Chợ bông quê tôi gần 2 con sông Tiền và sông Bảo Định, gió thổi từ sông lên mát mẻ, các chậu bông có nước gần bên nên luôn được tắm tưới. Nó nằm trên con đường tôi đi làm hàng ngày. Cứ thấy người ta giăng dây chuẩn bị gắn đèn bên trên và sơn chia lề đường, lòng đường thành từng ô bên dưới là biết tết đã đến cận kề. Vậy là ngày 2 lượt đi, 2 lượt về có thêm niềm vui: ngắm bông trong chợ, chợ bông ngày càng rực rỡ hơn cho đến tận chiều cuối năm.
|
Một chợ bông miền Tây xưa |
Chợ bông đó giờ không còn nữa. Thành phố mở rộng ra, chợ bông được đưa về khu quảng trường khang trang rộng rãi. Thành phố cũng sắp đặt một đường hoa với nhiều cảnh trí xinh đẹp, khi mọi người chụp hình, hình sẽ đẹp lung linh. Dẫu biết trên đường phát triển, chợ bông năm nào không còn phù hợp, nhưng sao vẫn thấy nuối tiếc một chợ bông chen chúc, chật hẹp, đôi chỗ còn nhếch nhác thuở nào. Vì chợ bông đó, với tôi, mang bao nhiêu là kỷ niệm.
Đó là những kỷ niệm thuở ấu thơ trong ngày cuối năm: Khi ba mẹ đã chuẩn bị xong củ kiệu, dưa món; mứt đã sên, lư đã chùi, nhà cửa, bàn ghế đã dọn dẹp tinh tươm; mấy anh em được cha mẹ dẫn tung tăng dọc theo những con đường xung quanh đầy bông, đầy kiểng. Tha hồ ngắm nghía, săm soi. Ngoảnh đầu bên này hỏi ba kiểng gì. Quay đầu bên kia, níu tay mẹ hỏi bông chi. Trầm trồ, khi nhìn thấy những chậu kiểng uốn thành hình các con thú. Ngạc nhiên lúc bắt gặp những chậu xương rồng gai góc lại nở bông.
Đó là những kỷ niệm thuở hoa niên, cùng bọn bạn thân rủ nhau hùn tiền chụp hình, tấm hình đen trắng giờ còn nằm trong tập album, mà người trong ảnh kẻ mất, người còn, tứ tán mọi phương trời. Đó cũng là kỷ niệm lần đầu tiên mời được cô bạn gái dạo chơi. Rồi khi được “nàng” nhận lời, được đi bên nhau, hớn hở, vừa mong tụi bạn nhìn thấy, vừa ngại ngần, hồi hộp sợ tụi nó nhập bọn! Giờ “nàng” không còn nữa. Nàng đã biến thành “sếp” của tía con tôi rồi.
Vậy đó, chợ bông quê nhà không chỉ là những bông hoa rực rỡ khoe sắc xuân. Chợ bông còn là một khoản ký ức ập về trong những ngày cận tết. Nó đã cùng tôi lớn lên, để mỗi khi xa quê luôn mong mỏi quay về .
Khi trong người đã có lưng vốn sống, tôi biết chợ bông dù ở đâu cũng chứa đựng những cảnh đời cần lao, vất vả. Ngồi sau những chậu bông rực rỡ là những nhà vườn chuyên trồng bông, kiểng quanh năm, chợ bông ngày tết với họ là dịp buôn bán lớn. Cũng có thể những người đứng, ngồi, dầu dãi nắng mưa đó là những nông dân vốn quen làm ruộng, chợ bông cuối năm là một kỳ làm ăn quan trọng.
Dù là ai, để có những chậu bông khoe sắc cho mọi người ngắm nghía, mua sắm, trưng bày khi tết về là những ngày chiết cành, tỉa nhánh, phun tưới...; là những tháng ngày còn xa mới đến tết, đã phải lo kiếm đất để thuê, vay mượn tiền gom vốn, đắn đo chọn giống… Rồi phải chống chọi với thời tiết ngày càng bất thường, phải đương đầu với sự đỏng đảnh của thị trường, thị hiếu. Có khi “thắng lợi” thì họ có tiền, có bạc lo cho con cái học hành, lo giỗ quải, hiếu hỉ, đau ốm quanh năm. Còn khi họ “thất bại”, những mái đầu “một nắng hai sương” thêm nhiều sợi bạc.
Tôi, như mọi người, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa cũng dạo quanh chợ bông để chọn vài chậu ưng ý về chưng trước thềm nhà. Cũng cò kè bớt một thêm hai, chủ yếu cho vui và cũng đừng để mọi người xung quanh chê mình mua hớ. Tôi cũng nghe nói nhiều người đợi chiều 30 mua cho rẻ, thậm chí còn chờ người bán bông dọn rồi để lấy bông bỏ lại đem về chưng cho đỡ tốn kém. Nhưng như người ta nói: “Cái gì cũng có giá của nó”. Mua bông sớm thì xuân về nhà mình sớm, mình hưởng xuân nhiều hơn. Tôi cũng nghe người ta nói bây giờ người bán bông thà đập nát những chậu bông không mang về chứ không bán rẻ, hay bỏ nguyên lại.
Nhưng mà, nếu có thời gian, tiền bạc xin mọi người mua bông sớm để người bán bông yên tâm thông báo về nhà, mua sắm thêm chút quà, chút bánh tết. Và cũng xin người bán bông nếu không chở bông không bán được về (để còn bán bông cắt cành cho những ngày sau tết) thì đừng bực bội mà phá nát những nhánh bông. Biết đâu trong những người bòn mót những chậu bông gần xơ xác đó là những phận người không thể phân các đồng tiền bé mọn mua bông. Xin để cho những chậu bông thấm đẫm mồ hôi đó giúp cho những thềm nhà xơ xác, những dãy nhà trọ chật hẹp nào đó, có những người không thể về quê, còn có gì để gọi là đón xuân.
Xin để cho những con người kém may mắn đó được an ủi khi thắp nén nhang rước ông bà về ăn tết cùng. Để họ không phải tủi thân vì ông bà họ về nơi trống trơ trống hoác, không có gì gọi là là xuân, là tết.
Nguyễn Huỳnh Đạt