặp người xứng đáng mới tính. Còn chuyện con cái khỏi lo, vì tôi đã trữ trứng rồi”. Có cùng suy nghĩ với chị Hiền Anh, nhiều bạn gái tìm đến các diễn đàn, hội nhóm liên quan đến thụ tinh ống nghiệm, đông lạnh trứng… trên mạng hỏi cách thức, dịch vụ trữ đông trứng để yên tâm phát triển sự nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết: hiện nay, người có nhu cầu trữ trứng đa số rơi vào các trường hợp chưa lập gia đình. “Những phụ nữ bước sang tuổi 30 mà chưa lập gia đình hay chưa có kế hoạch sinh con thì nên trữ trứng, vì sau 35 tuổi, dự trữ buồng trứng có thể giảm” - bác sĩ Diễm Tuyết nói.
Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Diễm Tuyết, không phải cứ trữ trứng là yên tâm 100% có thể sinh con. “Chị em nên thực hiện thiên chức làm mẹ trước 35 tuổi, vì càng lớn tuổi, không những trứng giảm về số lượng và chất lượng mà khi mang thai còn có nhiều nguy cơ cao cho sức khỏe người mẹ lẫn thai nhi, như nguy cơ tiền sản giật, sản giật, tiểu đường thai kỳ, sinh non, trẻ suy dinh dưỡng…” - bác sĩ Diễm Tuyết khuyến cáo.
Chia sẻ thêm về câu chuyện khuyến sinh, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng, chính sách khuyến sinh muốn phát huy hiệu quả cần thực thi ở nhiều khía cạnh. Chẳng hạn tạo thuận lợi cho phụ nữ mang thai, sinh con có nhiều cơ hội hơn trong học tập, thăng tiến. Ví dụ: người có con sẽ có cơ hội được quan tâm, cất nhắc hơn trong bố trí công việc; tạo điều kiện để phụ nữ mang thai và nuôi con thuận lợi đến khi con đủ 15 tuổi. Cơ quan, đơn vị nên có chỗ chăm sóc trẻ để phụ nữ yên tâm công tác. Ngoài ra, phần thưởng cho các cặp vợ chồng khi sinh đủ số con cũng có tác dụng động viên, khuyến khích, tuyên dương.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.