'Chờ cháu cứng cáp hơn, tôi về với ông…'

17/01/2015 - 07:09

PNO - PN - Hàng xóm hỏi thăm: “Tết này bà có về ăn Tết với ông không?”. Ông già cười móm mém, giọng nửa thật, nửa đùa: “Còn xem con cái có cho bà về với tôi không”. Gần 5 năm nay, ông bà chẳng khác gì Ngưu Lang-Chức Nữ, mỗi năm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày ông bà tuổi đôi mươi, nhà nghèo nên vợ chồng sống vất vả, thiếu thốn. Ông phải tha phương, làm đủ mọi nghề từ gặt lúa mướn, bốc vác, phụ hồ đến đạp xích lô… để có tiền gửi về quê cho vợ nuôi năm đứa con thơ. Số ông không có con trai, cứ sinh lần này đến lần khác đều là “vịt trời”, nhưng ông không vì vậy mà cằn nhằn vợ. Ông hài lòng, tếu táo: “Nhà có năm cô con gái thì không sợ nghèo”. Nhưng, ông bà vì đông con nên luôn trong cảnh túng quẫn. Ông bảo ngày ấy, vợ chồng trẻ bận rộn, ít quan tâm đến nhau. Bà quần quật với lũ con nhỏ đói ăn, khóc lóc suốt ngày nên chẳng mấy khi có thời gian chăm chút bản thân hay dòm ngó đến chồng.

Khi con cái trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, thành gia lập thất, ông bà vui mừng vì cứ nghĩ phần đời còn lại sẽ sum vầy bên nhau. Nhưng các con đều chọn miền Nam làm nơi lập nghiệp, cùng dắt díu nhau vào Sài Gòn sinh sống. Từ đây, bà trở thành “ôsin” của các con. Hết cô con gái đầu đến cô út lần lượt sinh con đẻ cái, cứ cách vài tháng, bà lại nhận được tin con gái mang bầu. Một năm đầu, bà chỉ đi nuôi con gái sinh chừng một-hai tháng thì đón tàu về nhà với ông, nhưng các con liên tục điện thoại réo rắt. Đứa nào cũng ca cẩm thuê người làm không như ý, họ không trông nom chu đáo, sợ họ lấy trộm đồ đạc trong nhà… Hàng tá lý do đưa ra và cuối cùng, các con thống nhất: chỉ có mẹ là tuyệt vời nhất.

'Cho chau cung cap hon, toi ve voi ong…'

Để mẹ có thêm động lực, sức khỏe chăm bẵm đàn cháu, các con quyết định mỗi tháng sẽ trả lương hậu hĩnh cho mẹ bằng việc làm một cuốn sổ tiết kiệm đường hoàng. Nhiều lần, bà thủ thỉ tâm sự với ông, bà không ham gì tiền bạc, già cả biết sống được mấy hơi. Bà chỉ có tâm nguyện cuối đời là muốn được ở cạnh bên ông, hủ hỉ sớm chiều. Nhưng mỗi lần nghe các con than vãn chuyện mới sinh con, cháu non ngày, yếu ớt, bà lại không đành lòng. Cứ vậy, bà như ca sĩ chạy “sô” cho năm đứa con gái. Đầu năm bà nuôi đẻ cho con gái đầu, cuối năm lại vòng sang con gái thứ hai, rồi lần lượt nàng ba, nàng tư, nàng út… Lưng bà còng xuống nhiều, tóc mỗi năm một bạc thêm. Thời gian bà ở với các con gái nhiều hơn ở với chồng.

Nhiều bận các con thúc giục ông bán đất ở quê vào thành phố sống với con cái để cha mẹ có cơ hội gần nhau, nhưng ông gạt đi. Bà cũng không đồng tình. Ông bà quan niệm già cả, sống nay chết mai nên không muốn xa quê cha đất tổ. Ông lại không quen cuộc sống ngột ngạt nơi phố thị. Cuối cùng ông bà đành “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, kẻ Bắc, người Nam để lo cho con cháu vẹn toàn.

Những ngày này ở quê vào đông, trời rét căm căm, nhiều bận ông dậy sớm, nhóm bếp lửa, ngửi mùi khói mắt cay xè, nhìn căn nhà trống hoác mà lòng buồn tênh. Gần cả cuộc đời, ông và bà vẫn phải sống xa nhau mà tựu trung lại cũng chỉ vì lo cho con cháu. Nhiều lần ông gọi điện thoại cho bà, nghe giọng bà nghèn nghẹt chen lẫn với tiếng trẻ con nô đùa tíu tít xung quanh. Bà sợ ông tủi thân nên hay an ủi: “Chờ cháu cứng cáp hơn, tôi về với ông…”. Ông chậm khăn lau nước mắt, vội cúp máy để bà không biết ông đang khóc…

 N.T.NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI