Cho bạn vay tiền: "Đứng cho vay, quỳ đòi nợ"

29/11/2020 - 15:06

PNO - Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền tấm hình chụp cảnh một người đàn ông quỳ gối bên đường, trước ngực đeo tấm bảng: “Xin anh Sơn trả tiền cho em”.

Theo thông tin chia sẻ, vụ việc xảy ra ở Kim Sơn, Ninh Bình, người đàn ông trong hình cho một người tên Sơn vay 20 triệu đồng. Đến lúc gia đình có việc (vợ con đi viện), anh đến đòi tiền lại thì anh Sơn khất năm lần bảy lượt. Không còn cách nào khác, anh phải làm cách này hi vọng đòi lại số tiền đã cho vay.

Không biết thực hư vụ việc thế nào, nhưng rất nhiều người đồng cảm với cảnh "Đứng cho vay, quỳ đòi nợ". Nhiều người chia sẻ tình cảnh của bản thân và chia sẻ cảm giác đi đòi nợ như đi ăn mày.

Có người bình luận: “Khổ cho cảnh thả gà ra đuổi, người ta không phải thừa tiền mà cho vay, chỉ là thương và muốn giúp đỡ. Đây là kinh nghiệm cho những ai có lòng tốt nhưng chưa hiểu lòng người mình sẽ giúp”.

Nhiều người khẳng định, việc cho bạn vay tiền rồi mất luôn cả bạn lẫn tiền không phải là hiếm nên thà để mất tình cảm còn hơn để mất cả tình lẫn tiền. Một số người lên tiếng xỉ vả người vay tiền sống không có đạo đức rồi sẽ phải sẽ nhận quả báo nặng nề.

Có người khuyên nhân vật chính đưa số điện thoại người vay lên để mọi người đòi nợ giúp hoặc nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, thậm chí thuê công ty đòi nợ thuê.

Bức ảnh tạo sự đồng cảm của cộng đồng - Ảnh chụp từ Facebook
Bức ảnh tạo sự đồng cảm của cộng đồng - Ảnh chụp từ Facebook

Đã có nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra xuất phát từ việc vay tiền không trả, khiến mâu thuẫn nảy sinh và người trong cuộc giải quyết bằng cách tiêu cực, bằng tộc ác. Tháng 7/2020, TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên án chung thân đối với bị cáo Bùi Xuân Hồng về tội giết người. Trước đó, ông Hồng đã truy sát cả nhà em gái khiến 2 người tử vong và một người bị thương.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do gia đình em gái đã vay tiền của ông Hồng nhiều lần với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng nhưng không trả. Sau nhiều lần đòi nợ không được, ông Hồng đã nảy sinh ý định giết người rồi tự vẫn.

Tôi từng cho bạn mượn 50 triệu đồng để mua xe, bạn hứa mỗi tháng trả 2 triệu đồng, nhưng đến nay bạn đã mất hút. Tôi không liên lạc được vì bị chặn số điện thoại. Ngày trước tôi cũng hay cho mượn tiền, số tiền không nhiều mỗi lần 3 đến 5 triệu đồng nhưng đều mất khả năng đòi.

Tôi nghiệm ra, khôn ngoan nhất là không cho ai mượn tiền, trong trường hợp người thân thiết, máu mủ, thì cho mượn phải xác định tình huống "mất tiền cũng đành". Ngoại trừ bệnh tật ốm đau nguy cấp, còn ai mượn tiền làm ăn kinh doanh hay trả nợ, tôi sẽ nói không. Tôi nghĩ, thà “mất lòng trước được lòng sau”, lúc mượn thì mang ơn, nhưng khi mình cần đòi lại thì oán trách vô tình vô nghĩa.

Vì đòi nợ gia đình em gái bất thành, bị cáo Hồng đã
Vì đòi nợ gia đình em gái bất thành, bị cáo Hồng đã truy sát khiến vợ chồng em gái tử vong. Ảnh từ Internet

Em trai tôi còn đề ra nguyên tắc: không bao giờ cho bạn bè vay mượn quá một triệu đồng, với người thân không quá 20 triệu đồng. Cũng do cậu ta quá thấm thía chuyện cho vay tiền rồi mất luôn tình cảm. 

Tuy nhiên không phải ai cũng rơi cảnh cho vay mà một đi không trở lại như tôi và mất lòng tin như em tôi. Nhiều trường hợp, bạn bè vẫn nhiệt tình cho nhau mượn tiền. Đồng nghiệp tôi kể, khi chị xây nhà, các bạn và người  quen thân cho mượn có khi tới vài chục triệu mà không cần giấy tờ. Đến khi trả tiền, các "chủ nợ" cũng nhất quyết không cầm một đồng tiền lãi khiến chị rất cảm kích. Chị nói rằng, anh chị sẽ mang ơn họ suốt đời, dù tiền đã trả xong.

Có lẽ để trả lời câu hỏi: "Có nên cho bạn mượn tiền hay không" còn tùy mức độ của mối quan hệ và uy tín của người đi vay, vì trong đời ai cũng có lúc khó khăn, cần giúp đỡ...

Duy Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI