Chở cả quê hương về thành phố

06/02/2025 - 20:11

PNO - Những chuyến xe “thồ” cùng đoàn người nối đuôi nhau từ mùng Bốn tết tạo nên hình ảnh đầy cảm xúc mỗi dịp hậu tết.

Bỏ qua những chặng đường dài mệt mỏi của người lớn và trẻ nhỏ, bỏ qua khói bụi kẹt xe và cả những tai nạn không mong muốn, hành trình lỉnh kỉnh đồ đạc trở lại phố thị là những hình ảnh tuyệt đẹp hậu tết.

Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ dài ngày. Với nhiều người, đây là thời điểm sum họp sau một năm dài dằng dặc bôn ba nơi xứ người, thậm chí có người vì khoảng cách địa lý mà 3 - 4 năm mới về quê một lần nên chuyến tạm biệt quê ra phố làm việc học hành luôn đầy cảm xúc.

Cuộc sau tết của những đứa con luôn “chở nặng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: nặng vật chất và nặng cả tình thương. Tất cả những gì của quê hương như được gom hết, gói hết trong hành trang trở lại TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Nội… - quê hương thứ hai, nơi lập nghiệp mưu sinh của người trẻ.

Những chiếc xe như mang cả mùa xuân ở quê lên phố thị. (ảnh minh họa)
Những chiếc xe như mang cả mùa xuân ở quê lên phố thị (ảnh: fanpage Sóc Trăng)

Anh Nguyễn Anh (quê Thái Bình), sau bao năm làm việc cật lực, tích cóp mua được căn nhà tại TPHCM. Theo phong tục xứ anh, gia đình nhỏ của anh phải ăn 3 cái tết ở nhà mới, rồi mới về thăm quê. Năm nay năm thứ tư nên gia đình anh được về đón tết quê.

Cả nhà hồi hộp và tất bật chuẩn bị trước đó 1 tháng, từ sắp xếp công việc của vợ chồng rồi chuyện học hành của 2 con. Vì vậy, lịch trình về quê ăn tết kéo dài từ 19 tháng Chạp đến mùng Mười tháng Giêng cho... bõ thời gian xa quê, xa ba mẹ và người thân. Quãng đường đi mất gần 2 ngày nên anh phải tính toán sao cho tiện lợi nhất việc học và việc làm.

Bố mẹ và họ hàng ở quê mang tâm lý “lâu lắm vợ chồng con cháu mới về”, nên lúc anh chuẩn bị vào lại TPHCM, mỗi người đều góp một món quà quê. Anh chia sẻ: “Biết là ở Sài Gòn cần gì cũng có, đặc sản vùng miền không thiếu, nhưng các bác cô chú đều giấm giúi cho. Đó là tấm lòng của người thân yêu nên anh không nỡ từ chối. Gói nhỏ gói to anh đều nhận, nên lúc chào cha mẹ đi thì như… Việt kiều hồi hương, các thùng hàng chất cao. Bố mẹ đôi bên không cho để lại thứ gì, họ nói: Mang vào có mà ăn, ở quê còn nhiều”.

Tương tự, anh Nguyễn Lê (quê Bình Định) kể, để tiện việc đi lại cả quê chồng và vợ (cách nhau 15km), anh thuê xe ô tô. Năm nay, anh được sếp cho mượn hẳn chiếc xe bán tải nên hành lý vào TPHCM được chất kín thùng xe. Nhà ngoại cho thịt heo, bánh trái. Nhà nội cho các loại thịt gia cầm, hải sản, nên tha hồ chuyên chở.

Anh đùa: “Có sự hậu thuẫn tuyệt vời này nên gia đình tôi không thiếu đồ ăn. Nhà sắm luôn vừa tủ lạnh vừa tủ đông cho tiện việc trữ thức ăn. Trước tết thì 2 tủ luôn sẵn sàng trong tình trạng “rỗng” để được lấp đầy sau tết”.

Thường thì mỗi tháng cha mẹ anh hoặc cha mẹ vợ sẽ gửi đồ ở quê vào cho con cháu. Vì các cụ cũng biết ở thành phố món gì cũng đắt đỏ và không an toàn thực phẩm nên cứ gói ghém những món ngon, kể cả gạo để gửi vào.

Chị Huệ Thúy (quê Quảng Nam) bày tỏ trong tiếc nuối: "Năm nay tết được nghỉ ít nên chị còn cảm giác “chưa được ăn tết”. Gia đình chị đi xe đò nên ngại việc mang theo nhiều đồ, do phải đón xe vất vả, rồi chăm sóc các con. Chị chỉ nhận vài thứ các con thích. Nhìn nhà nhà người người mang nhiều đồ quê vào phố, chị tiếc những món dân dã ở quê đành để lại.

Những món quà quê được chất kín cả thùng xe. (ảnh minh họa)
Những món quà quê được chất kín cả thùng xe (ảnh: cafef.vn)

Anh Minh Nhật (quê huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), vì ở gần TPHCM nên gia đình 4 người anh chọn đi xe máy. Năm nào cũng vậy, hành trình của họ theo công thức: 2 con nhỏ và 2 anh chị, tất cả 4 người cộng thêm ít đồ đạc trên một chiếc yên xe. Anh cầm lái, đi thong thả, kiểu vừa đi vừa ngắm đường sá phố phường vào xuân, không áp lực nhanh hay muộn.

Anh nói: “Quãng đường 130km trở nên quen thuộc với con tôi mỗi tết. Lượt về quê các cháu không ngại, nhưng lúc trở lên thành phố thì ông bà lại gói ghém đồ lỉnh kỉnh, khiến bọn trẻ hơi khó chịu. Tâm lý các cụ là “nhà có, cứ mang theo” nên chiếc xe thành chiếc xe thồ hàng, túi nhỏ túi to chứa thịt kho, chuối, khoai, bánh trái…”.

Chị Lan Quỳnh - vợ anh Nhật - nói đầy cảm xúc: “Sau tết, nhìn những chiếc xe máy chở người và đồ đạc đi dọc đường, tôi thấy thương yêu đến lạ. Không chỉ gia đình tôi mà các gia đình khác như muốn chở cả mùa xuân ở quê lên thành phố. Những hương vị quê nhà này giúp chúng tôi ăn tết thêm lần hai. Những ngày làm việc, học tập tiếp theo đỡ sự trống trải chông chênh của nỗi nhớ cha mẹ, nhớ quê…”.

Huỳnh Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI